Xin lộc như cướp: Quan niệm quá sai lệch

19/08/2016 08:06 GMT+7

Đó là nhiều ý kiến của bạn đọc về bài viết Xin lộc như cướp trên Thanh Niên số ra ngày 18.8.

Sự u mê
Việc tranh cướp lộc xuất phát từ sự u mê, tôi cho là vậy. Những người tranh cướp nghĩ rằng lấy càng nhiều hoa quả trên bàn cúng thì lộc càng nhiều. Theo quan điểm của tôi, lộc đến với mình hay không tùy thuộc vào sự lao động, làm việc của mình. Nếu mình chịu khó làm lụng, sống có đạo đức, biết yêu thương con người, nhân từ thì sẽ gặp được kết quả tốt. Còn sống mà lười biếng, không chịu làm ăn, kém đạo đức thì lộc đâu mà đến được?
Mai Văn Huân (Q.Bình Tân, TP.HCM)
Phật đâu có nhận “hối lộ”
Phật không ban phước, ban may mắn cho người xin. Phật không nhận “hối lộ” của con người nên đừng nghĩ rằng mua nhiều lễ vật đến cúng và xin thì Phật sẽ ban cho. Phật là tấm gương sáng về đạo hạnh, về sự rèn mình, tu tập để thoát khỏi kiếp luân hồi, về cõi cực lạc. Do đó, nếu đến chùa để xin Phật này kia thì đó là mê tín, cần phải xóa bỏ.
Huỳnh Trọng Nhân (TP.Quy Nhơn, Bình Định)
Chưa ngộ
Đã đi chùa, đã tham gia khóa lễ mà còn chưa “ngộ” ra được chân lý của đạo thì đi chùa làm gì? Phật nào dạy phải tranh nhau lấy lộc, lấy càng nhiều thì may mắn càng nhiều? Đó chỉ là quan niệm sai lệch của một số người dẫn đến sự hỗn loạn sau buổi lễ hôm ấy. Sau sự việc đáng xấu hổ này, các chùa cần có hướng dẫn, thuyết giảng cho các phật tử hiểu thế nào là lộc, có nên tranh cướp nhau như thế ở chốn tôn nghiêm hay không.
Hồ Thị Thu Nga (Q.8, TP.HCM)
Cần trật tự
Những ai tham gia vào vụ tranh cướp này cần nhìn lại mình, nên biết xấu hổ và đừng lặp lại nữa. Bên cạnh đó, nhà chùa, chính quyền địa phương cần tuyên truyền cho con người ở đó lối sống văn minh, đừng sống theo kiểu man di như thế. Thời buổi văn minh thì làm gì, xin gì cũng nên xếp hàng, trật tự.
Vũ Minh Nguyệt (TP.Long Xuyên, An Giang)
Yếu tố con người
Tôi không có ý phân biệt vùng miền. Tuy nhiên, phải thừa nhận, ở quê tôi, chuyện tranh cướp lộc như thế này không bao giờ xảy ra. Vì sao thế? Lối sống của con người hay bắt nguồn từ yếu tố nào khác? Trước khi tổ chức một chương trình nào đó có đông người tham gia thì đơn vị tổ chức cần nghiên cứu kỹ về tính cách, thói quen của con người vùng miền đó để đề ra phương án tổ chức phù hợp. Đã biết người dân ở khu vực này hay tranh nhau lấy lộc, cướp phết... thì khâu tổ chức cần chặt chẽ, trật tự, tránh để tiếp tục xảy ra hiện tượng này.
Huỳnh Trọng Tấn (TP.Quy Nhơn, Bình Định)
Ban CTBĐ (tổng hợp)
       
Tôi cũng hay đi chùa, mỗi khi đi tôi mang cúng trái cây. Sau khi lễ xong, tôi có xin lộc. Tôi mang đến 5 loại quả thì chỉ xin 1 quả, gọi là lộc. Mang về để trên bàn thờ chứ không ăn. Quan niệm của tôi về lộc và hầu hết mọi người ở quê tôi đều thế. Không ai cố lấy cho thiệt nhiều thứ sau khi lễ cả. Nếu tranh nhau lấy lộc như thế thì sao còn gọi là lòng thành được nữa?
Võ Thị Phương Ánh (Q.8, TP.HCM)
       
Không biết đây là lần đầu hay đã nhiều lần diễn ra cảnh này sau buổi lễ Mông Sơn thí thực? Để tránh tái diễn cảnh này, thiết nghĩ nhà chùa nên cảnh báo và hướng dẫn cụ thể cách thức xin lộc. Nên xếp hàng, tuần tự mỗi người đi lên nhận lộc và ra về. Nếu trật tự như thế thì tốt đẹp biết bao, buổi lễ cũng mỹ mãn.
Thái Thị Nga (H.Bình Chánh, TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.