Xóm nghèo khát chữ

10/01/2008 18:22 GMT+7

Thấy cán bộ tới kiểm tra thì người lớn sợ quýnh, còn lũ trẻ nít mừng rơn lao nhao hỏi: "Con được đi học hả chú?". Đó là xóm nghèo với những căn nhà tạm bợ. 25 hộ dân với gần trăm nhân khẩu không hẹn mà gặp từ tứ xứ trôi dạt tới mỏm đất ven biển khu vực kênh ngăn mặn, phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá, Kiên Giang, kiếm sống bằng nghề đánh bắt tôm cá, làm dớn.

Cuộc sống buồn tẻ hầu như biệt lập với thị thành, dù cách phố biển náo nhiệt chưa đầy 8 km. Ngày ngày người lớn đi biển đánh cá, còn trẻ nít thì sáng sáng chiều chiều đi lượm bọc, đi kéo dớn. Lăn lộn với nắng gió nên đứa nào cũng đen thui, tóc vàng hoe khét mùi nắng nhưng nụ cười lại rất hồn nhiên. Trẻ nít nơi đây thèm đủ thứ, nhưng thứ chúng thèm nhất là được cắp sách tới trường.

Cậu bé Võ Minh Hiền cười đưa mấy cái răng sún khoe năm nay 11 tuổi, mới được học lớp 1 chung với nhỏ em ruột là Võ Văn Ngân, 8 tuổi. "Già đầu" học chung với em nhưng Hiền chẳng sợ ai chọc quê, bởi năm rồi nhìn mấy đứa trẻ khác ôm cặp tới trường nó tủi thân rớt nước mắt thấy thương. Thấy Hiền được đi học, mấy đứa bé đồng lứa như Văn Đắc Mộc - 13 tuổi, Chanh - 15 tuổi, Lê Văn Củ - 11 tuổi... cũng bu theo Hiền hỏi chuyện trường lớp. Nghe Hiền tếu táo kể lại bao chuyện vui trong lớp, thằng Củ, Chanh, Mộc lại cười phụ họa rồi lại buồn. Đưa tờ báo Thanh Niên cho lũ trẻ xóm nghèo, Chanh hớn hở chụp lấy xem... hình, mấy cô chú đùa vui ghẹo kêu đọc thử Chanh đỏ rần mặt rồi mắc cỡ chạy mất. Thằng Mộc, thằng Củ cũng vồ lấy tờ báo lật tới lui xem hình rồi cười toe: "Cái này nói gì vậy thầy!".

Củ (giữa) đi lượm bọc mỗi ngày nhưng rất thèm được đi học - Ảnh: T.Dũng

Xóm nghèo này có hàng chục trẻ em đã quá tuổi nhưng vẫn chưa được đi học. Vì nghèo, vì ăn nhờ ở đậu chẳng làm được giấy khai sinh cho con, vì cuộc sống bấp bênh theo biển nên riết rồi chuyện con em được đi học hay không người ta cứ phó mặc cho may rủi cuộc đời. Hai anh em Văn Đắc Mộc, 13 tuổi và Văn Thị Sen, 10 tuổi cứ tới ngày khai giảng lại nôn nao chờ cha Văn Hồng Thơm đưa tới trường, nhưng bao năm qua chúng cứ hụt hẫng. Chanh nói: "Nghe anh Hiền kể con thấy đi học vui quá à, mà chừng nào con được đi học vậy thầy!". Tội nghiệp Chanh và những đứa trẻ khác, vẫn tưởng lầm nhà báo là thầy giáo tới đây lo cho chúng được học hành.

Anh Lê Hoàng Vũ có ba đứa con, nhà nghèo rớt mồng tơi nên khi sinh con, anh đặt tên với hy vọng cho con được đổi đời. Đứa đầu tên Củ, đứa kế tên Nhiều và đứa út tên Của, ghép tên lại nghe thật sáng lạn: Củ Nhiều Của. Song có lẽ đó chỉ là cách gọi vui cho quên đi cái nghèo, chứ thực tế anh chưa có tiền lo cho Củ và Nhiều đến lớp thì làm gì dám nghĩ đến chuyện đời chúng có nhiều tiền của. Ngày ngày hai đứa trẻ dắt tay nhau lủi thủi đi nhặt từng miếng bọc ni lon, mấy lon nước ngọt, mũ bể bị quăng bỏ lăn lóc. Củ lớn rồi nên thèm học lắm, mỗi khi lượm bọc qua các điểm trường nghe tiếng ê a nó lại lựng khựng.

Nhiều khi Củ "quậy" đòi đi học như thằng Hiền, anh Vũ biết giải thích thế nào con trẻ cũng không hiểu hết hoàn cảnh nên lôi ra đánh đít vài roi cho con sợ đừng đòi. Mà ngặt đời, đánh thằng anh lại tới phiên thằng em xin đi học, anh la con mà xóm nghèo nghe cũng buồn theo: "Học cái gì mà học, tiền không đủ ăn mà còn đòi đi học!". Còn anh Vũ Thái Học nghe tên đã thấy chữ nghĩa, nhưng thực tế chữ nghĩa anh chỉ biết lõm bõm, đứa con đầu anh đặt tên với biết bao hy vọng may hơn đời cha. Thằng bé mang tên Vũ Trí Thức đã lớn tồng ngồng vẫn chưa một ngày được đến trường nên chữ nghĩa cứ tương phản với cái tên.

Xóm nghèo có hàng chục trẻ em chưa được đến trường nhưng bây giờ người lớn bận lo chuyện "đại sự" nên lơ đãng chuyện tương lai của con em mình. Đó là họ nghe thông tin sắp tới vùng đất này bị địa phương lấy lại, khi đó họ không biết kiếm nơi ăn chốn ở ra sao. Quay về địa phương thì chẳng có nghề nghiệp và kẹt hơn nữa, những đứa con lỡ đi học ở đây sẽ phải làm thủ tục chuyển trường gặp bao rắc rối. Vậy là bao chuyện ấy cứ quấn lấy xóm nghèo và nước mắt của những đứa trẻ nơi đây vẫn rơi khi giấc mơ đến trường quá xa xôi...

Thanh Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.