Xóm… nghĩa địa

02/10/2012 11:43 GMT+7

Hiện nay, ở ngay trong lòng TP.Rạch Giá (Kiên Giang) vẫn còn tồn tại một xóm nhỏ với gần 100 hộ dân, sống tạm bợ trong khu nghĩa địa cũ.

Khó có thể hình dung chỉ cách trụ sở UBND P.Vĩnh Quang hơn 1 km hiện vẫn tồn tại một khu dân cư nằm xen lẫn với hàng trăm ngôi mộ. Nơi này trước kia là khu nghĩa địa của chế độ cũ, có diện tích gần 20 ha. Sau ngày giải phóng, do chưa được quy hoạch, quản lý chặt chẽ nên nó trở thành bãi chứa rác thải, rác sinh hoạt và tất cả những phế phẩm của những người dân sinh sống quanh vùng. Dần dần về sau, khi làn sóng di dân từ các vùng nông thôn đổ về trung tâm thành phố tìm kiếm việc làm tăng cao, nhiều người do không có chỗ ở nên tìm tới nơi đây tạm trú.

Bà Thị Ngách, quê ở xã Định An (H.Gò Quao) cùng gia đình đến TP.Rạch Giá từ những năm 1990 và kiếm sống bằng nghề lượm ve chai. Lúc đầu, bà sống ở bãi rác thành phố nhưng khi biết khu vực nghĩa địa có đất trống, bà đã cùng gia đình đến đây tìm một phần đất ở. Khi mới đến, bà che tạm những tấm bạt ở giữa 2 ngôi mộ để làm chỗ ngủ. Dần dần, bà cùng con cháu cất lên căn chòi nhỏ. Cứ như thế, thấm thoát đã 20 năm trôi qua, mấy thế hệ trong gia đình bà đã cùng sống, cùng ăn, cùng ngủ trong khu nghĩa địa. Bà cho biết: “ 3 đứa con của tui lớn lên rồi dựng vợ, gả chồng cũng ngay trong xóm nghĩa địa này, đến nay gia đình đã có thêm 2 đứa cháu. Sáng sớm, các thành viên trong nhà chia nhau đi lượm ve chai hay làm mướn để kiếm tiền đong gạo”. Khi nghe hỏi về điều kiện sống ở khu nghĩa địa, bà Ngách thở dài: “Ở đây cái gì cũng thiếu, mùa mưa thì hứng nước mưa xài, không thì phải đi đổi từng can nước về sinh hoạt, ăn uống. Khu này cũng không có nhà vệ sinh nên người dân đều phải tự…giải quyết. Mất vệ sinh thì chịu chứ biết làm sao. Ai cũng vậy mà! Có bệnh thì đi mua thuốc uống”.

 

“Ở đây cái gì cũng thiếu, mùa mưa thì hứng nước mưa xài, không thì phải đi đổi từng can nước về sinh hoạt, ăn uống. Khu này cũng không có nhà vệ sinh nên người dân đều phải tự…giải quyết”.

Cũng như bà Thị Ngách, gần 100 hộ dân sống ở nghĩa địa này đều là dân tứ xứ, phiêu dạt từ nơi khác đến, do không có nơi ở nên đành phải sống chen chúc với người quá cố để có chỗ che nắng, che mưa. Một số người có điều kiện thì lót ít gạch dưới nền chòi cho sạch và làm nhà vệ sinh tạm bợ; còn hầu hết các hộ đều đổ rác và chất thải sinh hoạt ra bất cứ chỗ nào, ngay cả xung quanh căn chòi đang ở. Vì vậy, khu dân cư nghĩa địa lâm vào tình trạng ô nhiễm nặng đã nhiều năm nay. Ông Lê Hữu Nhân, cán bộ Hội Nông dân khu phố Võ Trường Toản (P.Vĩnh Quang) cho biết: “Người dân khu phố mong các cấp chính quyền quy hoạch lại khu dân cư nghĩa địa này để bà con có nơi ăn, chốn ở sạch sẽ, hợp vệ sinh. Về phần mình, chúng tôi chỉ có thể kiến nghị lên cấp trên, chứ cũng không có cách nào giải quyết”.

Cư dân khu nghĩa điạ không chỉ khó khăn về điều kiện sống mà đáng báo động hơn là 300 trẻ em ở đây dường như chẳng có bất kỳ quyền lợi nào, ngay cả việc cơ bản nhất là được cắp sách đến trường. Nhiều người sinh ra và lớn lên tại đây cũng không làm được các loại giấy tờ tùy thân, cho nên cơ hội học tập đàng hoàng để xin được việc làm ổn định là rất thấp. Cứ như vậy, cuộc sống của gần 1.000 con người khu nghĩa địa cứ lây lất trong vòng lẩn quẩn của sự nghèo khổ và thất học.

Được biết, TP.Rạch Giá đã quy hoạch khu nghĩa địa này để xây dựng nhà tang lễ. Đây có thể là tin vui đối với người dân thành thị, nhưng có lẽ lại là tin xấu với những người vô gia cư đang sống tạm bợ ở đây. Mong rằng trong thời gian tới, các cấp chính quyền sẽ có biện pháp thiết thực, hiệu quả để tạo điều kiện cho những người nghèo ở khu nghĩa địa ổn định cuộc sống, trước nhất nên giúp họ có tư cách pháp nhân, cho dù chỉ là tạm trú.

Xóm… nghĩa địa
Những ngôi mộ nằm xen với các khu nhà lụp xụp - Ảnh H.C

Xóm… nghĩa địa
Đường dẫn vào xóm … nghĩa địa - Ảnh H.C

Hồng Cúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.