Xin việc thời công nghệ số

10/08/2017 10:34 GMT+7

Gần đây nhiều bạn trẻ đã tận dụng công nghệ vào trong hồ sơ xin việc, khiến 'hồ sơ' trở nên sinh động, cuốn hút hơn hẳn hình thức truyền thống.

Tự quay đoạn phim giới thiệu thay vì gửi hồ sơ thông thường, xây dựng hình ảnh “sạch đẹp” trên Facebook, sử dụng các ứng dụng tạo hồ sơ trên nền tảng web… là những cách mà nhiều bạn trẻ dùng để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Gần đây nhiều bạn trẻ đã tận dụng công nghệ vào trong hồ sơ xin việc, khiến “hồ sơ” trở nên sinh động, cuốn hút hơn hẳn hình thức truyền thống.
Võ Nguyễn Minh Thư, học ngành khách sạn - nhà hàng tại TP.HCM, vừa quay xong một đoạn phim (clip) để gửi tới nhà tuyển dụng. Thư tạo ấn tượng bằng cách sử dụng hoàn toàn tiếng Anh trong clip. Thư giới thiệu tên tuổi, nơi học, bằng cấp, các chứng chỉ, kỹ năng mà mình thành thạo, sở thích cá nhân, lý do mình muốn làm việc tại doanh nghiệp và các mục tiêu trong tương lai.
Nguyễn Tuấn Hùng, cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại thương, chia sẻ: “Em cũng đã quay xong clip xin việc. Phải làm đi làm lại 4, 5 lần em mới ưng ý. Khi dựng phim em có tạo một số hiệu ứng để giúp clip thêm sinh động nhưng vẫn thể hiện sự nghiêm túc và trang trọng”.
Bà Trần Thị Phương Linh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần BPO Mắt Bão, cho biết: “Trong quá trình tuyển dụng, tôi vô cùng ấn tượng với những hồ sơ sáng tạo, phá cách, chỉn chu rõ ràng của những bạn trẻ biết đầu tư đúng mực cho “bộ mặt” của mình. Việc này thực sự không khó nếu các bạn chịu khó tham khảo các ứng dụng tạo hồ sơ trên nền tảng web hoặc các thiết kế có sẵn”. Bà Linh nhận định: “Điều này thực sự ấn tượng, tôi luôn đánh giá cao và dành cơ hội ưu tiên cho những ứng viên này”.
Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, nhà tuyển dụng cũng có nhiều kênh thông tin hơn để tìm hiểu về ứng viên. Hầu như bạn trẻ nào cũng sử dụng Facebook nên đây chính là nơi mà các giám đốc, trưởng phòng nhân sự hay “âm thầm” theo dõi, đánh giá ứng viên của mình.

tin liên quan

4 mẹo giúp sinh viên dễ tìm việc hơn sau tốt nghiệp

Để có được công việc tốt, bạn thường phải ganh đua với rất nhiều người. Không hẳn bảng điểm đẹp, có trong tay tấm bằng tốt sẽ quyết định ai là người được nhà tuyển dụng lựa chọn.

Ông Cao Trung Hiếu, sáng lập và điều hành Công ty phần mềm Dân Trí Soft tại TP.HCM, nhìn nhận: “Bên cạnh việc nghiên cứu hồ sơ ứng viên, tôi còn tìm hiểu về họ thông qua trang Facebook. Nhiều bạn trẻ có chiến lược tốt cho quá trình xin việc của mình, nên ngay cả Facebook họ cũng rất biết cách thể hiện bản thân, chứ không chỉ là một trang cá nhân thông thường. Tôi sẽ xem qua để nắm được nhân sinh quan, hay còn gọi là thái độ sống của họ, xem có phù hợp với vị trí công việc, tiêu chí của doanh nghiệp mình hay không”.
Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, với nhân sự quản lý thì Facebook cũng là một kênh đánh giá về cách ứng xử của ứng viên trước khi tuyển dụng. Vì vậy, cách ứng xử trên mạng cũng ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của nhà tuyển dụng. Thông qua đó, nhà tuyển dụng có thể sẽ nhăn mặt với những dòng trạng thái, những phản hồi mang tính “bất cần đời” hoặc kiểu thóa mạ, chửi bới cá nhân, lệch lạc về quan điểm… Nhưng cũng sẽ vô cùng ấn tượng, thiện cảm với bạn trẻ nào có thái độ sống tích cực, có những hoạt động hữu ích trong cuộc sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.