Mới đây, tại hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 ở Q.3 (TP.HCM), ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đề nghị giáo viên (GV) không kiểm tra miệng đầu giờ theo kiểu "kêu bất chợt, hỏi bất chợt" vì sẽ khiến học sinh (HS) căng thẳng, áp lực.
Đề nghị này nhận được ý kiến đồng tình của cả GV và HS khi hình thức kiểm tra, đánh giá này đã không còn phù hợp với phương thức giáo dục mới, vì có nhiều cách để GV kiểm tra, đánh giá HS, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học trò mà không phải bất thình lình kêu một ai đó để khảo bài.
"CƠN ÁC MỘNG" CỦA HỌC SINH
Cô giáo bước vào lớp, chuẩn bị kiểm tra miệng. Im phăng phắc, tiếng quạt thổi trang giấy xoẹt qua cũng nghe rõ mồn một. Trong khi cô giáo rà rà cây bút trong sổ ghi điểm, hơn 30 cái đầu cúi gằm xuống cuốn vở. Cho đến khi một cái tên được xướng lên.
Có con học lớp 3, chị Nguyễn Thị Thu, trú Q.Gò Vấp, TP.HCM, một người mẹ 9X, vẫn nhớ y nguyên mười mấy năm trước chị luôn ám ảnh vì kiểm tra miệng đầu giờ. Nhất là năm chị học lớp 10, nhiều kiến thức phải học thuộc lòng và nhiều GV bộ môn khó tính, bất thình lình hỏi một câu không có trong sách giáo khoa. "Môn lịch sử ngày ấy luôn là ác mộng của cả lớp. Ra chơi mà không ai dám ra chơi, cứ ôm cuốn sách, vì cô giáo nổi tiếng với nhiều câu hỏi khó", chị Thu kể lại.
Nếu gõ từ khóa "kiểm tra miệng" trên các trang công cụ tìm kiếm, người dùng ngay lập tức nhận được hàng trăm bài viết về chủ đề này. Không ít HS gọi "kiểm tra miệng" là nỗi ám ảnh. Một HS chia sẻ: "Những bài kiểm tra đầu giờ luôn là ác mộng. Hôm học thuộc bài thì thầy cô không gọi, hôm không thuộc thì bị xướng tên. Thiệt đau lòng".
Trần Minh Quân, HS lớp 12 tại Q.3 (TP.HCM), cho hay những lúc chưa chuẩn bị bài thì lúc thầy cô cầm danh sách là thời khắc "thót tim nhất". "Nếu HS giật mình, gương mặt đỏ bừng vì lo sợ thì điều này sẽ khiến thầy cô chú ý đến... gọi tên. Các bạn trong lớp em còn tìm ra "bí kíp" để không bị ám ảnh: không run, bối rối, phải ngẩng cao đầu và đặc biệt không nói chuyện hay làm việc riêng", Minh Quân chia sẻ.
KHÔNG PHẢI KHIẾN HỌC SINH BẤT NGỜ, LO SỢ MỚI ĐÁNH GIÁ ĐƯỢC
Theo ghi nhận, nhiều GV cho rằng kiểm tra đầu tiết dạy, cách truyền thống là GV gọi 1 hoặc 2 HS lên bảng trả lời câu hỏi bài cũ, hoặc nêu câu hỏi sau đó lấy tinh thần xung phong của HS. Cách kiểm tra này hiệu quả không cao vì nhiều HS không học bài cũ do nghĩ có thể không đến lượt mình, một số lại học đối phó bằng cách học bài cũ một hôm để xung phong lên bảng lấy điểm cao sau đó có thể không cần học bài cũ nữa… Mặt khác, cách kiểm tra này tốn nhiều thời gian, lại gây tâm lý căng thẳng cho HS, không thể kiểm tra được nhiều em cùng một lúc.
Thầy Đặng Hữu Trí, GV Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM), cho hay theo quy định, trong học bạ, mỗi môn học có các cột điểm đánh giá thường xuyên, GV có thể sử dụng linh hoạt các hình thức kiểm tra chứ không nhất thiết phải là trả bài đầu giờ mà thường gọi là "kiểm tra miệng". Hình thức này khiến HS hồi hộp, lo lắng, không có tâm trạng phấn khởi khi bước vào một tiết học mới.
Là người phụ trách chuyên môn của ngành giáo dục TP.HCM, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết theo tinh thần của chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và Thông tư 22 của Bộ, theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, các tổ bộ môn, ngay từ đầu năm học phải xây dựng kế hoạch kiểm tra đánh giá với thời gian, hình thức, nội dung, các yêu cầu cần đạt cụ thể theo chương trình. Trong đó, có khuyến khích đa dạng các hình thức kiểm tra đánh giá và kế hoạch này được phổ biến đến HS. GV hoàn toàn có thể đánh giá kết quả học tập của HS thông qua sản phẩm học tập như nhật ký đọc sách, sản phẩm của một dự án khoa học, bài thuyết trình.
KHUYẾN KHÍCH ĐA DẠNG CÁC HÌNH THỨC KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ
Việc chỉ sử dụng kiểm tra đầu giờ (kiểm tra miệng) trong đánh giá thường xuyên không còn phù hợp với đòi hỏi đổi mới kiểm tra, đánh giá. Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá HS THCS và THPT được thực hiện theo lộ trình từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp 6; năm học 2022 - 2023 đối với lớp 7, lớp 10; từ năm học 2023 - 2024 với lớp 8, lớp 1 và từ năm học 2024 - 2025 với lớp 9, lớp 12.
Theo thông tư này, ngoài đánh giá định kỳ, HS được đánh giá thường xuyên thông qua nhiều hình thức đa dạng: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập. Đây là hoạt động đánh giá kết quả rèn luyện, học tập của HS diễn ra trong quá trình thực hiện hoạt động dạy học theo yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình GDPT; cung cấp thông tin phản hồi cho GV, HS để kịp thời điều chỉnh trong quá trình dạy học; hỗ trợ, thúc đẩy sự tiến bộ của HS; xác nhận kết quả đạt được của HS trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ rèn luyện và học tập.
PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết chương trình GDPT mới đánh giá HS theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của HS nên cần quy định về cách đánh giá mới tương ứng. Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT đáp ứng yêu cầu đó với điểm cốt lõi là tập trung vào đánh giá kết quả rèn luyện của HS theo yêu cầu cần đạt của chương trình tổng thể về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung, theo đặc thù của từng môn học. Đánh giá năng lực đặc thù theo từng môn học là đánh giá kết quả học tập của HS so với yêu cầu cần đạt theo quy định của chương trình môn học đó. Quan điểm xuyên suốt là đánh giá vì sự tiến bộ của HS, coi trọng sự tương tác giữa thầy và trò để HS tiến bộ trong quá trình đánh giá.
Dù HS hào hứng với cách đánh giá mới qua các sản phẩm từ bài học trải nghiệm thực tế, nhưng không ít ý kiến cũng cho rằng kết hợp hài hòa giữa thực tế và lý thuyết vẫn là điều mà các trường cần phải lưu ý, tránh việc quá lạm dụng một trong 2 hình thức dẫn tới quá tải, căng thẳng cho HS.
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng: "Quy định mới không yêu cầu GV bỏ hình thức kiểm tra truyền thống. Mà bên cạnh đó, GV có thể đánh giá HS qua quá trình tổ chức các hoạt động học với nhiều hình thức đa dạng như hỏi - đáp ngay trong tiết dạy bài học mới, trong tiết ôn tập, hoặc giao nhiệm vụ cho HS/nhóm HS thực hiện các yêu cầu cụ thể và đánh giá qua phần thuyết trình, báo cáo kết quả thực hiện, sản phẩm thực hành, thí nghiệm...".
Ông Thành lưu ý: "Việc xây dựng tiêu chí đánh giá bài thực hành, dự án học tập cần bảo đảm phù hợp với các mức độ yêu cầu đối với kiến thức, kỹ năng mà HS phải sử dụng để thực hiện những bài thực hành, dự án học tập... Tùy theo mỗi điều kiện, đối tượng HS và yêu cầu cụ thể của nội dung học tập, có thể lựa chọn cách dạy học, đánh giá khác nhau. Nhưng cần lưu ý với mỗi hình thức, khi đánh giá bằng điểm số phải thông báo trước cho HS về các tiêu chí đánh giá và định hướng cho HS tự học". (còn tiếp)
Học sinh trường tư, trường quốc tế có kiểm tra miệng?
Chị Nguyễn Thu Hà, phụ huynh HS lớp 5 tại Trường tiểu học - THCS và THPT Sao Việt (Vstarschool), Q.7, TP.HCM, cho biết con trai chị đi học khá nhẹ nhàng, hầu như không có bài tập về nhà, không có phần kiểm tra miệng đầu giờ - trừ một số bài học đọc tiếng Việt, cô giáo có thể mời HS lên đọc thuộc một số bài thơ ngắn, và phần này không chấm điểm.
Theo cô Phan Thị Bảy, Hiệu trưởng tiểu học, Trường Victoria Nam Sài Gòn (H.Nhà Bè, TP.HCM), tại trường việc kiểm tra đánh giá được linh động theo từng môn học, tùy theo mục tiêu bài học, vận dụng linh hoạt không cứng nhắc. Đặc biệt thông qua các dự án, bao gồm ngắn hạn và dài hạn, làm theo cá nhân hoặc theo nhóm, tạo điều kiện để các em tìm hiểu nghiên cứu thêm kiến thức mở rộng theo các ứng dụng thực tế trong cuộc sống.
Chị Tường Vân, phụ huynh có con học lớp 10, chương trình tú tài quốc tế IB tại một trường quốc tế tại H.Nhà Bè, TP.HCM, cho hay con học chương trình IB nên đánh giá cũng có những cách riêng. HS không phải kiểm tra miệng đầu giờ. "Các em có bài tập để làm, có kiểm tra thường xuyên và cuối kỳ để nắm được sự tiến bộ của HS. Kiểm tra thường xuyên không tính điểm, chỉ là để biết HS có nắm bài hay không, nếu không thì thầy cô sẽ gặp HS và thảo luận thật kỹ những điểm cần cải thiện về cả phương pháp học và mục tiêu đề ra để tiến bộ. Kiểm tra cuối kỳ mới tính điểm", chị cho biết.
Bình luận (0)