Có mặt tại cảng tàu du lịch Tuần Châu (TP.Hạ Long, Quảng Ninh) chúng tôi ghi nhận thực trạng nhìn bên ngoài, những chiếc tàu du lịch tại đây rất bắt mắt, nhưng bên trong từng con tàu lại là sự xuống cấp, xập xệ và đặc biệt hỏa hoạn có thể xảy ra ở nhiều vị trí trên tàu.
tin liên quan
Cháy tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, 21 người thoát nạnTàu nghỉ đêm Ánh Dương bốc cháy gần đảo Ti Tốp trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). May mắn, 14 du khách cùng 7 người trên tàu thoát nạn, vào bờ an toàn.
Trên tàu Hải Anh, số hiệu QN-3025, quần áo phơi ngay cạnh gian bếp. Hệ thống điện có chỗ hở cả dây đồng. Khi đại diện Cảng vụ đường thuỷ nội địa nhắc nhở, một thuyền viên mới tìm băng dính "vá" tạm. Trên tàu QN-2687, chỉ tay xuống khu bếp, chủ tàu Trần Văn Doãn thật thà cho biết: “Đây là nơi có nguồn lửa, lại có chuột, chúng đục khoét, gặm nhấm dây điện dễ làm chập mạch, gây cháy nhưng rất khó xử lý loài gặm nhấm này”.
Trên tàu Hồng Ngọc, thuyền trưởng Đoàn Phúc Hải cho hay thuyền viên các tàu du lịch vốn là người làm thuê tứ xứ, ít được đào tạo kỹ thuật điện, kỹ thuật an toàn… nên ý thức, trách nhiệm không cao, dẫn đến các vụ cháy, chìm tàu chỉ do quên tắt bếp gas, đóng van nước…
Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu năm 2017 đến nay đã có 3 tàu du lịch tham quan vịnh Hạ Long bị cháy. Nghiêm trọng nhất là vụ tàu vỏ gỗ bọc composite Ánh Dương QN-3598 cháy trên đường về cảng. 14 du khác quốc tế và 7 thuyền viên trên tàu gặp nạn may mắn được tàu bạn giải cứu an toàn.
Điều đáng nói, từ năm 2011, tỉnh Quảng Ninh đã có chủ trương hoán cải bằng cách bọc composite cho những tàu du lịch vỏ gỗ đóng trước năm 2005 để tăng độ an toàn, nhưng các vụ cháy tàu vẫn xảy ra. Cả 3 tàu bị cháy trong năm 2017 đều là tàu hoán cải.
Đảm bảo an toàn cho du khách
Đại tá Phí Văn Minh, Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh Quảng Ninh cho biết, chưa có vụ cháy nào gây thiệt hại về người, nhưng 13 vụ cháy xảy ra trong 5 năm qua là một con số báo động. Hầu hết các vụ cháy đều xảy ra trên tàu du lịch vỏ gỗ đã cũ, hệ thống điện đã xuống cấp, dây dẫn lão hóa và lắp đặt trong vách gỗ hoặc nhựa nên khó kiểm tra, bảo dưỡng. Nhiều tàu nghỉ đêm còn trang trí bằng nhựa, mút, rèm mành, trong khi lại chứa xăng dầu, khí gas… nên rất dễ bị thiêu rụi khi xảy ra hỏa hoạn.
Theo đại tá Minh, tỉnh Quảng Ninh đang quyết tâm xoá sổ các tàu du lịch không đảm bảo điều kiện PCCC, chủ tàu cũng không được thay thế, đóng tàu lại nếu để xảy ra cháy tàu. Trong tháng 3, các tàu du lịch vỏ gỗ phải hoàn thành việc thay dây điện ngầm sang chạy nổi và bọc bằng ống chống cháy, phải có lưới chống chuột, tháo dỡ các vật liệu dễ cháy và đặt bình chữa cháy trong các buồng trên tàu, kể cả buồng ngủ.
Đáng chú ý, hiện 200/500 tàu phục vụ thăm quan vịnh Hạ Long là tàu ngủ đêm. Đây là những khách sạn thu nhỏ với phòng ngủ tiện nghi, phòng xông hơi-massage, karaoke… nên cần có tiêu chí đặc thù. Theo ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, địa phương này đang thực hiện các giải pháp mạnh, đưa ra một số quy định cho tàu du lịch cao hơn tiêu chuẩn chung của phương tiện thủy nội địa thông thường.
“Đây cũng là quyền lợi của chính doanh nghiệp du lịch và thực tế nhiều doanh nghiệp đã ủng hộ chủ trương này. Mục đích cuối cùng là để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho du khách, đồng thời giữ gìn thương hiệu, hình ảnh cho vịnh Hạ Long”, ông Long nói.
tin liên quan
Tạm dừng hoạt động đội tàu 5 sao thăm vịnh Hạ Long sau vụ cháyNgày 14.2, UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu tạm dừng hoạt động đội tàu tham quan vịnh Hạ Long Bhaya Legend của Công ty TNHH Du thuyền Bhaya.
Bình luận (0)