(TNO) Sau khi nhận được nhiều “lời phê”, Bộ Giáo dục - Đào tạo thay mặt Chính phủ xin lùi thời hạn trình Quốc hội Đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa.
>> Về đề án đổi mới SGK, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Hơn 34.000 tỉ đồng là 'sơ suất đáng tiếc
>> Thử nghiệm đề án đổi mới giáo dục từ năm 2014
>> Đề án đổi mới giáo dục: Thiếu nội dung xứng tầm
>> Sắp hoàn thiện đề án đổi mới SGK phổ thông
Sáng nay 25.4, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo đã chính thức xin lùi thời hạn trình Quốc hội Đề án đổi mới Chương trình - Sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
|
Lý do ông Luận đưa ra tại cuộc họp này là: “Cần cần có thêm thời gian để chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ, chờ Chính phủ thẩm định dự thảo đề án trước khi trình Quốc hội".
Thường trực Ủy ban đã đồng ý với đề xuất này. Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban cho rằng hồ sơ mà Bộ Giáo dục - Đào tạo trình sang Ủy ban chưa đầy đủ, đặc biệt báo cáo tác động của Đề án rất sơ sài, chưa có tổng kết đầy đủ việc thực hiện chương trình - sách giáo khoa hiện hành để từ đó Quốc hội có thể thấy được sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết thực hiện chương trình - sách giáo khoa phổ thông mới.
Lý do cũng không kém phần quan trọng khác là Đề án chưa được Chính phủ thẩm định về kinh phí triển khai.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban cũng nhận định: Từ kết quả giám sát, Thường trực Ủy ban nhận thấy, quy trình biên soạn chương trình, sách giáo khoa phổ thông hiện hành ở một số khâu vẫn còn thiếu khoa học; không có tổng chủ biên chương trình, sách giáo khoa chung; thiếu lực lượng chuyên trách và thiếu cơ chế điều hành, phối hợp, bảo đảm vận hành thống nhất toàn bộ quá trình biên soạn, triển khai thực hiện; thiếu đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực phát triển chương trình và có điều kiện tiếp thu một cách hệ thống kinh nghiệm quốc tế; chưa tổ chức một cách hiệu quả, chất lượng việc lấy ý kiến rộng rãi của đông đảo các nhà khoa học, các nhà giáo, nhất là các giáo viên trực tiếp giảng dạy các cấp học. Do đó, cần có sự phân tích sâu sắc để đề xuất các giải pháp cụ thể khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên.
Trước đó, tại cuộc họp báo định kỳ (quý I) vào chiều 15.4, Bộ Giáo dục - Đào tạo vẫn khẳng định quyết tâm sẽ trình lại Đề án với thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vào ngày 25.4 để nhận được những ý kiến đóng góp trước khi trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông, tại kỳ họp Quốc hội sẽ khai mạc vào tháng 5 tới.
Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)