"Xóm hành tỏi" TP.HCM bên kia cầu Lò Gốm, đoạn cuối đường Nguyễn Văn Luông (Q.6) là những dãy trọ có phần lụp xụp của nhiều người từ các tỉnh miền Tây như Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu và cả những người ở Campuchia… đến thành phố mưu sinh.
"Nước này, chắc bỏ nghề…"
Ở xóm lao động nhỏ này, người ta vẫn thấy sáng sáng khi đàn ông bắt đầu ra khỏi nhà làm đủ thứ nghề tự do như bốc vác, thợ hồ, công nhân thì chị em phụ nữ ở nhà, lớn tuổi có, trẻ tuổi cũng có, tất bật với việc bóc vỏ hành tỏi. Hình ảnh này đã quá đỗi quen thuộc suốt hàng thập kỷ năm qua.
Những ngày cận tết 2025, chúng tôi ghé lại "xóm hành tỏi" thân quen, nhưng không khí có phần trầm lắng hơn so với mọi năm, nếu không muốn nói là "lạ". Nếu như những năm trước, xóm trọ này nhiều nhà san sát nhau, có nhà hàng chục người quây quần từ sáng tới tối cùng bóc vỏ hành tỏi kiếm thêm thu nhập mùa tết, năm nay chỉ còn lác đác vài hộ.
Những hộ mà chúng tôi gặp những năm trước, có người đã chuyển đi nơi khác lập nghiệp, có người chuyển về sống, cửa đóng then cài kín mít. Trong căn trọ nhỏ có vài vệt nắng chiều len lỏi, bà Ngọc Lan (50 tuổi) vừa trông cháu ngoại, vừa ngồi lột vỏ hành.
Chỉ vào đống hàng bên dưới chân, bà Lan tâm sự so với mọi năm, năm nay hàng không nhiều, có thời điểm bà "ở không" vì không có hàng làm. 2 tuần trở lại đây, khi vào vụ tết, lượng hàng bắt đầu có nhiều hơn vì nhu cầu tăng, nhưng so với mọi năm thì không bằng, theo lời người phụ nữ quê Đồng Tháp.
Chỉ vào căn trọ kế bên đóng cửa kín mít của chị Tuấn (47 tuổi), cũng là một người lột vỏ hành tỏi thâm niên ở xóm trọ này, chị Lan cho biết hàng xóm của mình đã về quê Đồng Tháp nhiều tháng nay để chăm em chồng vừa sinh nên tết năm nay không làm nghề như mọi năm.
"Đối diện là mấy căn trọ của những hàng xóm Campuchia hồi xưa, gia đình Thạch Thu, Thạch Tha, cũng làm nghề này lâu lắm nhưng giờ họ chuyển đi rồi, không làm nữa. Năm nay xóm vắng hơn mọi năm nhiều", bà Lan chia sẻ.
Về phần mình, bà Lan vì phải giữ cháu ngoại cho cô con gái đang đi làm ở Long An nên cũng không dành nhiều thời gian cho công việc này. Tết bà ráng làm kiếm thêm đồng ra đồng vào hy vọng đủ đóng tiền trọ. "Năm nay làm ăn khó khăn, có tháng làm nghề này cũng không đủ đóng tiền trọ. Nước này, chắc bỏ nghề về quê sống. Không biết năm sau còn làm tiếp được không", vừa lột tỏi, bà vừa thở dài tâm sự.
Chị Tuấn năm nào cũng "chảy nước mắt" lột hành tỏi ngày tết năm nay về quê, cửa đóng then cài
[CLIP]: "Xóm hành tỏi" TP.HCM những ngày cuối năm
Khi đàn ông cũng làm nghề "chảy nước mắt"
Bà Phạm Thị Sáu (61 tuổi) sống sâu trong dãy trọ này cũng có thâm niên làm nghề lột vỏ hành tỏi hơn 20 năm nay. Năm nay, cụ bà không làm nữa mà chuyển sang nghề bán kem, chủ yếu cho bà con trong xóm trọ.
"Tôi có đứa cháu sống ở đây, mà giờ nó không làm nữa nên tôi cũng không làm, tại có một mình. Với giờ sức mình không còn được như xưa nên chọn cái khác mà làm", bà kể thêm.
Cách trọ của bà Sáu chừng 10 m, vợ chồng chị Ba đang tất bật với công việc lột vỏ hành. Bình thường, chồng chị đi bán kem dạo, nhưng mấy tháng nay làm ăn khó khăn nên bỏ nghề. Vậy là anh quyết định cùng vợ "toàn thời gian" làm công việc này để nuôi con ăn học.
Đa phần, phụ nữ làm công việc lột vỏ hành tỏi. Nhưng anh Ba thì nói nghề nào làm cũng được, miễn siêng năng thì có đồng ra đồng vào lo cho gia đình. Dịp tết, đơn hàng nhiều hơn so với bình thường nên 2 vợ chồng cũng phấn khởi.
"Ráng lột để tết năm nay có thêm tiền trang trải. Tôi theo lịch nghỉ tết của con, chừng nào con nghỉ là cả nhà về quê Đồng Tháp ăn tết, nên thời gian này tập trung làm, tới 8 - 9 giờ tối, xong hàng thì ăn cơm rồi ngủ", anh chia sẻ.
Theo 2 vợ chồng, mỗi ký hành tỏi lột bóc vỏ được trả công tử 1.600 - 4.000 đồng tùy loại. Dù không cao nhưng nếu chăm chỉ làm cả ngày thì cũng kiếm được "vài trăm" tích cóp xài tết.
Bình luận (0)