"Khoảng cách số" hay việc đã hoặc chưa tiếp cận với các công cụ cần thiết để tăng trưởng như thanh toán điện tử, nền tảng TMĐT, và phần mềm kế toán tiên tiến dựa trên điện toán đám mây, đang tạo ra sự cách biệt giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Sự cách biệt này còn thể hiện trong khả năng tiếp cận vốn. Theo bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào, việc thiếu các công cụ số phù hợp để lưu trữ dữ liệu, vận hành hiệu quả, và kích thích tăng trưởng khiến các DN nhỏ khó có khả năng chứng minh mức độ tín nhiệm với các tổ chức tài chính, ngay cả khi sở hữu nền tảng kinh doanh ổn định.
Mastercard xác định các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DNVVN, từ đó tận dụng nguồn dữ liệu chuyên sâu, cùng công nghệ toàn cầu và mạng lưới đối tác rộng khắp giúp các DN này số hóa hoạt động, tăng trưởng kinh doanh, đồng thời tiếp cận các dịch vụ ngân hàng một cách đơn giản, dễ dàng và thuận tiện hơn.
Đơn giản hóa quy trình chấp nhận thanh toán số
Tiền mặt vẫn đang được sử dụng phổ biến bởi hầu hết các DNVVN tại Việt Nam. Đối với nhiều DN, cơ sở kinh doanh như quầy chợ đêm hay dịch vụ giao hàng, khoản đầu tư và cơ sở hạ tầng cần thiết cho một thiết bị đầu cuối POS chuyên dụng sẽ là gánh nặng không cần thiết hoặc không phù hợp với cách thức vận hành của họ. Tuy nhiên, với mức độ phổ biến rộng khắp của điện thoại thông minh tại Việt Nam, những rào cản này đang dần biến mất. Để giúp các DNVVN số hóa dòng tiền, Mastercard phát triển “SoftPos”, giải pháp thanh toán dịch vụ chi phí thấp, cho phép các DNVVN sử dụng điện thoại thông minh như một thiết bị POS hỗ trợ thanh toán qua thẻ ngân hàng, hay thậm chí là thông qua các ví điện tử như Google Pay và Apple Pay.
Giải pháp thương mại điện tử thuận tiện
Đối với các DNVVN có quy mô lớn hơn và đã sẵn sàng mở rộng thị trường, “Simplify Commerce” là giải pháp toàn diện của Mastercard để đáp ứng các nhu cầu đa dạng của DN như xây dựng trang web, hay chuyển đổi kinh doanh trên các kênh TMĐT. Thực tế cho thấy hầu hết các DN nhỏ thường không có đủ thời gian và nguồn lực để phát triển TMĐT từ con số không. Giải pháp sáng tạo này sẽ giúp các DN dễ dàng tiếp cận với nhiều công cụ cần thiết để vận hành trên nền tảng trực tuyến và vươn ra thị trường rộng lớn hơn.
Lưu trữ sổ sách minh bạch, số hóa và hiện đại
Với mạng lưới đối tác toàn cầu rộng lớn, Mastercard đang nỗ lực xóa bỏ “khoảng cách số” mà các chủ sở hữu DNNVN đang phải đối mặt. Ví dụ như, sự hợp tác giữa Mastercard và nhà cung cấp các giải pháp điện toán đám mây “Zoho” đã cho phép chủ DN tiếp cận các công cụ kỹ thuật số như phần mềm kế toán, giúp tự động hóa và số hóa các quy trình kế toán. Ngoài việc giảm thiểu số lượng lao động, Zoho còn cung cấp một bức tranh cụ thể về áp dụng kỹ thuật số trong hoạt động của DN, từ đó củng cố thêm căn cứ để các tổ chức tài chính đưa ra những quyết định về việc mở rộng tín dụng.
Hình thành quan niệm mới về đánh giá tín dụng DNVVN
Một trong những quan hệ đối tác gần đây của Mastercard là hợp tác với “Experian”, công ty hàng đầu thế giới trong việc phát triển khung thẩm định tín dụng. Experian thu thập và sử dụng nhiều dữ liệu khác nhau để tập hợp các hồ sơ tài chính cần thiết, cho phép các tổ chức tài chính đưa ra quyết định cho vay sáng suốt - ngay cả khi không có điểm tín dụng truyền thống, một trở ngại lâu nay của các DNVVN Việt Nam. Nhờ thúc đẩy quan hệ đối tác với các công ty công nghệ tài chính như Experian, cũng như các tổ chức tài chính và các đối tác khác trong ngành, Mastercard có thể tích hợp các sản phẩm được thiết kế riêng và thúc đẩy chuyển đổi mô hình hoạt động và giao dịch của DNVVN, đồng thời giúp các ngân hàng tiếp cận nhiều khách hàng vay vốn là các DNVVN hơn.
Đồng hành cùng tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam, Mastercard cam kết kết nối các DN, tổ chức tài chính và Chính phủ với các giải pháp có khả năng đóng góp vào sự tăng trưởng liên tục, bền vững và toàn diện. Thông qua nâng cao khả năng tiếp cận với các công cụ kinh doanh kỹ thuật số, chúng ta có cơ hội phát huy tối đa tiềm năng và thực sự thúc đẩy các DNVVN, một trong những động cơ tăng trưởng chính của Việt Nam.
Bình luận (0)