Xóm trọ Sài Gòn bật dậy sau dịch Covid-19: Bà bầu 37 tuần nhặt ve chai kiếm tiền đi đẻ

19/10/2021 12:33 GMT+7

Bầu 37 tuần, chị Đoàn Thị Thu Hòa (34 tuổi) vẫn chạy chiếc xe máy cà tàng, rớt biển số quanh quận Gò Vấp (TP.HCM) nhặt ve chai kiếm tiền đi đẻ. Sau đại dịch, đây là việc duy nhất chị có thể làm ra đồng tiền.

Tôi tìm đến xóm trọ của dân lao động ngoại tỉnh trên đường Nguyễn Văn Khối (P.9, Q.Gò Vấp, TP.HCM) lúc trời đang đổ mưa rào. Tiếng mưa ồn ã trên mái tôn, hắt xuống tấm bạt rách tươm giữa lối đi khiến nước tung tóe vào mấy phòng trọ.

Bầu 37 tuần, chị Hòa vẫn khệ nệ vác bụng bầu đi nhặt ve chai kiếm tiền đi đẻ

vũ phượng

Đi đến căn phòng gần cuối dãy đập vào mắt tôi là một bà bầu bụng to oạch, mặc đồ bộ màu tím bông trắng, mái tóc lởm chởm. Chị nằm trên sàn nhà. Nhìn gương mặt khắc khổ và bụng bầu áp sát nền gạch men lạnh ngắt, tôi chẳng nỡ đánh thức dù đã có hẹn trước.

Đó là chị Đoàn Thị Thu Hòa (34 tuổi, quê Hà Nam) – người phụ nữ “hồng nhan bạc phận” với đường tình duyên lận đận. Bầu 37 tuần sau Covid-19 ngay lập tức đi nhặt từng miếng bìa cát tông, mấy chai nhựa bán kiếm tiền đi đẻ.

Túng quẫn vì dịch, bà bầu 37 tuần nhặt ve chai kiếm tiền đi đẻ

Khổ chồng khổ

Căn nhà trọ chừng 15m2 này là nơi ở của chị Hòa cùng mẹ và con trai 11 tuổi. Bà Phan Thị Thủy (56 tuổi, mẹ chị Hòa) cho biết, cháu đầu của bà trong giấy khai sinh không có tên cha, giờ tới đứa thứ hai cũng y vậy.

Không còn cách nào khác, để kiếm được đồng tiền, chị Hòa phải chọn "nghề" nhặt ve chai

vũ phượng

Nói đến cuộc đời con, bà Thủy chua chát nhận xét “hồng nhan bạc phận”. Con gái bà với người đàn ông đầu tiên không hôn thú, vừa sinh con được vài tháng thì đường ai nấy đi. Con gái gửi con cho bà chăm sóc rồi bươn chải đủ thứ nghề làm thuê làm mướn, tự lo bản thân mình. Đến người đàn ông thứ hai cũng tương tự, không rình rang đám tiệc, không ra mắt gia đình hai bên, cả hai tự động dọn về sống chung. Vừa cãi nhau chia tay vài hôm, con gái bà đi khám phát hiện có bầu 9 tuần.

Nghe mẹ nhắc đến chuyện mình, chị Hòa lắc đầu: “Cãi nhau xong anh dọn đồ đi, tôi nghe nói anh về Bạc Liêu nên nhớ mang máng địa chỉ trên CMND của anh rồi cứ vậy chạy chiếc xe cà tàng của mình về đó tìm. Tới nơi, nhà anh không chấp nhận, không tìm được “chồng”, ngậm đắng nuốt cay về lại Sài Gòn, tôi vào thẳng chùa Hoằng Pháp xuống tóc vì thấy cuộc đời bế tắc”.

Ở chùa 2 tháng, chị mới quay lại nhà trọ thăm mẹ và con trai. Đến lúc này, thấy bụng con lùm lùm, bà Thủy hỏi chuyện rồi chết lặng khi nghe con nói sự thật.

Chiếc xe dù đã tàn nhưng ít ra vẫn còn giúp chị Hòa bớt phải tay xách nách mang đống bìa cát tông hay những chai nhựa bên đường

vũ phượng

“Số phận nó vậy. Ai đẻ con ra cũng muốn con có mái ấm hạnh phúc, tự lo được cho mình, cho con mình. Giờ nó vầy, về đây tôi cũng đuối. Nhưng nó là con mình, là núm ruột mình đẻ ra thì giờ có khổ thể nào cũng phải cưu mang chứ biết đẩy cho ai”, bà Thủy bộc bạch.

Hai mẹ con cùng nhặt ve chai

Bụng bầu 37 tuần, to vượt mặt, đi lại từng bước đã thấy khó nhọc, chị Hòa vẫn đều đặn một ngày 2 cữ đi nhặt ve chai. Trước dịch, chị đứng bếp nướng cho một quán nhậu bình dân, được trả 20.000 đồng/giờ làm việc. Thu nhập không cao, nhưng cũng đủ để chị tự lo cho mình, lâu lâu phụ mẹ tiền ăn học của con trai.

Khổ này chưa qua, khổ khác lại tới, cả hai con của chị Hòa đều không có tên cha trên giấy khai sinh

Vũ phượng

Bà Thủy trước dịch cũng làm việc trong một công ty chuyên sản xuất đồ nhựa. Công ty phá sản, giải thể ngay đợt dịch đầu tiên, công ăn việc làm lúc tuổi xế chiều của bà thêm phần trắc trở.

Thời gian đầu, bà chuyển sang rửa chén thuê, rồi đợt dịch vừa qua căng thẳng, quán ăn đóng cửa, bà mất luôn việc làm. Ở không 4 tháng, tới ngày 1.10, bà chạy xe máy, cầm chiếc bao đi bới rác tìm ve chai.

Bà nói: “Ngày chồng tôi mất vì tai nạn giao thông 22 năm trước là cả nhà lao đao, bán nhà to chuyển sang nhà nhỏ, rồi nhà nhỏ hơn, cuối cùng là phòng trọ nhỏ xíu như này. Giờ tôi vẫn không tin là có ngày phải ra đường nhặt ve chai như thế này. Nhưng chỉ có công việc này mới sáng nhặt chiều có tiền mà ăn, mà dành dụm đóng trọ. Quá tuổi lao động như tôi giờ xin việc ở đâu mà nhận”.

Chiếc xe cà tàng cùng chị chạy miết mải trên đường về Bạc Liêu tìm cha cho con nhưng bị chối bỏ

Vũ phượng

Hồi tháng 5, bà Thủy định ôm cháu về Hà Nam tránh dịch, cũng là dịp để bà được gặp lại cha mẹ già sau gần 20 năm xa cách biền biệt. Ước nguyện của bà là được ở bên cha mẹ già để được chăm sóc, báo hiếu, nhưng giờ đây mọi dự định đành tạm hoãn, bà phải ở lại Sài Gòn chăm sóc con gái gần tới ngày sinh.

Áp lực càng chồng chất hơn vì tới nay chị Hòa đã sắp sinh, nhưng trong nhà không có một đồng để đi đẻ. “Cô xem có bệnh viện hay nhà hộ sinh nào hỗ trợ được hoàn cảnh khó khăn cô giới thiệu giùm nhà tôi với. Tôi cũng không dám nghĩ đến lúc nó đi đẻ thì lấy đâu ra cọc tiền mà lo, tới giờ tiền ăn còn chạy từng bữa. Nó bước còn thấy mệt vậy mà cứ đi cúi lượm mấy miếng giấy bán kiếm vài chục dằn túi nói lo tiền đi đẻ. Mà không biết gom tới lúc đẻ được bao nhiêu tiền”, bà Thủy tặc lưỡi, thở dài.

Sau mọi lầm lỡ của cuộc đời, chị Hòa vẫn có mẹ dang tay che chở

vũ phượng

Vuốt vuốt mái tóc lởm chởm, chị Hòa giải thích tóc vừa dài ra sau khi chị cạo đầu quy y, chưa biết chỉnh sửa thế nào, mà cũng không cần chỉnh vì với chị vẻ bề ngoài giờ không quan trọng.

“Gần tới ngày sanh rồi, đồ em bé cũng xin được vài bộ, sữa thì chưa mua được hộp nào nên tôi cứ phải đi thôi. Tôi biết mình về là gánh nặng của mẹ, nhưng tôi thấy may mắn vì sau mọi bão giông của cuộc đời, sau những sai lầm của bản thân còn có mẹ dang tay bảo bọc”, nhìn ra phía đầu dãy trọ vắng ngắt, chị trải lòng.

Ngày sinh cận kề, một hộp sữa cho con cũng chưa kịp chuẩn bị

vũ phượng

Cơn mưa vừa ráo hoảnh, một tay ôm bụng, một tay vịn tay lái, chị Hòa khó nhọc leo lên chiếc xe cà tàng rớt biển số, bể hộp đèn treo tòng teng bao ve chai phía trước, mấy tấm cát tông phía sau. Chiếc xe nát bấy, không thể đề, bà bầu 37 tuần đạp bạch bạch đến hụt hơi mới chịu xì khói. Gặp đống rác nào, chị lại leo xuống, dù vừa thở dốc vừa tìm kiếm ve chai nhưng bà bầu vẫn cố vì ngày sinh đã cận kề mà vẫn chưa được mấy đồng trong túi…

Bà Lê Thị Giới, tổ trưởng tổ dân phố 32, KP.5, P.9, Q.Gò Vấp, cho biết bà Thủy cùng cháu trai ở trọ tại đây đã lâu, sau khi nghỉ làm công nhân bà chuyển sang nhặt ve chai. Từ khi dịch đợt 4 phức tạp, chị Hòa về ở cùng mẹ, dù gần sinh nhưng ngày ngày đi nhặt ve chai kiếm tiền trang trải. Biết hoàn cảnh gia đình ngặt nghèo nên có hỗ trợ rau củ, nhu yếu phẩm, tổ dân phố đều đến trao cho gia đình, nhờ vậy cả nhà mới trụ được qua đợt dịch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.