Tôi 42 tuổi (nữ). Một năm trước thường đau nhức tay chân, không sưng. Gần đây 2 bàn tay tê, nắm lại rất khó. Tôi cũng thường bị ho, có cảm giác nóng rát ở ngực, hay bị trào ngược và mệt mỏi nhiều hơn. Đi khám ở Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ chẩn đoán tôi mắc bệnh xơ cứng bì. Xin bác sĩ cho biết bệnh này có biến chứng gì không và cách điều trị như thế nào? (nguyenthith…71@gmail.com)
BS.CK1 Huỳnh Duy Nhất, Chuyên khoa Nội xương cơ khớp Y - Nha khoa Vạn Phước.
Thưa chị, xơ cứng bì là bệnh mô liên kết ít gặp, có 2 dạng: xơ cứng bì hệ thống và xơ cứng bì khu trú (thường gặp: ngọn chi, vùng mặt, cổ).
Triệu chứng của xơ cứng bì toàn thể gồm: hội chứng Raynaud (cảm giác tê bì ở đầu ngón tay, cả đầu ngón chân, nặng lên khi trời lạnh và giảm khi giữ ấm); triệu chứng ở da và tổ chức dưới da (móng nứt và giòn, dẫn đến bàn tay co quắp; xơ hóa dần lên cẳng tay, cánh tay, phù cứng ở mặt, cổ, ngực, gốc chi, cuối cùng là tổn thương da toàn thân; các vết tím, vết loét hoặc sẹo loét ở đầu chi, nặng hơn tổn thương hoại tử phải tháo khớp); triệu chứng cơ xương khớp (đau khớp, viêm khớp và hạn chế vận động ở các khớp bàn ngón tay, khớp ngón gần, cổ tay, gối và cổ chân; triệu chứng tại cơ thường gặp là đau mỏi cơ, teo cơ, giảm trương lực cơ); triệu chứng tại đường tiêu hóa (thường gặp là trào ngược dạ dày thực quản với các triệu chứng nóng rát sau xương ức, khó nuốt, cứng họng đôi khi dẫn đến suy dinh dưỡng).
Biến chứng của bệnh xơ cứng bì: tổn thương phổi (khó thở khi gắng sức, ho khan, đau ngực, xơ phổi kẻ lan tỏa, tắc nghẽn, tổn thương màng phổi dẫn đến tăng áp lực động mạch phổi, tâm phế mạn); tổn thương thận (protein niệu, đái máu vi thể, tổn thương thận cấp tính với cơn tăng huyết áp, đau đầu, mất thị lực kèm theo hội chứng urê huyết cao, hội chứng tán huyết có thể gây tử vong); tổn thương tiêu hóa (hội chứng kém hấp thu, trào ngược dạ dày thực quản, hẹp môn vị, ruột kém nhu động, một số mô tả cảm giác như là thức ăn bị mắc kẹt giữa đường xuống thực quản, cũng như những cơn táo bón xen kẽ với các giai đoạn tiêu chảy); tổn thương tim mạch (viêm màng ngoài tim, bệnh cơ tim, xơ cơ tim, suy tim sung huyết); tổn thương khác (tổn thương đáy mắt, suy tuyến giáp, xơ tuyến giáp).
Điều trị: đến nay chỉ có D-penicilline là loại thuốc duy nhất được chỉ định điều trị bệnh xơ cứng bì. Ngoài ra chủ yếu là điều trị triệu chứng: chế độ sinh hoạt vệ sinh và vật lý trị liệu (tránh lạnh, tránh chấn thương, nhiễm khuẩn đầu chi, không hút thuốc lá, tập luyện thể dục và phục hồi chức năng); điều trị hội chứng Raynaud; điều trị triệu chứng tiêu hóa (trào ngược dạ dày thực quản; ăn nhiều bữa nhỏ, tránh ăn muộn ăn đêm, tránh cafe, trà, nhai kỹ thức ăn, dùng thuốc kháng tiết acid).
Chuyên mục do Y - Nha khoa Vạn Phước
(số 307F Nguyễn Văn Linh, P.An Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) tài trợ.
Mọi thắc mắc về sức khỏe, bạn đọc có thể gửi email, thư tín về chuyên mục theo địa chỉ: vanphuocclinic@gmail.com, bacsicuaban.tn@gmail.com hoặc Y - Nha khoa Vạn Phước để được giải đáp và tư vấn.
Bình luận (0)