TNO

Xịt sơn 'đỗ ngu thế' lên ô tô trước cửa nhà: Ai đúng, ai sai?

23/06/2016 08:00 GMT+7

(iHay) Sau vụ chiếc ô tô bị một phụ nữ xịt sơn với dòng chữ 'đỗ gì ngu thế?' vì đỗ chắn trước cổng nhà trong khu dân cư ở Nguyễn Trãi (Hà Nội), iHay.vn đã nhờ luật sư phân tích 'ai đúng, ai sai' trong tình huống này.

(iHay) Sau vụ chiếc ô tô bị một phụ nữ xịt sơn với dòng chữ 'đỗ gì ngu thế?' vì dừng chắn trước cổng nhà trong một khu dân cư ở Hà Nội, iHay.vn đã nhờ luật sư phân tích 'ai đúng, ai sai' trong tình huống này, và kể cả trách nhiệm liên đới (nếu có) của người chụp ảnh.


 Cảnh tượng người phụ nữ xịt sơn lên chiếc ô tô được cho đậu trước cửa nhà - Ảnh: Chụp màn hình fanpage Facebook diễn đàn Otofun
Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TPHCM, Giám đốc Công ty Đông Phương Luật), phân tích: khi đáp ứng đủ các điều kiện ở Điều 18 và 19 Luật Giao thông đường bộ và không ở những khu vực cấm dừng, đỗ xe thì người điều khiển phương tiện hoàn toàn có quyền dừng, đỗ xe.
Mặc dù vậy, việc dừng đỗ xe ở một số khu vực, đặc biệt là khu vực dân cư có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt, di chuyển đi lại của cư dân khu vực đó. Ví dụ như dừng đỗ xe trong đường nhỏ chắn cửa ra vào của một gia đình nào đó hoặc khiến tắc nghẽn giao thông ở vị trí đó. Do vậy người điều khiển ô tô, xe tải cần chú ý, mặc dù pháp luật không cấm nhưng vẫn phải đảm bảo thuận tiện việc đi lại cũng như không làm cản trở người khác. Trường hợp bất đắc dĩ phải dừng đỗ trước cửa, cổng, lối đi lại của người khác hay trong đường nhỏ, hẻm nhỏ người lái xe nên để lại số điện thoại ở vị trí dễ nhìn để chủ nhà hoặc người đi đường bị cản trở có thể liên hệ di dời xe.
Với trường hợp ô tô dựng trước nhà dân như phản ánh trên mạng xã hội, có thể thấy ô tô đỗ bên trái theo chiều đi là việc đỗ xe trái luật theo quy định tại khoản 1 điều 19.

Còn hành vi phun sơn lên xe đỗ trước cửa nhà là hành động sai và vi phạm pháp luật tuy nhiên tùy vào mức độ, tính chất của thiệt hại mà có thể xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự, hành chính hay dân sự.
Hành vi này có thể cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản tại điều 143 Bộ luật Hình sự 1999. Bộ luật Hình sự mới năm 2015 cũng quy định về vấn đề này tại điều 178. Khoản 1 Điều 143 BLHS 1999 quy định Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng; hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Bộ luật hình sự mới năm 2015 tăng giá trị thiệt hại tối thiểu lên 2 triệu đồng, cụ thể: Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm [...].
Bằng trực quan, tôi thấy rằng với việc phun sơn kéo dài gần như toàn bộ bên hông xe là hành vi gây hư hại, buộc chủ xe phải sơn lại và chi phí chắc chắn trên 2 triệu đồng là giá trị định lượng đủ của tội danh “hủy hoại tài sản” nhưng chưa thỏa mãn dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc người gây ra hành vi này “chưa bị xử phạt hành chính (còn thời hiệu), chưa bị kết án về tội này nên khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự là không cao.
Cư dân mạng chia sẻ nhau cách để số điện thoại trên xe để dễ liên hệ khi cần - Ảnh chụp màn hình fanpage diễn đàn Otofun
Trong trường hợp này, cách hành xử hợp lý hơn là để lại một thông báo trên kính xe để người điều khiển khi lấy xe có thể biết được và tránh đỗ xe chắn lối đi vào nữa. Hoặc chủ nhà bị chắn lối đi lại có thể gọi cứu hộ tới để đưa chiếc xe đi và chi phí di chuyển có thể thỏa thuận với chủ xe.
Xem xét dưới góc độ trách nhiệm dân sự thì dù người đỗ xe ô tô là sai thì mọi cá nhân, tổ chức khác đều không có quyền làm hư hại tài sản. Nếu tài sản bị hư hại do hành động cố ý của bất cứ ai thì chủ xe có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo đó, thiệt hại bao nhiêu thì phải bồi thường bấy nhiêu cả phần sửa chữa xe lẫn thiệt hại do việc không sử dụng xe gây ra. Mọi yêu cầu bồi thường phải được chứng minh cụ thể, chi tiết bằng hóa đơn, chứng từ và phù hợp với thực tế theo nguyên tắc thiệt hại trực tiếp, liên quan. Nếu hai bên không thể giải quyết bằng thỏa thuận thì có thể yêu cầu Tòa án nơi cư trú của người bị kiện (người gây ra thiệt hại) giải quyết.
Người chứng kiến và chụp lại cảnh phun sơn lên xe không phải chịu trách nhiệm gì
Theo luật sư Nguyễn Thành Công, luật quy định công dân có quyền và nghĩa vụ tố giác tội phạm. Tuy nhiên trong trường hợp này người chứng kiến và chụp lại không biết được và không có nghĩa vụ phải biết hành vi đang được nhìn thấy và chụp lại là hành vi phạm tội. Do vậy khó có thể xét người này vào tội “không tố giác tội phạm” hoặc một hành vi phạm tội hay kể cả một hành vi vi phạm hành chính nào khác.

Luật giao thông đường bộ 2008 có quy định về việc dừng, đỗ xe trên đường phố tại điều 19 như sau:

1. Phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét.

2. Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.

Cùng với đó, việc dừng đỗ xe cũng phải tuân thủ theo quy định về các trường hợp bị cấm tại khoản 4 điều 18 Luật này:

4. Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:

a) Bên trái đường một chiều;

b) Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;

c) Trên cầu, gầm cầu vượt;

d) Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;

đ) Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

e) Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau;

g) Nơi dừng của xe buýt;

h) Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;

i) Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;

k) Trong phạm vi an toàn của đường sắt;

l) Che khuất biển báo hiệu đường bộ.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.