Chiều 9.6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo luật Giám sát của Quốc hội và HĐND.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) phát biểu tại buổi thảo luận - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Phải có chế tài để tăng hiệu quả giám sát
ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị dự luật cần thêm trách nhiệm kiểm tra của chủ thể giám sát, do nếu không đi kiểm tra, trong quá trình giám sát nếu thấy còn nghi ngờ, tìm hiểu thêm, thì phải được kiểm tra, nếu không kiểm tra sẽ không kết luận, đánh giá chính xác được. Phải có kiểm soát, gồm theo dõi, xem xét kiểm tra và đánh giá mới đầy đủ được quyền năng của Quốc hội (QH).
|
ĐB Lê Văn Tân (Hà Nam) cho rằng điều khiến hiệu lực, hiệu quả giám sát chưa được như mong muốn vì chưa nêu đích danh trách nhiệm để xảy ra tồn tại, hạn chế là ai; kiến nghị, nghị quyết của hoạt động giám sát có được thực hiện hay không. ĐB Mạc Thị Kim Chi (Phú Yên) cũng nhận xét nếu không quy định cụ thể đơn vị, cá nhân chịu giám sát có trách nhiệm thi hành thì kết luận, kiến nghị giám sát cũng trôi đi và việc giám sát cũng như không. Do vậy, luật phải quy định rõ chủ thể chịu giám sát, nếu không thực hiện phải có chế tài xử lý như thế nào để tăng cường hiệu quả giám sát của QH và HĐND.
ĐB Lê Văn Tân nêu ví dụ về nhiều kiến nghị, nghị quyết của hoạt động giám sát mà các cấp ngành làm rất chậm. Ví dụ, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, người dân không có lựa chọn nào khác ngoài thực phẩm khi ra chợ; nhiều lĩnh vực khác như được mùa mất giá; công khai minh bạch trong tập đoàn kinh tế… dường như cũng không có chuyển biến, làm giảm niềm tin đối với cơ quan dân cử. Từ thực tế đó, ĐB Lê Văn Tân đề nghị dự luật cần quy định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, lĩnh vực trong việc chậm thực hiện kiến nghị, nghị quyết của QH, HĐND sau khi có kết luận giám sát.
ĐB Tân chỉ ra thực tế: đối tượng giám sát thường báo cáo không hết thực tế và chọn một số nơi tốt để đưa đoàn giám sát đến. Do vậy, các cuộc giám sát nhìn chung không phản ánh khách quan, trung thực tình hình thực tế đang diễn ra ở nơi giám sát, nhiều chi tiết trong báo cáo giám sát chưa được kiểm chứng nên chất lượng báo cáo giám sát không cao. “Quy trình giám sát cần bắt buộc dành thời gian kiểm chứng thực tế và mời chuyên gia ngành, lĩnh vực và báo chí tham gia đoàn giám sát và thông tin đầy đủ kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao chất lượng kết quả giám sát”, ĐB Tân đề nghị.
ĐB Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) đề nghị cần quy định cụ thể hơn về hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát. Sau khi kết thúc giám sát, phải có ý kiến bằng văn bản, nêu rõ mặt được, hạn chế và kiến nghị xử lý nếu có.
Đại biểu được kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm
ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng dự luật thiếu hoạt động giám sát rất quan trọng là quyền kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm của ĐBQH. Theo ĐB Hùng, đây là một hoạt động giám sát của ĐBQH thì cần phải quy định vào luật. Nếu ĐBQH không có quyền kiến nghị này thì làm sao có 20% số ĐBQH kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm để Ủy ban Thường vụ QH xem xét, kiến nghị ra QH như dự luật đề cập.
ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với cả các thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND chứ không phải chỉ thuộc HĐND vì hoạt động của thủ trưởng các cơ quan này cũng tác động rất lớn và trực tiếp đến đời sống của nhân dân và hoạt động của HĐND... “Chúng ta vẫn lấy phiếu tín nhiệm đối với các bộ trưởng các bộ thuộc Chính phủ thì hoàn toàn hợp lý khi sẽ lấy phiếu tín nhiệm các giám đốc sở ngành trực thuộc UBND cấp tỉnh. Cho rằng “lấy phiếu tín nhiệm những đối tượng này chỉ có tốt hơn và không có gì sai cả”, ĐB Sơn đề nghị phải đưa vào dự luật quy định này.
Nghiên cứu thêm quy định về chuyển đổi giới tính Sáng 9.6, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết dự luật quy định theo hướng nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên theo ông Hà Hùng Cường, cần có quy định để giải quyết hậu quả đối với một số trường hợp chuyển đổi giới tính đã xảy ra. Tại báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) của QH Phan Trung Lý đưa ra một số ví dụ phát sinh như hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính, vấn đề công nhận hôn nhân đồng giới, sự phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và truyền thống, phong tục, tập quán của VN... Theo UBPL, dự thảo bộ luật một mặt quy định nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, nhưng mặt khác lại quy định quyền của người đã chuyển đổi giới tính về thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác có liên quan cũng có nghĩa là nếu việc chuyển đổi giới tính đã được thực hiện thì các hệ quả phát sinh lại được pháp luật tôn trọng và bảo hộ. UBPL cho rằng đây là vấn đề hết sức nhạy cảm trong xã hội, nếu đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì cũng không cho phép được thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới. Vì vậy, UBPL đề nghị nghiên cứu, giải trình rõ quy định này. Trường Sơn |
Dự kiến trình QH thông qua luật Biểu tình vào tháng 10.2016 Ba dự thảo luật quan trọng là luật Biểu tình; luật Về hội; luật Tín ngưỡng, tôn giáo sẽ được trình QH thông qua tại kỳ họp thứ 2, QH khóa 14 (dự kiến 10.2016). Đây là một trong những nội dung của Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa 13 và năm 2015 được QH thông qua sáng qua (9.6) với tỷ lệ tán thành 86,26%. Theo chương trình trước đây, dự án luật Biểu tình sẽ được trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (6.2015), các dự án luật Về hội, luật Tín ngưỡng, tôn giáo sẽ được trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (10.2015). Tuy nhiên căn cứ vào tình hình chuẩn bị của Chính phủ, UBTVQH đề nghị QH cho giữ thời gian trình QH cho ý kiến dự án luật Về hội, luật Tín ngưỡng, tôn giáo tại kỳ họp thứ 10 và đồng ý với đề nghị của Chính phủ lùi thời gian cho ý kiến dự án luật Biểu tình sang kỳ họp thứ 11 (3.2016). Cả 3 dự luật này sẽ cùng được thông qua tại kỳ họp thứ 2, QH khóa 14 (10.2016). Bên cạnh đó, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng được bổ sung và thông qua tại kỳ họp này Nghị quyết của QH về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc (theo quy trình xem xét, thông qua tại một kỳ họp QH). Trường Sơn |
Bình luận (0)