'Xin đừng để con của người nghèo không được đến nhà trẻ, mẫu giáo'

Mai Hà
Mai Hà
16/01/2024 18:44 GMT+7

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề nghị Quốc hội, Chính phủ, ban quản lý các chương trình sắp xếp kinh phí từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ cho các cháu của gia đình nghèo được đi nhà trẻ, mẫu giáo.

Chiều nay 16.1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030).

'Xin đừng để con của người nghèo không được đến nhà trẻ, mẫu giáo'- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề xuất có chính sách hỗ trợ cho con, cháu các gia đình nghèo

GIA HÂN

Nêu ý kiến góp ý, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề nghị Quốc hội, Chính phủ, ban quản lý các chương trình sắp xếp kinh phí từ 3 chương trình để hỗ trợ cho các cháu của gia đình nghèo được đi nhà trẻ, mẫu giáo.

Lý do rất nhiều con, cháu của các gia đình nghèo là công nhân, nông dân, người có công việc không ổn định, thậm chí không tìm được việc để làm thuê, làm mướn nên thu nhập rất thấp. Vì nhà nghèo quá các cháu không được học ở các cơ sở nuôi dạy trẻ đạt tiêu chuẩn, có thể bị ăn đói, bị ngủ rét, thậm chí bị đối xử thô bạo, bị hành hung.

"Không trồng gì bằng trồng người. Công trình xây dựng là cần, nhưng cần nhất là xây dựng con người sung sức, khỏe mạnh góp phần xây dựng đất nước lâu dài, bền vững. Xin đừng để con của người nghèo không được đến nhà trẻ, mẫu giáo", ông Trí nêu.

Đại biểu đoàn Hà Nội cũng đề xuất mức hỗ trợ bao nhiêu căn cứ vào mức độ nghèo, tùy địa phương và chương trình và có thể qua trường lớp hay gia đình.

Còn theo đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội, tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia lâu nay chậm cũng do một phần do thủ tục rườm rà. Do đó, cần mạnh dạn phân cấp, nhất là khi các công trình không phải lớn song lại thiết thực về an sinh xã hội.

Hiện Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án: phương án 1 là chưa thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện ngay trong giai đoạn 2021 - 2025; quy định cơ chế định hướng cho tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026 - 2030.

Phương án 2 là thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024 - 2025.

"Tôi chọn phương án 2, cứ mạnh dạn phân cấp đến cấp huyện. Huyện đủ khả năng thực hiện dự án như thế", ông Hạ nêu quan điểm và cho rằng không nên quy định mỗi tỉnh chọn 1 huyện thí điểm vì cần tính bao quát, để khi tổng kết, tổng hợp xem thành thị thế nào, nông thôn ra sao, miền núi thế nào.

Thay vào đó, nên để tỉnh lựa chọn vì áp dụng cơ chế thí điểm có nghĩa quy định chưa có hay pháp luật chưa hoàn thiện, nếu làm được thì có kinh nghiệm, qua đó tổng kết đúc rút và luật hóa. Cơ chế, chính sách này nên cho áp dụng ngay từ giai đoạn 2024 - 2025.

'Xin đừng để con của người nghèo không được đến nhà trẻ, mẫu giáo'- Ảnh 2.

Đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất cơ chế khuyến khích cán bộ dám làm, đổi mới

GIA HÂN

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, thì cho rằng, lâu nay Quốc hội quyết định nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho các tỉnh, thành, chương trình, dự án.

Ông cũng dẫn ra ví dụ khi đi giám sát dự án đường Vành đai 4 Hà Nội, cán bộ dự án nói "cảm ơn Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù cởi trói vướng mắc thì dự án mới nhanh như thế".

Theo đại biểu Cường, cách làm như thế đều mang lại kết quả tốt, hiệu quả đạt được nhanh hơn, "chưa thấy cơ chế đặc thù nào gây hậu quả xấu". Tuy nhiên, nên chăng ngồi chờ địa phương, lĩnh vực thấy vướng mắc rồi xin mới xem xét cơ chế, chính sách đặc thù hay nên chủ động đưa ra cơ chế, phương thức nào đó chủ động khắc phục tình trạng này?

Bộ Chính trị có Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung và Chính phủ cũng có Nghị định số 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Song theo đại biểu Hoàng Văn Cường, tính khả thi của nghị định có lẽ không cao. Bởi lẽ cán bộ năng động, sáng tạo xây dựng kế hoạch mới, trình cơ quan thẩm quyền xem xét phê duyệt nhưng lại phải tuân thủ quy định pháp luật.

"Các kế hoạch khi được trình, nếu chiếu theo pháp luật rồi nói là kế hoạch hay đấy nhưng không được duyệt thì cán bộ không còn động cơ để năng động, sáng tạo, đổi mới mà sẽ tiếp tục đi theo lối mòn, thậm chí xơ cứng, vô cảm", ông Cường nói.

Do đó, ông đề xuất cần nghiên cứu để Quốc hội có nghị quyết riêng hoặc lồng vào nghị quyết chung của kỳ họp cho phép vận dụng quy định của pháp luật, lựa chọn kế hoạch, phương thức phù hợp nhất với điều kiện thực thi công việc nhằm mang lại kết quả tốt nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.