Đó là xóm trọ ở cuối đường Đồng Bát, P.Mai Dịch, Q.Cầu Giấy, Hà Nội, nơi hàng trăm người dân thôn Ải, Vân, Thọ, Chợ Vài... (xã Hợp Thanh, H.Mỹ Đức, Hà Tây cũ) tá túc từ năm 1994. Từ xóm trọ này, 3 giờ chiều đến 1 giờ sáng hôm sau, trên 300 xe ba bánh chở ngô, khoai, sắn đã nướng, luộc tỏa khắp phố phường Hà Nội.
Một phòng trọ tạm bợ chưa đến 10 mét vuông ở đây giá cho thuê mỗi tháng 500.000 đồng, điện 4.000 đồng một số, nước bình quân 80.000 đồng một người. Hơn năm chục nóc nhà lèn chặt trong không gian 200 m2 thậm chí còn tăng dân số. Một gian chỉ 10 m2 nhưng có khi cả đại gia đình 8 thành viên gồm ông bà, bố mẹ, các cháu nội ngoại cùng sinh sống đã không xa lạ ở “xóm ngô khoai”.
|
7 giờ sáng là khi người dân trong xóm luộc ngô, nghiền sắn làm bánh. Trẻ con ở đây cũng thông thạo công việc của cha mẹ, chúng bóc ngô, gọt sắn nhanh thoăn thoắt. Trên chiếc ghế con, cậu bé 5 tuổi Phạm Phát Đạt, con anh Nguyễn Văn Miền, 38 tuổi ở thôn Ải đã biết nạo vỏ sắn thành thục. Đạt còn có 1 em gái mới sinh và 3 chị gái, một chị đã biết bán ngô khoai. “Đặt tên cháu như thế là mong cho cuộc đời các con khấm khá hơn bố mẹ”, anh Miền nói. Mẹ Đạt đang chuẩn bị nấu cơm dù mới đầu giờ sáng. Người dân ở đây hầu như không có bữa tối, mọi người chỉ ăn một bữa trưa thật no để đi bán hàng suốt 12 tiếng. Nắng nóng, mưa nhiều là ác mộng vì ế, trời rét hàng mới chạy. “Nhiều hôm giá rét cóng hết chân tay, lúc mưa gió cả con đường dài dặc chỉ có một mình, tủi thân chỉ muốn đổ cả xe hàng mà về với các con”. Chị Phạm Thị Nghĩa, 37 tuổi, thôn Ải bâng quơ nói chuyện mình.
Xóm ngô khoai, một mai xoá sổ
Tạm biệt "xóm ngô khoai", chúng tôi tới thôn Ải. Vào nhà ông Nguyễn Văn Hồng, chúng tôi chỉ gặp hai ông bà và 4 cháu nhỏ. 2 con trai ông bà là Nguyễn Văn Hiển, Nguyễn Văn Hậu sau khi lập gia đình đã cùng vợ đi bán ngô, khoai, ai có con thì mang về quê gửi ông bà. Ông Hồng chỉ vào hai cháu: “Con này là Nguyễn Thị Mỹ Vân, 13 tuổi, đây là thằng Nguyễn Văn Hải, 9 tuổi. Tôi nuôi từ khi chúng mới 15 tháng. Năm cái Vân 3 tuổi, mẹ nó từ Sài Gòn ra, nó không biết là ai nên khóc thét, mẹ nó chạy xuống bếp, ôm mặt khóc”.
Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Anh - Phó chủ tịch UBND xã Hợp Thanh, nói: Trẻ con Hợp Thanh chưa bao giờ được ở với mẹ đến năm 2 tuổi vì con hơn 1 tuổi, thậm chí ít hơn bố mẹ đã “đi ngô khoai”. Thôn Ải có 6.000 người, trong đó trên 2.000 người đi hành nghề này khắp các tỉnh thành…
Được biết, xóm trọ của những người bán ngô khoai kể trên sẽ biến mất một ngày gần đây vì thuộc một dự án mở đường. Hàng trăm người dân trong xóm đang lo lắng tìm một chỗ tá túc mới, mong một ngày đủ vốn liếng sẽ về quê. Câu chuyện về Phạm Văn Doanh (26 tuổi, người thôn Ải), sinh viên Đại học sư phạm Hà Nội I vừa bán ngô khoai vừa đi học nay là giảng viên được nhiều người dân trong xóm kể lại như một niềm tự hào và là tấm gương cho con cái. Nhưng để giấc mơ ấy thành hiện thực đối với người dân “xóm ngô khoai” không dễ dàng. Họ còn quá cực nhọc và sự hy sinh ấy không phải là “hy sinh đời bố, củng cố đời con” như họ thường tự an ủi…
Nguyễn Thúy Hằng
>> Khoảng cách giàu - nghèo tiếp tục tăng
>> Chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam
>> Khi chênh lệch giàu nghèo gia tăng
>> Sự chênh lệch giàu nghèo trong tình yêu có nên không?
>> Dân nghèo đói, vua vẫn sắm máy bay 50 triệu USD
>> Đến với dân nghèo phố thị sau lũ
>> Dự án "treo", dân nghèo lãnh đủ
>> Lo thuế môi trường làm tăng gánh nặng cho dân nghèo
>> Dân nghèo mướn chuyên gia... làm rẫy
Bình luận (0)