Năm học mới đã bắt đầu trôi qua, và hơn bao giờ hết, xin giáo dục hãy “nghỉ ngơi’ một chút! “Nghỉ ngơi” ở đây không có nghĩa là mình sẽ chậm và tụt hậu, mà hãy xem đây là dịp mình nhìn lại chính mình để biết sẽ phải làm gì trong hành trình phía trước… Xin giáo viên hãy quan tâm đến việc dạy học trò sự tử tế, bởi bên cạnh kiến thức thì kỹ năng, nhân cách cũng cần được đầu tư công bằng.
Có nhiều thầy cô và bạn đọc nghe tới đây sẽ nói “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi…!”. Nói mãi, nhưng thật sự đã làm được tới đâu? Tôi có người em làm trong ngành giáo dục, tâm sự: “Đầu năm học, em thường không đặt nặng việc dạy cho đúng chương trình mà sẽ dành thời gian để dạy các con nền nếp, thái độ, cách ứng xử nhiều hơn!”.
Vì vậy, thay vì lo cuống cuồng để chạy cho kịp với phân phối chương trình, giáo viên khéo léo lồng ghép trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm, trong các tiết dạy của mình những bài học rất đỗi đời thường nhưng ít được giáo viên quan tâm. Như dạy cho học sinh mình cách lên xuống cầu thang phải đi bên nào; cách nói chuyện với âm lượng sao cho vừa đủ nghe ở những không gian khác nhau; cách chào hỏi với thầy cô và bạn bè; cách xếp hàng lấy đồ ăn vào giờ trưa, ăn xong sẽ dọn dẹp khay và bỏ thức ăn thừa như thế nào; dọp dẹp chỗ ngồi, giữ vệ sinh chung…
Tiến tới, hướng dẫn học sinh mình cách sắp xếp thời gian biểu, lập mục tiêu cho năm học và hướng dẫn học sinh điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp… Nhiều, cực, nhưng mà thú vị và tạo nguồn cảm hứng để em theo đuổi.
Thiết nghĩ, bên cạnh kiến thức thì đó cũng là những kỹ năng rất đỗi cần thiết cho học sinh. Bởi thực tế, có những học sinh giỏi nhưng chuẩn bị cho một bài thuyết trình như thế nào các em còn lúng túng, phân chia nhóm làm việc và phân công nhiệm vụ trong nhóm thế nào các em còn lạ lẫm, đặt mục tiêu còn mơ hồ và rất chung chung… Nên với thực tế đó, rõ ràng “sản phẩm giáo dục" chúng ta cung cấp cho xã hội chỉ đáp ứng một phần là kiến thức, còn những phần khác thì chúng ta làm chưa trọn vẹn. Trong khi chúng ta đều hiểu, bên cạnh kiến thức thì kỹ năng, nhân cách cũng rất cần được giáo dục.
Đó là lý do vì sao mà hiện tượng học sinh sử dụng bạo lực để nói chuyện, chửi thề như là một thói quen không thể bỏ, sống chỉ biết chăm chút cho cái tôi của mình… đã trở thành nỗi lo chung của mọi người. Một người đồng nghiệp của tôi công tác tại một trường THPT có tiếng ở TP.HCM đã từng ngán ngẩm “Học sinh trường tao học rất giỏi, nhưng mai này thế nào không biết, chỉ biết sau giờ học là rác đầy trong lớp với hộp thức ăn, chai nước, khăn giấy… đến độ các cô phục vụ quét dọn không sao hết. Đặc biệt gọi thầy cô toàn ổng ổng, bả bả, nhắc thì cãi 'bình thường mà cô!', rầu cho học sinh bây giờ quá!”. Và có lẽ, đó chỉ là một trong những nỗi lo giữa vô vàn nỗi lo hiện nay.
Vì vậy, theo tôi dạy cho các em học sinh sự tử tế thật sự không xa vời và lớn lao gì cả. Đó là chúng ta dạy cho các em tử tế trong học tập thể hiện ở việc có trách nhiệm, chủ động và tích cực trong chính việc học của mình; tử tế trong nền nếp, thái độ và hành vi được thể hiện ở những việc mà tôi đã trình bày ở trên. Bởi có tử tế thì các em mới có thể điều chỉnh bản thân mình trước những đổi thay vốn muôn màu của xã hội!
Giáo dục cần sự kiên trì, nhẫn nại, bởi ở đó đối tượng là con người với những cung bậc cảm xúc, những cá tính mạnh mẽ đến không ngờ, đôi khi lại là những tổn thương mong manh… Sự khéo léo, tinh tế và tấm lòng của giáo viên sẽ là đóng vai trò quyết định rất lớn đến hiệu quả của giáo dục. Vì vậy, cần lắm một chút “nghỉ ngơi” của thầy cô, như một “trạm dừng chân” trên hành trình dài, để rồi sau đó bước tiếp với những nguồn năng lượng và nhiệt huyết tràn đầy…
Bình luận (0)