Xin các vị, hãy thôi đọc diễn văn dài dòng!

14/08/2015 10:16 GMT+7

Nếu là người nước ngoài đến Việt Nam chắc bạn không khỏi ngỡ ngàng khi thấy những sự kiện được bắt đầu bằng những màn diễn văn khai mạc dài dằng dặc trong khi ở nước bạn người ta thường chỉ mất khoảng vài phút để bắt đầu.

Nếu là người nước ngoài đến Việt Nam chắc bạn không khỏi ngỡ ngàng khi thấy những sự kiện được bắt đầu bằng những màn diễn văn khai mạc dài dằng dặc trong khi ở nước bạn người ta thường chỉ mất khoảng vài phút để bắt đầu.

Minh họa: DAD
Có thể bạn sẽ thấy rất ngạc nhiên bởi người Việt có thói quen biến những thứ đơn giản nhất trở nên rất quan trọng, từ việc chào hỏi cho đến việc ăn chơi. Chỉ với những năm đầu đời ít ỏi sinh sống và học tập ở Việt Nam nhưng tôi đã gặp khá nhiều người thích quan trọng hóa vấn đề. Tôi xin lấy ví dụ từ những việc nhỏ như trong trường học, lễ chào cờ hằng tuần vào sáng thứ hai luôn kéo dài lê thê hàng tiếng đồng hồ. Chúng tôi thường phải ngồi ngoài trời hàng giờ bất kể thời tiết nắng chang chang hay lạnh cóng để nghe những bài phát biểu dài thật dài.
Vì lý do nào đó, các thầy cô thường thích biến mình thành người quan trọng bằng cách khoe thành tích của mình, họ kể về những điều họ đã làm trong quá khứ và khuyên răn những gì học sinh cần phải làm để có tương lai tốt đẹp... Những lời huấn thị đó không chỉ được nói một lần mà được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong những buổi lễ chào cờ. Cũng có khi những buổi chào cờ biến thành những buổi phê bình toàn trường đối với những học sinh hay một lớp học nào đó.
Bạn đã từng phải nghe thầy hiệu trường phê bình học sinh cả tiếng đồng hồ bao giờ chưa? Tôi từng chứng kiến chuyện này nhiều lần đến nỗi không thể đếm được và tôi thường nghĩ, cách nêu giương xấu ồn ào như vậy liệu có làm cho người mắc khuyết điểm trở nên tốt hơn hay chỉ làm cho họ trở lên xấu hổ, mặc cảm và tự ti hơn. Còn những học sinh khác thì bất đắc dĩ phải ngồi lắng nghe những lời phê bình nặng nề, tôi cho rằng việc này không những phản giáo dục mà còn làm lãng phí thời gian của nhiều người khác.
Khi chứng kiến hoặc tham dự những sự kiện ở New Zealand, tôi càng nhận ra sự khác biệt trong cách thức tổ chức sự kiện của người New Zealand và người Việt Nam. Ở New Zealand, mọi thứ không quá quan trọng thường được làm rất nhanh. Ví dụ như ở trường học, vào đầu tuần thầy cô sẽ phát biểu nhiều nhất là năm đến mười phút về những việc cần làm tuần đó để học sinh biết và bắt tay vào việc. Với cách làm việc như vậy, học sinh sẽ không phải ngồi đợi quá lâu mà vẫn biết việc mình cần phải làm.
Ở trường tôi không có “lễ chào cờ” hay cái gì đó tương tự, nhưng cuối mỗi học kỳ nhà trường thường tổ chức lễ kết thúc học kỳ và mời phụ huynh đến dự. Trong những sự kiện này không có diễn văn dài lê thê như tôi thường thấy ở Việt Nam mà chúng tôi luôn là tâm điểm. Thầy cô khi đó chỉ đóng vai trò khán giả, từ đầu đến cuối học sinh dẫn dắt chương trình, giới thiệu các tiết mục văn nghệ của các lớp. 
Ở trường tôi không có “lễ chào cờ” hay cái gì đó tương tự, nhưng cuối mỗi học kỳ nhà trường thường tổ chức lễ kết thúc học kỳ và mời phụ huynh đến dự. Trong những sự kiện này không có diễn văn dài lê thê như tôi thường thấy ở Việt Nam mà chúng tôi luôn là tâm điểm. Thầy cô khi đó chỉ đóng vai trò khán giả, từ đầu đến cuối học sinh dẫn dắt chương trình, giới thiệu các tiết mục văn nghệ của các lớp. Đến cuối buổi lễ, thầy hiệu trưởng mới đứng lên hoan nghênh các bạn đã được giải trong các cuộc thi (thể thao, mỹ thuật, âm nhạc…) và thay mặt nhà trường cảm ơn mọi người đến dự và cảm ơn chúng tôi vì đã làm nên buổi lễ đó. Thường thì thầy chỉ nói trong khoảng 2 phút, không hơn.
Những sự kiện lớn do thành phố tổ chức mà tôi từng tham gia còn đáng ngạc nhiên hơn nữa. Ví dụ, Đại hội nghệ thuật dành cho thanh thiếu niên do Hội đồng Thành phố Wellington tổ chức năm 2013 có rất nhiều quan chức chính phủ và thành phố đến dự. Vậy mà trong lúc khai mạc không một lời kính thưa, kính gửi, không tên một vị lãnh đạo của chính phủ hay của thành phố được xướng lên. Người dẫn chương trình chỉ bắt đầu bằng những lời vô cùng giản dị: “Thưa các vị, chúng ta có mặt ở đây đêm nay để chứng kiến niềm đam mê ca nhạc của những đứa trẻ đáng yêu của thành phố này, chúc các vị một buổi tối vui vẻ”. Có lẽ những người tổ chức cho rằng đám trẻ con chúng tôi mới là tâm điểm của sự kiện, âm nhạc mới là điểm nhấn chứ không phải những quan chức có mặt trong đêm biểu diễn đó vì suy cho cùng họ chỉ là khán giả.
Trở lại việc “quan trọng hóa vấn đề” ở Việt Nam, sau sự kiện đội bóng Manchester City đến đá giao hữu với đội tuyển Việt Nam, khách quốc tế có thể nhìn người Việt Nam chúng ta như những người thích làm mọi việc lâu và khó khăn. Tôi cho rằng đã đến lúc người Việt Nam cần bỏ đi một thói quen xấu, hãy thay những bài diễn văn dài dòng bằng những lời ngắn gọn, đúng mục tiêu, bỏ bớt đi những “kính thưa, kính gửi” cũng là cách để tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho toàn xã hội.
Xin các vị, hãy thôi quan trọng hóa vấn đề!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.