Mùa hè đến mang theo cái nóng là nỗi sợ hãi của cả "xóm chạy thận". Men theo con ngõ 121 Lê Thanh Nghị, sâu tầm 50 m là đến khu trọ của những người suy thận tứ xứ đổ về thủ đô chữa bệnh.
Dãy trọ lụp xụp với những căn phòng cũ chật chội, chỉ có duy nhất một cửa ra vào. Mái nhà lợp bằng tôn, fibro xi măng, chỗ có, chỗ không, hoặc được che đậy bằng những tấm bạt rách tả tơi. Vào những ngày nóng cao điểm, căn phòng trọ không khác gì phòng xông hơi. Ban đêm, thời tiết cũng không khả dĩ hơn, mang đến những giấc ngủ chập chờn trong cái nắng hè oi bức.
"Chỉ có điều hòa mới đỡ được"
Vừa đặt chân đến xóm, chúng tôi gặp bà Dương Thị Hoài (69 tuổi, quê Nam Định) ngồi dựa cổng, phe phẩy quạt nan. Dưới tấm mái fibro xi măng của nhà trọ, cái nóng lại càng hầm hập, khó chịu.
Bà Hoài đã sống ở đây được hơn chục năm. Con cái đi làm ăn xa, chồng mất vì ung thư, bà thui thủi một mình ngày qua ngày trong căn nhà chật hẹp, gần Bệnh viện Bạch Mai để tiện chạy chữa.
Những ngày trời nắng với bà là ác mộng. "Trời này chỉ có điều hòa mới chống được thôi nhưng tiền điện đắt lắm không dám mở, khi nào nóng quá thì bật một tí cho mát rồi lại tắt ngay. Có những hôm đi "chạy" về, đi xe ôm lại trời nắng, không thể thở được", bà Hoài than thở.
Căn trọ của bà Hoài cùng các bệnh nhân khác đều là nhà cấp 4 cũ, lợp duy nhất một tấm mái tôn. Dù phòng đã lắp điều hòa nhờ sự hỗ trợ của nhà hảo tâm, bà vẫn không dám sử dụng nhiều. Thiết bị chống nóng bà dùng nhiều nhất là chiếc quạt điện đặt ở góc giường. "Trời nóng, càng bật quạt càng ra hơi nóng. Nhưng biết làm thế nào được!", bà rầu rĩ chia sẻ.
Chung tình cảnh với bà Hoài, chị Ly (31 tuổi, quê Nam Định) cho biết: "Giờ ở đây phòng nào cũng có điều hòa, nếu không thì chúng tôi không sống được. Tôi có tiền sử huyết áp thấp, hôm nào đi chạy thận về mà thời tiết nóng nực, mồ hôi toát ra là y rằng khó thở. Lúc ấy phải bật điều hòa lên cho hồi người. Bật tí rồi phải tắt ngay".
So với cư dân "xóm chạy thận", chị Ly là "lính mới" cả tuổi đời và số năm gắn mình với căn bệnh suy thận. Chị mới chỉ sống ở đây tầm 3 - 4 năm.
"Ngày mới xuống đây, chưa được lắp điều hòa, tôi chật vật lắm. Ngày tôi tắm 2 - 3 lần, nóng quá thì nằm hẳn xuống nền gạch, người cứ lả đi. Hoặc không thì lại phải chạy sang ngồi nhờ phòng các cô có điều hòa, nhưng cũng chỉ được một lát vì tôi còn phải làm thiệp, đồ đạc vẫn để trong phòng", chị Ly tâm sự.
Không có lựa chọn khác
Đến hẹn lại lo "chạy" nóng, nỗi khổ chẳng kém chạy thận là bao. Vì túi tiền có hạn, căn phòng trọ chật hẹp chỉ vừa một người ở là sự lựa chọn duy nhất của các bệnh nhân suy thận. Mỗi tuần các bệnh nhân đều phải chạy thận 3 lần, kèm theo đủ thứ chi phí thuốc men tốn kém. Những ngày không đến viện, họ tranh thủ làm các công việc mưu sinh như: xe ôm, làm đồ thủ công, nhặt ve chai...
"Ai chẳng muốn ở chỗ sướng, nhưng không tiền thì phải chịu thôi", bà Hoài nhẩn nha giải thích. Căn phòng bà đang ở chỉ vỏn vẹn 8 m2, nhưng theo bà vẫn là rộng so với các căn cùng xóm. Mỗi tháng, bà chi trả 2 triệu đồng cho tiền phòng, điện, nước.
Cạnh đó, chị Trang (34 tuổi, quê Nam Định) sống một mình trong căn phòng chưa tới 6 m2, chỉ đủ kê 1 chiếc giường và đặt 1 tủ quần áo nhỏ. Mỗi tháng, chị Trang tốn 4 triệu đồng tiền chạy thận, chưa kể thuốc bổ uống kèm.
Bị bệnh từ năm 4 tuổi, uống thuốc kéo dài gây teo cơ, chị Trang không thể đi làm thêm. Ngày qua ngày, sinh hoạt một mình trong căn trọ, chị đã quen và học cách chấp nhận.
"Chỗ này gần bệnh viện, mỗi tuần 3 lần tự bắt xe ôm đi chạy thận. Bác chủ trọ thương tình, lấy tiền điện 2.500 đồng/số, nhưng cũng không dám dùng hoang đâu, tiền đó còn để lo thuốc men. Đã xác định sống chung với bệnh này thì tốn kém lắm!", chị Trang nói.
Anh Mai Anh Tuấn (48 tuổi, quê ở H.Ba Vì, Hà Nội), trưởng "xóm chạy thận", cho biết hiện cả xóm có 110 nhân khẩu, đều xuất thân từ các vùng nông thôn, điều kiện kinh tế eo hẹp. Vào những ngày nắng nóng gần 40 độ C ở Hà Nội, bà con "xóm chạy thận" sinh hoạt rất khó khăn.
"Cách chống nóng nhất hữu hiệu nhất là dùng điều hòa thôi. Tất nhiên, chúng tôi không thể bật cả ngày được vì rất tốn điện, lúc nào nóng lắm mới bật. Nóng quá thì đem đá phủ lên mái tôn, còn có khi đem để trước quạt cho mát. Đàn ông nào khỏe thì dấp nước vào khăn rồi quấn lên đầu, nhưng mà làm thế thì cũng mệt ốm người đấy", anh Tuấn tiếp chuyện.
Chia tay "xóm chạy thận" trong tiết trưa Hà Nội, bị cái nóng từ đường nhựa táp lên tới mặt, chúng tôi cảm nhận rõ hơn nỗi khổ của các bệnh nhân xóm nghèo. Những ngày hè oi bức này, với họ, thật sự là một cơn ác mộng.
Bình luận (0)