Con trai yêu dấu của ba, lẽ ra ba đã không làm vậy. Không nên thể hiện tình yêu thương động vật thái quá khi biết mình không đủ khả năng để chăm sóc và bảo vệ nó. Lẽ ra ba không nên gây hy vọng để rồi sau đó để lại những đau buồn và cảm giác mất mát cho con.
Minh họa: Văn Nguyễn
|
Nhưng con ơi, đó chỉ là con chim nhỏ. Nó còn quá non nớt để có thể sống. Cho dù với sự săn sóc vồn vã và đầy yêu thương của chúng ta.
Ba vẫn còn nhớ đôi mắt con nhìn ba lúc ấy, đôi mắt sáng trong, tròn vo như hai viên bi dưới nắng buổi chiều khi ba bỏ ra ba chục nghìn đồng để mua mấy cái bánh đãi bọn nhóc hàng xóm chỉ với một mục đích cuối cùng là bọn trẻ nhường con chim non tụi nó vừa nhặt được ngoài vỉa hè cho chúng ta nuôi. Ba đã bằng cách của người lớn, tước quyền nuôi chim của bọn nhóc bằng một hành vi gần như hối lộ hay đổi chác mờ ám với ý nghĩ có bề kiêu ngạo rằng chỉ có mình hoàn toàn qua mặt bọn nhóc để chiếm lĩnh con chim và chỉ mình mới có thể nuôi sống được con chim nhỏ này mà thôi. Chẳng phải mình đã có một tuổi thơ giàu có hơn bọn trẻ thành thị hỉ mũi chưa sạch kia, chẳng phải chính tự tay mình đã bắt hàng trăm tổ chim và có kinh nghiệm nuôi hàng trăm con chim đủ chủng loại từ khi chúng mới nứt khỏi vỏ trứng đến khi lông lá đầy đủ và theo ba, như con.
Vậy thì một con chim sẻ non, dễ ợt.
Bọn trẻ tin tưởng giao con chim cho ba và còn nhận được một bài học về tình yêu động vật. Chúng còn thanh minh với ba rằng, con chim này là do tụi cháu nhặt được ở ngoài vỉa hè chứ không phải dùng cây chọc tổ cho rớt xuống đâu chú ơi. Ok, biết yêu động vật như vậy thì tốt, ba nói. Nhưng biết yêu không có nghĩa là biết nuôi. Tụi con cứ để chú nuôi nó lớn lên, mọc lông cánh đầy đủ, biết bay, rồi thả nó vào thiên nhiên. Nhưng thiên nhiên là ở đâu vậy chú, một thằng mũi thò lò hỏi ba. Chỗ này là chung cư mà, một đứa mắt ghèn phản biện. Ba giật mình, nhưng cũng kịp trấn tĩnh, ờ thì là tới khi nó biết bay, mình mang ra ngoại ô, chỗ nào có cây cối nhiều, mình thả. Ngoại ô là ở đâu? - thằng mũi thò lò lại hỏi. Xa không chú? - thằng mắt ghèn và thằng tóc sém đồng loạt hỏi. Xa, xa lắm, ba nói.
Ba hiểu ánh mắt con nhìn ba đầy long lanh cảm phục. Ba là thần tượng vĩ đại của con trong chiều hôm đó. Bọn trẻ cũng nhìn con đầy ganh tị vì con trai của ba có một người cha tuyệt vời, một người có tình yêu bao la với động vật, một người cha như thế chỉ có thể thấy trên tivi, trong những bộ phim bảo vệ động vật của nước ngoài mà thôi (chứ phim VN cũng hiếm thấy!). Con hãnh diện và hào hứng khi ba nâng niu con vật nhỏ bé trên tay, huýt huýt sáo rồi nhả chút nước miếng lên ngón tay đưa vào cái miệng đỏ đang há ra kêu không thành tiếng vì đói.
Ba vạch mấy cọng lông ống tìm xem trên mình nó có vết thương nào hay không. Không có. Một con chim lành lặn. Ba vuốt vuốt đôi cánh gầy nhom của nó và nó nằm gọn không còn nghếch mỏ kêu nữa. Ba sẽ giúp nó lấy lại tinh thần để có thể sống chung với con người trong thế giới mà loài chim như nó cũng đối diện với quá nhiều rủi ro này. Rồi qua việc nuôi lớn một con chim, ba sẽ dạy cho con biết bao là kinh nghiệm và giá trị nhân bản mà bọn trẻ thành phố như con đang thiếu thốn.
Nghĩ đến đó là ba thấy hào hứng.
Đây, con hãy nâng niu con chim trên tay như vầy nè. Không được xách cái cẳng nó lên như bọn trẻ thô thiển và thiếu hiểu biết kia, càng không được cho chim ăn bánh snack, hệ tiêu hóa của nó còn yếu lắm, nó sẽ không thích nghi với những thức ăn của con người. Con hãy ngồi đây giữ nó trong lòng bàn tay nhỏ, ấp iu nó để nó không gào khóc đòi mẹ. Ba sẽ đi ra bãi cỏ ngoài kia để tìm vài cọng cỏ khô đan thành chiếc tổ, ba sẽ bắt vài con châu chấu để nó ăn cho qua cơn đói hôm nay.
Tội nghiệp, chắc nó mất sức lắm rồi.
Ba cầm một cái que, đi ra bãi cỏ trước chung cư, vừa đi vừa huơ huơ tìm châu chấu. Buổi trưa nắng chang chang, ba phơi cái đầu trần bù xù tóc, như thể rằng cái bản năng đồng quê đang sống dậy trong thằng cha ngấp nghé tuổi bốn mươi giữa chốn thành thị. Cái bản năng đó đã chìm sâu trong y hơn hai mươi năm nay được sống dậy, nó khiến y quên đi bối cảnh, quên đi nắng nôi, quên đi hàng trăm ánh mắt đang từ trên mấy khung cửa sổ chung cư nhìn xuống đầy hiếu kỳ.
Kệ đi, miễn hình tượng ba lồng lộng trong mắt con trai là đủ. Ba sẽ phải tìm cho được bọn châu chấu cỏ để cứu chú chim non. Ba giẫm giẫm chân lên bờ cỏ, được cắt tỉa chỉn chu, huơ huơ cái que và săm soi tìm nhưng mười, mười lăm phút trôi qua, chẳng có một con châu chấu nào. Cỏ ở thành phố có khác, xanh rì, mơn mởn, ngăn nắp mà không có lấy một chú châu chấu lạc bầy nào trú ngụ. Thiệt là chán.
Con vẫn ngồi dưới bóng mát của lùm cây kiểng trước chung cư, chốc chốc lại la lên: “Ba ơi, con chim nó khóc kìa”. Ba đáp: “Ừ, nó sẽ có châu chấu ngay”. Con lại kêu toáng lên: “Ba ơi, chim sẻ mẹ ăn gì?”, “Hạt cỏ và lúa”, ba đáp. “Vậy sao chim mẹ ăn lúa mà chim con lại ăn châu chấu vậy ba”, con vặn vẹo. Ba ngẩn người suy nghĩ một lúc rồi ậm ừ nói (đoạn này vận dụng suy diễn từ kiến thức khoa học có hạn): “Ờ, thì là tại hệ tiêu hóa của nó còn yếu ấy mà”. “Ba ơi, hệ tiêu hóa là gì vậy ba”, con lại hỏi. “Thì là…”.
Cứ như vậy, nửa giờ trôi qua. Lạy trời, chỉ mong người ta thấy cái cảnh ba đầu đội nắng, chân giẫm giẫm vạt cỏ, tay huơ huơ cái que, mắt săm soi tìm tìm kiếm kiếm là đủ rồi, đừng có ai phải nghe thấy đoạn đối thoại giữa hai cha con mình. Mà này, có nghe thấy thì cũng đã sao. Tại sao người ta lại có quyền săm soi chuyện riêng tư của người khác chứ. Bộ cái việc đi bắt châu chấu cào cào không được diễn ra ở cái chung cư nơi thành phố văn minh này hay sao? Bộ cái việc một gã đàn ông đi bắt châu chấu cào cào dưới nắng trưa gây hiếu kỳ và đáng chế giễu lắm hay sao mà cả rừng cửa sổ kia đang kéo lên nhìn vào tôi như nhìn người từ sao Kim vậy kìa?
Mặc kệ đi. Miễn chú chim sẻ con được cứu sống. Miễn là con sẽ thấy điều kỳ diệu rằng trên bãi cỏ chung cư, ba, bằng kinh nghiệm sống với thiên nhiên của mình, có thể bắt được vài ba con châu chấu nhỏ và ba sẽ chỉ cho con cách ngắt châu chấu cho chim ăn ra làm sao, khi nào thì biết chim đã no, khi nào thì nên cho chim ăn bữa tiếp theo. Ba sẽ nói cho con biết tác dụng của việc trún nước bọt của mình vào miệng chim thì có tác dụng gì. Hẳn con sẽ nhớ cái thuật ngữ “hệ tiêu hóa” đó chứ? Đúng rồi. Trước hết nước bọt của chúng ta là chất dịch tiêu hóa, sẽ hỗ trợ chim non mau tiêu thức ăn, hơn nữa, nước bọt của mình sẽ làm cho chim non mau quen hơi người nuôi nấng nó, lớn lên, nó sẽ mến người đó.
Mới nghĩ tới đó ba đã thấy vui. Ba hình dung đến viễn cảnh mỗi sớm thức dậy, ba chở con đến trường và chim sẻ sẽ bay theo đậu trên vai con, xòe cánh kêu chít chít. Hẳn chặng được đi ngang qua khu công nghiệp thường bị tắc nghẽn sẽ dễ chịu hơn nhiều. Khói bụi sẽ không làm cho mắt con cay và não ba căng thẳng. Hẳn bọn trẻ con trong lớp sẽ phải ganh tị vì phép mầu ấy ba mẹ chúng không đem lại được cho chúng. Chỉ có ba, người có tuổi thơ nơi thôn quê phong phú bậc nhất trên đời, người đã từng nuôi lớn hàng trăm con chim mới làm được việc vĩ đại đó mà thôi.
Một giờ đồng hồ sau, ba trở về dưới lùm cây kiểng, con vẫn ngồi đó, nhìn ánh mắt ra vẻ mỏi mệt, mũi lốm đốm mồ hôi, con nói giọng yếu xìu: “Ba ơi, bạn chim con không còn kêu nữa”. “Không sao, chắc nó ngủ thôi. Đây, ba bắt được hai con châu chấu rồi nè”, ba vừa nói vừa đưa cái túi ni lông có hai con châu chấu bé xíu màu xanh đang nhảy tưng tưng cố tìm cách thoát ra bên ngoài. “Nhưng nó hết há miệng luôn rồi ba ơi”, con đưa hai bàn tay đang ấp con chim như hai cánh sen non úp vào nhau. Con chim nằm bất động. “Ba ơi, tối qua, lúc ba đi họp tổ dân phố, ở nhà nó kêu dữ quá, mẹ có cho nó ăn năm hột cơm rồi mà sao nó vẫn như vầy”, con nói như muốn khóc. “Thôi không sao, đưa cho ba”, ba nói rồi ấp chim con vào lòng tay của mình, thấy nó ngoẹo cổ sang bên mà vẫn cố hả miệng. “Để ba hỗ trợ nó, cho nó ăn thử một con châu chấu, nó sẽ lại sức ngay thôi”, ba nói đầy tự tin. “Con giữ con chim nhé”, ba lại nói, rồi bắt một con châu chấu, ngắt hai cái giò, ngắt đôi cánh non rồi bóp nát đầu, ngắt bụng nó ra, những động tác thật dứt khoát, mục đích là làm cho con châu chấu chết mà không kịp đau đớn giãy giụa. Con nhìn ba, ánh mắt có gì đó gần như sợ hãi: “Ba ơi, sao ba làm chết con châu chấu ghê quá à. Tội nghiệp nó quá à”. Ba cầm cái bụng con châu chấu đang rỉ ra thứ nước xanh và hôi tanh, đưa lên trước mắt con, ba nói: “Thì ba cho chim ăn mà. Mình phải cứu sống con chim”. “Ba ơi, cứu sống con chim là phải giết nhiều con châu chấu như vầy hả ba?”, con lại hỏi, giọng hơi run. “Ừ con. Nếu con chim sống ngoài thiên nhiên, nó cũng làm việc đó. Thì bây giờ mình chỉ giúp nó khi nó chưa đủ sức săn châu chấu thôi. Hơn nữa, hôm nay mình cho nó ăn lại sức bằng châu chấu, ngày mai mình sẽ cho nó ăn cơm… Ý là một tuần phải có vài bữa châu chấu, cũng giống như con mỗi tuần phải ăn ba bữa trứng, hai bữa thịt vầy nè”.
Ba vừa nói “vầy nè” vừa bóp nhẹ hai khóe bên để con chim há miệng. Ba cho bụng con châu chấu vào miệng chim non. Nó lại ngắc cổ sang bên. Cái bụng con châu chấu tuột dần xuống, chậm chạp. Đến quãng giữa thì nó cộm lên như một khối u nghẽn lại, không trôi. Con chim ngắc lên một tiếng khan. Rồi lại ngoéo cổ. Thật khó khăn để cái bụng con châu chấu có thể tuột xuống hẳn bên dưới. Ôi, chỉ cần cái khối u chết tiệt kia trôi qua đoạn này là mày sẽ sống. Ráng lên chim nhỏ. Mày sẽ lớn lên và thấy loài người yêu thương mày ra làm sao. Tao đang cầu nguyện cho mày đây. Mày hãy sống để chứng minh việc tao đã đày đọa và thảm sát một con châu chấu trong buổi trưa tháng năm như vầy là có lý do chính đáng. Tao hứa nếu mày sống, thì con châu chấu còn lại trong cái bao ni lông cũng sẽ được giải thoát ra bãi cỏ, nơi lũ châu chấu cô đơn chẳng bắt được tín hiệu của nhau. Tao sẽ không nỡ giết thêm một con châu chấu dã man trước mắt thằng nhóc nữa. Hiểu chưa. Tao sẽ cho mày ăn cơm thay vì châu chấu vì tao không muốn con trai tao thấy cảnh vì yêu thương động vật này mà đày đọa và tiêu diệt dã man với động vật khác. Thông cảm nghe chim nhỏ, cố gắng nuốt đi. Ráng đi mà, năn nỉ mày!
Ba vuốt vuốt cổ của nó. Còn con thì nhìn ba, từ vẻ mỏi mệt chuyển sang căng thẳng. Có lẽ con vừa thương ba vừa giận ba. Có lẽ sự vĩ đại của ba trong con đã giảm sút ít nhiều từ khi chính mắt con nhìn thấy ba ngắt từng chiếc cánh, bẻ hai cái chân sau và nhất là bóp đầu, ngắt bụng con châu chấu để đưa vào miệng con chim non rồi cố gắng biện hộ đó là hành vi hỗ trợ chim non sống sót. Có gì đó gần như là một sự thất vọng. Nhưng con ơi, rồi đây lớn lên con sẽ hiểu câu chuyện về hệ tiêu hóa các loài là một vấn đề tiến hóa rất chi là phức tạp và hệ trọng. Con đừng nhìn ba với ánh mắt ái ngại như thế. Ba chỉ đang muốn cứu chú chim nhỏ tội nghiệp của chúng ta thôi mà. Con hãy nhìn đây, chim nhỏ đang nuốt. Và nó đang cố gắng sống. Chúng ta phải giúp đỡ nó. Nhiệm vụ của chúng ta lúc này chẳng phải cao cả lắm hay sao. Mạng sống của con chim lúc này chẳng phải quan trọng hơn tất cả hay sao. Lũ châu chấu có thể sinh sôi rất nhanh, trong khi đó chim nhỏ của chúng ta thì phải đối diện với đủ thứ mối đe dọa. Nào là sẽ bị bẫy đi bán ở các cổng chùa, nào là bị bọn trẻ nghịch ngợm dùng câu khèo tổ xuống chơi, nào là bay lạc vào giếng trời và không lên được, nào là bị mèo vồ… Trời ơi, quá nhiều tai ương với chú chim bé bỏng khi sống trong đô thị này.
Sao con lại tiu nghỉu buồn như vầy hả, con trai. Chim nhỏ đang hồi phục mà. Nó nghỉ mệt một lát lại, khối u tuột xuống bên dưới cái bụng ỏng của nó, lập tức sẽ há mỏ kêu inh ỏi lên ngay thôi. Phải tin tưởng vào điều tốt lành, đừng bỏ cuộc như thế mà.
“Ba ơi, sao nó không nhúc nhích nữa”, con nhướng mắt lên nói. Giọng con trong mát và buồn hơn cả tiếng nước giếng chảy thổn thức lên mặt ba trong những trưa nắng quê nhà của ngày mất mát tuổi thơ. Ba ấp hai bàn tay vào nhau, để con không phải nhìn thấy những cú co giật cuối cùng của chim nhỏ. Với kinh nghiệm của một cậu bé nơi làng quê từng nuôi hàng trăm con chim, trong đó có đến chín mươi phần trăm là chết trước khi đầy đủ lông cánh để hy vọng có thể bay về rừng, ba biết rằng, số phận chim nhỏ đang được tính bằng từng giây. Với kinh nghiệm của kẻ đã ấp hai bàn thay vào nhau làm nấm mồ cho hàng trăm con chim trong phút lâm chung, ba biết rằng, đoạn kết buồn nhất đang tới. Con nhìn vào đôi tay ba đang ấp chụm với nhau và hình như con khóc. Một giọt nước mắt lăn xuống trên má. Trong hơn mọi giọt nước trên đời. Ba dang rộng cánh tay ra cho con nép vào và nói: “Con ơi, chim nhỏ đang ngủ thôi. Ba đang truyền sức cho nó đây”.
Con dụi đầu vào ngực ba. Mắt con thẫn thờ nhìn đàn kiến hôi đang bò theo con đường ngoằn ngoèo trên nền gạch tha chân cẳng và cánh con châu chấu xấu số về tổ. Một cuộc hội hè nho nhỏ đang diễn ra trên mặt đất của giống loài chăm chỉ và bầy đàn.
Ba phải nói với con về sự thật này, chim nhỏ phải ngủ yên trong lòng đất. Chúng ta không thể cứu được nó. Nhưng chúng ta đã cố gắng bằng mọi cách. Con thấy đó, ba đã bỏ một ngày làm việc ở công ty và sẵn sàng đi bắt châu chấu trước chung cư suốt buổi trưa, sẵn sàng giết chết một con châu chấu… Nhưng thất bại. Phải thừa nhận rằng, thất bại. Chúng ta có thể làm được gì cho chim nhỏ ngoài việc tìm một gốc cây trên bãi cỏ để làm nấm mồ và nguyện cầu cho linh hồn nó sẽ biến thành những ngọn gió mát trong đất trời bình yên hay làm đôi cánh cho những thiên thần đang hoài thai.
“Mình có làm mộ cho con châu chấu không ba?”, con ngơ ngác hỏi.
“Có con ạ”, ba nghẹn giọng nói, “Ba sẽ cầu nguyện cho nó và chim sẻ được cùng yên nghỉ trên bãi cỏ này”.
Con trai yêu dấu, ba xin lỗi con.
Bình luận (0)