Thời đại internet khiến không ít phụ huynh nuôi con theo kiểu của “Gu gồ” (Google) thay vì tham khảo ý kiến của ông bà và cả những kiến thức khoa học mà mình đã tích lũy bao năm qua.
|
Cơ quan tôi có hội các bà mẹ thường xuyên rỉ tai cho nhau những thông tin liên quan đến cách nuôi con, trong đó sữa là chủ đề gần đây được quan tâm đặc biệt.
Những thông tin như sữa có chất làm tăng nữ tính khiến trẻ dậy thì sớm, làm tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân ung thư vú, gây dị ứng với trẻ nhạy cảm… khiến các mẹ lo sợ và lập hội tẩy chay sữa trên Facebook. Các mẹ thay nhau tìm ra “sự thật về sữa” rồi nghĩ cách thay thế các nguồn thực phẩm khác cho con, hoặc hạn chế con uống sữa.
Không biết thực hư những chuyện này thế nào, nhưng tôi nghĩ phần lớn đều có nguyên nhân. Có thể là do sản phẩm trong lô hàng nào đó có vấn đề, nhà sản xuất đã bỏ thêm chất hóa học vào "phù phép" các thành phần dinh dưỡng để có lợi nhuận cao. Có thể do bò sữa bị khai thác quá mức dẫn đến các bệnh về vú, chất lượng sữa bị ảnh hưởng, hay ngày nay người ta đang nuôi bò (cũng như các con vật khác) bằng thức ăn công nghiệp, chất tăng trưởng… khiến niềm tin của người tiêu dùng về sữa có phần e dè.
Điều đáng nói là với những thông tin gây hoang mang chưa rõ ràng, lẽ ra phải tỉnh táo tìm hiểu và nhận định thì các mẹ lại chọn “giết lầm còn hơn bỏ sót”, lập “hội tẩy chay” để người lãnh đủ chính là những thiên thần của mình.
Cũng là một người mẹ, tôi biết rằng sữa là thực phẩm quan trọng của cuộc sống. Có thể trong quá trình sản xuất đã xảy ra những sự cố khiến dư luận hoang mang. Tuy vậy, nếu là sữa sạch đúng nghĩa thì nó là một nguồn thực phẩm vô cùng giá trị, nếu không muốn nói là rất cần thiết cho sức khỏe và sự phát triển của con người.
Tôi từng rất ngỡ ngàng với thế hệ người Nhật hiện nay. Bạn của ba tôi là một doanh nhân Nhật Bản. Ông ấy khá thấp bé nhưng con của ông lại cao hơn hẳn so với anh em chúng tôi. Đây là điều mà ông tự hào nhờ chính sách “Một bịch sữa chấn hưng một dân tộc” của người Nhật, tức là nhà nước tài trợ mỗi ngày một bịch sữa cho học sinh để phát triển nòi giống.
Thể trạng của người châu u cũng cao lớn hơn người Việt, phần lớn do chế độ dinh dưỡng, mà trong đó, bơ - sữa là những thực phẩm tối quan trọng. Bạn tôi sống ở Mỹ, cô ấy cho biết mỗi sáng khu vực nhà mình có người giao sữa tươi. Họ giao cho các nhà trong khu vực rất sớm với can 5 lít khá to, và đó là một phần không thể thiếu trong bữa sáng của gia đình, cả cha mẹ lẫn con cái. Sau đó, can sữa còn lại được đặt trong tủ lạnh và dùng hết trong ngày.
Tôi còn nhớ, trong một buổi trò chuyện cùng thạc sĩ - bác sĩ dinh dưỡng Đào Thị Yến Phi, bà đã luôn dặn dò những bà mẹ trẻ về giá trị của sữa: “Không cần biết sữa tươi hay sữa bột, sữa thanh trùng hay sữa hoàn nguyên, tất cả đều có giá trị với bạn và con trẻ. Nếu có một loại thực phẩm có thể dùng mỗi ngày, từ bé cho đến già, thì đó chính là sữa”.
Trở lại với hội các mẹ tẩy chay sữa, nói nhiều về những giá trị của sữa mới thấy việc làm của các bà mẹ này thật đáng tiếc. Trong khi chờ đợi Nhà nước siết chặt và phanh phui những nhãn hàng kém chất lượng, chúng ta phải tỉnh táo để lựa chọn sữa cho con mình. Đừng vì “con sâu mà rầu nồi canh”, các bà mẹ đừng bắt con trẻ ngưng uống sữa vì bất kỳ lý do nào, cũng như cần thay đổi tư duy để thấy rằng chính bản thân mình cũng cần uống sữa.
Chúng ta đã biết đến sữa bò, sữa dê từ thời tiền sử và chính sữa đã góp phần rất lớn đến sự phát triển thể chất của con người, trong khi sữa mẹ giỏi lắm chỉ được thưởng thức đến vài tuổi đầu đời. Thế thì hà cớ gì mà chúng ta tự loại bỏ một nguồn thực phẩm quan trọng như thế.
An Nhiên (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân sống tại TP.HCM
>> Quy trình sạch cho sữa sạch
>> “Sữa sạch” Ba Vì không đạt chỉ tiêu vệ sinh, an toàn thực phẩm
>> Sữa bẩn vẫn được sản xuất ở Trung Quốc
>> 53.000 trẻ phải nhập viện vì “sữa bẩn”
>> TP.HCM trước cơn chấn động “sữa bẩn”
>> Giá sữa bán lẻ ở VN cao nhất thế giới!
Bình luận (0)