Xóa đói giảm nghèo - thành tựu ngoạn mục!

11/04/2006 00:50 GMT+7

* Bình quân mỗi năm có 300.000 hộ thoát nghèo Kinh tế thị trường mà Việt Nam lựa chọn là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Một trong những biểu hiện của định hướng xã hội chủ nghĩa là xóa đói giảm nghèo. Về mặt này, Việt Nam đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.

Tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh trong thời gian qua. Tỷ lệ nghèo theo tiêu chuẩn cũ của Việt Nam (còn gọi là tỷ lệ nghèo thấp hay nghèo lương thực - thực phẩm) năm 2005 còn 7%, giảm mạnh so với tỷ lệ 17,5% năm 2001, bình quân mỗi năm giảm trên 2%, tương ứng với trên 300 nghìn hộ; vượt mục tiêu 10% đề ra cho năm 2005. Tỷ lệ nghèo theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (còn gọi là tỷ lệ nghèo cao, hay cả nghèo lương thực - thực phẩm, cả nghèo phi lương thực - thực phẩm) đã giảm mạnh từ 58% năm 1993 xuống 37,4% năm 1998, 28,9% năm 2002 và 24,1% năm 2004. Tất cả 8 vùng trong cả nước đều giảm; tỷ lệ nghèo ở 4 vùng đã thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước, trong đó thấp nhất là Đông Nam Bộ (6,7%), tiếp đến là đồng bằng sông Cửu Long (19,5%), đồng bằng sông Hồng (21,1%), duyên hải Nam Trung Bộ (21,3%). Bốn vùng khác tuy tỷ lệ nghèo cao hơn tỷ lệ chung của cả nước, nhưng đã giảm nhiều so với năm 2002: Tây Bắc (54,4% so với 68%), bắc Trung Bộ (41,4% so với 43,9%), Tây Nguyên (32,7% so với 51,8%), Đông Bắc (31,7% so với 38,4%).

Đạt được kết quả như trên do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân tổng quát là nhờ tăng trưởng kinh tế khá cao cùng với việc thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo. Phương thức xóa đói giảm nghèo đã được đổi mới phù hợp với chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo do Chính phủ đề ra sau khi cam kết thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc. Tạo cơ hội và điều kiện cho người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản; làm tốt công tác truyền thông, nâng cao dân trí; tăng việc làm, thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân, nhất là người nghèo. Đã chú trọng đào tạo cán bộ cho các xã nghèo, cử cán bộ tỉnh, huyện và đội ngũ trí thức về giúp các xã nghèo.

Các ngành, các cấp đã triển khai thực hiện tốt hơn các giải pháp xóa đói giảm nghèo. Tạo điều kiện về vốn qua các hình thức tín dụng cho các hộ nghèo có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; động viên mọi người tham gia xóa đói giảm nghèo. Thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Thực hiện chính sách hỗ trợ y tế, hỗ trợ giáo dục, trợ giúp người nghèo. Xây dựng quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo và quỹ hỗ trợ giáo dục cho học sinh nghèo. Qua 5 năm thực hiện chương trình 135, đối với các xã đặc biệt khó khăn, đã cung cấp cơ bản các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Tính đến nay, đã có 56% số xã này đã được đầu tư đủ 8 công trình hạ tầng theo quy định; 70% số xã đã xây dựng được 5 công trình hạ tầng chủ yếu; 30/49 tỉnh có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng 143 trung tâm cụm xã với nhiều công trình hạ tầng thiết yếu. Riêng về nhà ở, chính sách về nhà ở cho người nghèo đã được quan tâm; đã triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền núi. Nhiều địa phương trong cả nước đã vận động thực hiện chương trình giúp người nghèo có nhà ở...

Để xóa đói giảm nghèo đạt kết quả cao hơn, cần bảo đảm hơn chất lượng xóa đói giảm nghèo. Giảm tỷ lệ hộ tái nghèo, giảm khó khăn của nhân dân vùng sâu, vùng thường bị thiên tai. Giảm khoảng cách giàu nghèo (đã tăng từ 4,1 lần năm 1993 lên 8,3 lần năm 2004). Tổ chức tốt hơn các chính sách về hỗ trợ hộ nghèo đã được ban hành. Giải quyết tốt hơn khó khăn bất cập về nhà ở cho người nghèo đô thị, công nhân các khu công nghiệp, các đối tượng xã hội khác; giải quyết tốt việc cải thiện các khu nhà cũ nát ở các đô thị; quan tâm đúng mức việc chăm lo nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp; có chính sách tạo quỹ nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội; có chính sách giảm bớt khó khăn về nhà ở cho hộ nông dân.

Mục tiêu về xóa đói giảm nghèo được đưa ra Đại hội X thảo luận và quyết định có nhiều, trong đó không còn hộ đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chuẩn mới) xuống còn 15 - 16% vào năm 2010...

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.