Mấy ngày gần đây, tôi thật sự phát ngán trước câu nói đang rất thịnh hành "chẳng phải dạng vừa đâu". Câu nói này không chỉ được phát tán đầy rẫy trên các trang mạng xã hội mà còn trở thành "hội chứng" trên báo mạng. Phải chăng, có một "đại dịch" "chẳng phải dạng vừa đâu" đang hoành hành?
Sơn Tùng M-TP không chỉ làm cho fan "phát “sốt” vì giọng hát và bộ phim đầu tay của mình mà còn tạo ra một trào lưu về câu cửa miệng của khá nhiều bạn trẻ
|
“Chẳng phải dạng vừa đâu” được biết đến như là câu cửa miệng của anh chàng Đình Phong trong phim Chàng trai năm ấy do ca sĩ Sơn Tùng M-TP thủ vai. Bộ phim đã tốn không ít giấy mực của báo chí và gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận trước khi cho ra mắt công chúng. Có lẽ, câu nói này sẽ chìm vào quên lãng nếu như không có sự xuất hiện một bài hát cũng với tựa đề này xuất hiện sau một thời gian được “ém kỹ”. Sơn Tùng M-TP không chỉ làm cho nhiều fan hâm mộ giọng hát và bộ phim đầu tay của mình phát “sốt” mà bỗng dưng còn tạo ra một trào lưu về câu cửa miệng của khá nhiều bạn trẻ.
Thêm nữa, tối 25.1, trong đêm liveshow đầu tiên của chương trình The Remix - Hòa âm và ánh sáng - sau phần trình diễn thu hút với ca khúc quen thuộc Em của ngày hôm qua, Sơn Tùng M-TP được Hồ Ngọc Hà khen tặng chàng ca sĩ này là “chẳng phải dạng vừa đâu”. Ngay lập tức trên các trang mạng hàng loạt bài báo nói về chương trình The Remix cứ thế đua nhau giật “tít” câu nói này. Diễn biến tiếp theo thì như đã nói, mức độ người dùng cụm từ này cứ thoải mái được nhiều người “trích dẫn” ở mọi hoàn cảnh. Càng bất ngờ hơn là có một bài báo nọ, khi viết về một đội bóng đá đang được yêu thích sau ba trận thi đấu thua đã nếm được mùi chiến thắng cũng lạ lùng giật tít là “chẳng phải dạng vừa đâu”! Lẽ nào vì là từ khóa cực hót nên người ta đã sử dụng một cách vô tội vạ và phổ biến đến như vậy?
Còn nhớ, đầu năm 2014, trong một tiểu phẩm “Ai tốt hơn” của ca sĩ Lý Hải, câu “á đù” cũng có một thời gian tràn lan trên không gian mạng cho đến cuộc sống hằng ngày. Dù có thể không phải ai cũng biết hết nội dung và ý nghĩa khi sử dụng cụm từ này nhưng xem ra với việc sử dụng mọi lúc, mọi nơi và có sức lan mau chóng đã làm không ít người khó chịu. Sự lạm dụng quá mức đến nỗi nhiều người không còn nghĩ đây là cụm từ bình thường, lạ tai hay vui vui được nữa. Giới trẻ sử dụng ở bất cứ trường hợp nào đã tạo ra một cái nhìn không thiện cảm từ mọi người xung quanh. Sau “á đù” không lâu thì “đắng lòng…” tiếp diễn tình trạng như thế. Đa phần là các bạn trẻ đều sử dụng thoải mái trong phát ngôn giao tiếp, đối thoại và còn xem như là một mốt thời thượng khi dễ dàng gán ghép cụm từ “đắng lòng..”. “Đắng lòng” cũng tiếp tục làm mưa làm gió một thời gian trên các trang mạng xã hội và sử dụng làm câu nói cửa miệng với tần suất tương đối nhiều.
Nếu có ai đó thống kê hàng loạt từ hay cụm từ được biết đến từ một ca khúc hit nào đó, bộ phim nào đó… thì chắc là không xuể. Xu hướng sử dụng những dạng cụm từ này ngày càng trở nên phổ biến và lan chóng mặt trên thế giới ảo. Ví như câu hát “hay là bất chấp yêu nhau đi” trong bài hát Mình yêu nhau đi của ca sĩ Bích Phương một thời làm mưa làm gió trong các ảnh chế vui, câu nói tỏ tình của nhiều bạn trẻ. Hay như xin lỗi, anh chỉ là… xuất hiện hàng loạt sau bộ phim ngắn của chàng trai bán bánh giò và cô gái bán bánh tráng trộn…
Không thể ngăn cản hay cấm đoán nhưng đã đến lúc chúng ta nên nhìn nhận và tự xây dựng cho mình những kháng thể cho bản thân trước làn sóng sử dụng ngôn ngữ vô tội vạ như thế này, dẫu biết nó chỉ là câu nói vui, hài hước. Chưa kể, nói riết những câu như thế sẽ làm ảnh hưởng đến việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, từ ngữ sẽ bị biến dạng về mặt ngữ nghĩa và lệch chuẩn. Rồi từ đó, ngôn ngữ mẹ đẻ của một thế hệ tương lai đất nước bỗng dưng không còn sự trong sáng đáng có của nó. Khi ấy, quả thật là đáng tiếc lắm thay!
Bình luận (0)