Xin đừng diễn phô

Hoàng Kim
Hoàng Kim
11/03/2022 06:42 GMT+7

Sân khấu là một trong những bộ môn nghệ thuật được trân trọng. Người ta đi xem sân khấu để tìm thấy những giá trị chân - thiện - mỹ. Tuy vậy, gần đây có những chi tiết diễn xuất “phô” khiến nhiều khán giả lên tiếng, mong có sự chỉnh sửa.

Một anh chàng cởi quần ngay trên sân khấu, lộ bụng to, phản cảm, trong khi tình tiết đó là cô gái “bồ hờ” muốn kiểm tra xem anh ta có mang súng theo bên người hay không. Nếu muốn kiểm tra, cô chỉ cần ôm eo là biết ngay, như ở lớp diễn sau cô đã làm. Thế nhưng, ở lớp diễn trước, cô lại đòi anh ta cởi quần. Cởi quần trên sân khấu là một hành động rất dễ gây nên sự phản cảm, trừ khi bắt buộc lắm mới sử dụng, còn nếu không cần thiết thì có thể bỏ, thay thế bằng hành động khác.

Vở Mưa bóng mây xứng đáng đoạt Huy chương vàng Liên hoan Sân khấu toàn quốc 2021 với ngôn ngữ nghệ thuật đẹp

H.K

Một vở khác, có người phụ nữ sang thăm nhà hàng xóm, lúc đó vợ chồng hàng xóm đang ăn cơm. Chị “hồn nhiên” đòi ăn thử, cứ dùng muỗng đũa chung với vợ chồng kia. Hình ảnh đủ để… minh họa cho tình tiết lây lan Covid-19. Tiếp đó, chị lại nhảy mũi một cái, cơm canh trong miệng bắn tung tóe vào mâm cơm, văng cả lên người anh chồng. Xem đến tình tiết này, nhiều khán giả thấy thực sự khó chịu. Có nhất thiết phải để cho nhân vật cẩu thả và bẩn bựa như thế. Mặt khác, đôi khi việc khắc họa về người lao động bình dân hơi quá đáng, khiến cho họ hiện lên trong mắt khán giả rất xấu. Và chi tiết biểu diễn đó gây cảm xúc trực quan rất mạnh tới khán giả sân khấu, vốn ngồi xem trực tiếp.

Một chi tiết cũng được rất nhiều vở dài lẫn vở ngắn, hoặc gameshow, trích đoạn… sử dụng: một nhân vật nói chuyện, còn nhân vật kia lấy tay lau mặt, nghĩa là lau nước miếng của người nọ văng lên mặt. Chi tiết này diễn đến nhàm mà diễn viên không chán, chứ khán giả thì ngán thực sự. Thêm chi tiết cũng hay bị lạm dụng, là một người giơ nách lên, người kia bịt mũi, hoặc giãy nảy, ý nói là hôi nách. Một sự cường điệu cuộc sống khiến sân khấu tự làm “xấu” mình.

Đặc biệt, khi diễn vai đồng tính thì cứ thấy những anh con trai giả gái mặc áo quần lòe loẹt, trang điểm xanh đỏ như búp bê, gắn bông hoa tùm lum lên đầu, tay chân ẹo như không có xương. Kịch bản muốn người ta đồng cảm, thương cảm cho những người đồng tính, mà lại đưa hình ảnh cường điệu đó lên là một cách nhìn phiến diện và không phù hợp.

Sân khấu không cần câu khách bằng những tình tiết phản cảm. Và ngoài đời thật có gì không có nghĩa là sân khấu phải “bê” lên hết theo cách tự nhiên chủ nghĩa. Cần lắm một “bộ lọc” để biến đời sống thành nghệ thuật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.