Xóa bỏ tư tưởng ‘phải có con trai’

19/12/2018 17:03 GMT+7

Với dân số hơn 3 triệu người, Nghệ An là 1 trong 10 tỉnh có mức mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất cả nước với tỷ lệ 114 bé trai/100 bé gái.

Địa phương này đang nỗ lực để giảm dần tỷ lệ mất cân đối trên, trong đó việc tuyên truyền xóa bỏ dần tư tưởng phải có con trai nối dõi là khâu hết sức quan trọng.
Theo Chi cục Dân số tỉnh Nghệ An, hiện có hơn 60% trường hợp sinh con thứ 3 là con trai và đó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính ngày càng cao ở Nghệ An. Trong đó, nhiều địa phương tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao, vượt ngưỡng trên 120 bé trai/100 bé gái như TP.Vinh: 126 bé trai/100 bé gái; H.Nghĩa Đàn: 121 bé trai/100 bé gái, H.Đô Lương: 124 bé trai/100 bé gái…

Truyền thông mạnh để ngừa hệ lụy

Ông Nguyễn Trung Thành, Chi cục phó Chi cục Dân số tỉnh Nghệ An, cho rằng sự chênh lệch giới tính của trẻ sơ sinh chắc chắn sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy khó lường nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời. Giải pháp quan trọng nhất mà Nghệ An đang làm là vận động, truyền thông mạnh để người dân hiểu và thực hiện đúng chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Năm 2016, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo ngành dân số thực hiện 9 hoạt động để kiểm soát sự mất cân bằng giới tính khi sinh, như: tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; giáo dục về giới, bình đẳng giới với các hình thức phù hợp với từng cấp học; tuyên truyền về mất cân bằng giới trên báo chí; thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, nâng cao vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng; thanh tra, giám sát và xử lý các vi phạm quy định về lựa chọn giới tính thai nhi…
Một buổi truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh tại H.Hưng Nguyên (Nghệ An)
Một buổi truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh tại H.Hưng Nguyên (Nghệ An) Hương Trần
Theo ông Thành, với tư tưởng, quan niệm lạc hậu “phải có con trai nối dõi”, trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào tiềm thức từ bao đời nay, nên xô đổ quan niệm này không phải là việc dễ dàng. Ngoài ra, Nghệ An có nhiều xã người dân chuyên đi biển, nghề này cần nam giới nên ngoài tư tưởng trọng nam của Nho giáo để lại, nhu cầu việc làm tạo thêm áp lực khiến họ phải lựa chọn giới tính khi sinh. Trong 2 năm qua, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Chi cục đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp nhằm làm thay đổi nhận thức của người dân về việc lựa chọn giới tính khi sinh.
“Chúng tôi thực hiện nhiều chương trình truyền thông: cử cán bộ dân số đến tận từng gia đình; tổ chức các sự kiện tại cộng đồng, dàn dựng, lồng các vở kịch để chuyển tải thông điệp về hệ lụy của mất cân bằng giới tính, giá trị, vai trò của người phụ nữ; truyền thông cho cả các cán bộ lãnh đạo về mất căn bằng giới tính; biểu dương trẻ gái học giỏi, tôn vinh các gia đình sinh con 1 bề sống hạnh phúc… Các hoạt động này đã để lại nhiều tác động, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về giới tính”, ông Thành nói.
Ngoài ra, Chi cục thường xuyên phối hợp kiểm tra các cơ sở y tế có dịch vụ siêu âm thai nhi để xử lý các trường hợp công bố giới tính thai nhi khi siêu âm; kiểm tra các cơ sở lưu hành các sản phẩm truyền thông liên quan đến việc lựa chọn giới tính thai nhi. Tuy nhiên, theo ông Thành, việc nghiêm cấm công bố giới tính trong các phòng khám là rất khó.

Trao bình đẳng, nhận yêu thương

Không chỉ truyền thông cho người lớn, ở Nghệ An, Chi cục Dân số hướng tới đối tượng học sinh để giúp các em nhận thức đúng về cân bằng giới tính, về vai trò của trẻ gái và phụ nữ. Trong 2 năm 2017-2018, Chi cục đã tổ chức 55 cuộc sinh hoạt ngoại khóa cho 52 ngàn học sinh tham gia và 8 cuộc “rung chuông vàng” trong trường học cho 800 học sinh tham gia về nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản và giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
Học sinh TX.Cửa Lò tham gia chương trình “Trao bình đẳng nhận yêu thương” (Nghệ An)
Học sinh TX.Cửa Lò tham gia chương trình “Trao bình đẳng nhận yêu thương” (Nghệ An) Hương Trần
Đặc biệt “Trao bình đẳng nhận yêu thương” là một chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái năm 2018 được Ban chỉ đạo công tác dân số và UBND TX.Cửa Lò tổ chức dưới hình thức thuyết trình, sân khấu hóa. Hàng trăm học sinh tại Trường THCS Nghi Hương (TX.Cửa Lò) đã hào hứng tham gia, có nhiều ý kiến bày tỏ các quan điểm về quyền bình đẳng giới đối với trẻ em gái và mong muốn được quan tâm, được sẻ chia và để con gái được là chính mình. Qua đó, những người thực hiện đã có cơ hội để được lắng nghe những suy nghĩ của học trò ngày nay xoay quanh các vấn đề về trẻ em gái.
“Để thay đổi tư tưởng đã ăn sâu, bám rễ từ nghìn đời với người dân là rất khó. Vì vậy chúng tôi sẽ kiên trì và tìm tòi vận dụng các hình thức tuyên truyền hữu ích hơn nữa nhằm hạn chế sự mất cân đối giới tính trên địa bàn trong tương lai”, ông Thành nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.