'Xóm đảo' giữa châu thổ sông Hồng

20/09/2013 10:05 GMT+7

Nằm giữa hai nhánh của sông Luộc, 40 gia đình một khu dân cư ở Hải Dương phải dùng đò để cho con đi học, để đón dâu, đưa dâu, và đưa cả người thân trong những việc hiếu nghĩa…

Nằm giữa hai nhánh của sông Luộc, 40 gia đình một khu dân cư ở Hải Dương phải dùng đò để cho con đi học, để đón dâu, đưa dâu, và đưa cả người thân trong những việc hiếu nghĩa…


Một ngôi nhà cấp 4 xiêu vẹo trong xóm đảo hoang - Ảnh: V.V.T

Người dùng một cái tên rất ấn tượng là “xóm Côn Đảo” để gọi xóm Tiền Giang, thôn Cự Lộc, xã Minh Đức, H.Tứ Kỳ, Hải Dương. Rẻo đất này nằm ở giữa hai nhánh Cửu An và Cửu Yên của sông Hồng và trở thành khu dân cư từ cuối những năm 1960.

Anh Phạm Đình Tốt, 26 năm nay làm nghề chở đò cho biết: “Mỗi đám ma, đám cưới, anh phải chở 10-20 chuyến đò mới hết người. Khổ nhất là mùa nước cạn, sông đặc bèo tây. Khi đó, muốn đò qua, người trong xóm phải xuống sông giãn bèo cho đò sang sông. Có đám ma, quan tài và người nhà phải sang sông từ đêm hôm trước, vì sợ hôm sau bèo về, không đi được”. Người dân ở đây cũng quen với những đám cưới mà cô dâu, chú rể và hai họ đứng bên sông vẫy tay chào nhau vì vướng… bèo tây không sang được. Vài năm trước, có người còn bị ngã đò, chết đuối khi đưa dâu qua sông.

Để đến trường, hơn 30 học sinh trong xóm phải dậy sớm để đợi đò. Ngày trước, khi chưa có đò máy, còn phải dùng đò tay, nhà nào khá thì tự sắm thuyền thúng để con đi học không muộn giờ.

Xóm đảo Tiền Giang bây giờ vẫn còn phải thắp đèn dầu, dùng nước sông để sinh hoạt. Ông Nguyễn Thanh Tùng, trưởng xóm cho biết: “Đường dây điện qua sông có đấy, nhưng dây nhỏ, điện yếu không dùng được. Cơm trưa thì phải cắm từ sáng sớm, cơm tối thì cắm lúc 3 giờ chiều. Trưa hay tối thì điện yếu không dùng được nên cả xóm phải dùng đèn dầu buổi tối. Nên người ta còn gọi đây là xóm đom đóm”. Nước sinh hoạt thì chính là nước sông, nhà nào khá thì có chiếc bể lọc, không nhà nào có giếng khoan. 

Cả xóm chỉ có một hàng tạp hóa nhỏ, muốn mua đồ dùng khác lại phải sang sông, lên TT.Tứ Kỳ.

“Khổ nhất là lúc đêm hôm, có người sinh con, hay bệnh tật bất thường”, chị Nguyễn Thị Tho, một người nghèo nhất xóm cho biết. Căn nhà cấp 4 xiêu vẹo chị đang ở là của người em họ cho mượn sau khi đã mua đất làm nhà ở bờ bên kia. Những hộ khác trong xóm cũng không khá hơn chị Tho là mấy.

Ông Tùng cho biết, bà con từng nhiều lần xin xã một chiếc máy bơm để tưới tiêu nhưng vẫn chưa được, nên gần 10 ha ruộng ở xóm vẫn phải tát nước gầu tay. Đầu tư lớn nhất cho xóm đảo là vào năm 2008, xã cấp hơn 100 triệu để mua một chiếc đò máy và cử hai người đi học lái đò để chở miễn phí cho bà con. Ngã ba sông này là trục giao thông đường thủy quan trọng nên việc làm cầu là chưa khả thi.

Khoảng 10 hộ gia đình đã góp nhặt tiền của để mua đất, làm nhà ở “đất liền”, nhưng nhà trên “xóm đảo” của họ không bán được nên bỏ hoang. Vì thế người ta còn gọi xóm Tiền Giang là “xóm đảo hoang".

Tuy nhiên không phải ai cũng có đủ tiền để trở về “đất liền” vì phần lớn bà con trong xóm đều thuộc diện hộ nghèo. Trao đổi với Thanh Niên về việc chăm lo cho người dân “xóm đảo”, ông Nguyễn Đức Mạnh, Chủ tịch UBND xã Minh Đức cho biết: xã sẽ sửa chữa đường dây để bà con có điện sinh hoạt. Trong quy hoạch của xã cũng có việc chuyển các dân xóm Tiền Giang sang bên này sông, đất bên sông sẽ chuyển làm trang trại, hoặc cho các nhà đầu tư kinh doan, tuy nhiên việc này chưa thành hiện thực vì chưa có kinh phí cũng như quỹ đất.

Vũ Viết Tuân

>> Xóm đạo bừng sáng đón Giáng sinh
>> 3 tỉnh cam kết bảo vệ Khu dự trữ sinh quyển sông Hồng
>> Ra sông Hồng tập bơi, 2 học sinh chết đuối
>> Sông Hồng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng
>> Nước sông Hồng cao bất thường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.