“Xóm vàng” miệt rừng U Minh Thượng

28/07/2011 10:37 GMT+7

Đó là một xóm nghèo nằm trên kinh Họa Đồ, thuộc xã Đông Hưng B (H.An Minh, Kiên Giang), với khoảng 200 nóc gia, sống bằng nghề làm ruộng.

Cũng như bao trẻ em ở miệt rừng tràm U Minh Thượng này, hằng ngày trẻ em ở đây phải tham gia các công việc đồng áng phụ giúp gia đình. Chỉ khác một điều là ngoài giờ làm đồng, các em lại cùng nhau tập chạy, tập bơi. Vậy mà chỉ trong vòng 5 năm, các em đã giành đến 214 huy chương (HC) từ  các giải thi đấu thể thao trong tỉnh.

 

Các em tập bơi theo sự hướng dẫn của anh Nguyễn Quốc Phi - Ảnh: Hồng Cúc

Chạy chân đất

Người góp phần tạo nên kỳ tích ấy là Nguyễn Quốc Phi, Ủy viên thường trực Hội LHTN Việt Nam H.An Minh. Năm 2004, sau khi tốt nghiệp Đại học TDTT trở về, Phi  nảy sinh ý tưởng thành lập CLB TDTT cho thanh thiếu niên địa phương tham gia tập luyện.  Phi bắt đầu “chiến dịch” của mình bằng cách sau giờ làm việc, anh mặc đồ thể thao chạy vòng quanh các trục lộ trong xã, sau đó ra thị trấn rồi đến các xã lân cận. Kiên trì như thế đến ngày 23.6.2005, có 20 em ở ấp 11A, xã Đông Hưng B đăng ký tham gia CLB do Phi làm chủ nhiệm (gọi tắt là CLB 11A).

Đó là một CLB “3 không”: không nơi sinh hoạt, không nơi tập luyện và không có cơ sở vật chất. Bù lại, các thành viên CLB rất nhiệt tình, hễ “hô” một tiếng là tập hợp đầy đủ.  Phi dạy các em cách “làm nóng”, các động tác cơ bản chạy sức bền, nước rút rồi chia ra từng nhóm tuổi, độ dài; sau đó cứ hô “một, hai, ba” là…chạy! Đường chạy là con đường phía trước nhà, đoạn từ kinh Họa Đồ đến trung tâm xã. Buổi nào rỗi việc đồng áng thì tập lúc sáng sớm, khi vào mùa thì tập vào cuối buổi chiều. Điều đặc biệt là tất cả những VĐV ở đây không hề biết mang giày thể thao khi tập luyện cũng như lúc thi đấu. “Hằng ngày ra ruộng đi chân đất quen rồi, mang giày vô vướng chân lắm. Có lần đi dự giải việt dã ở tỉnh, em mang giày vô chạy chậm lại thấy rõ”, em Võ Hướng Tinh (16 tuổi) nói.

“Do cái gì cũng thiếu nên đến đợt tập trung đi thi đấu, các em không có bất cứ chế độ bồi dưỡng nào ngoài bữa cơm gia đình. Có em hàng ngày phải ăn cơm với rau muống chấm chao hay ăn tạm củ khoai lang, khoai mì lót dạ...” - Nguyễn Quốc Phi ngậm ngùi.

Ngoài dạy chạy, Phi còn dạy các em bơi. Ở đây hầu như em nào chạy giỏi thì bơi cũng giỏi.

Nhà nhà đều có “vàng”

Ngay lần đầu tiên tham gia một giải đấu thể thao cấp tỉnh (Giải việt dã leo núi Hòn Đất - 2005), các thành viên CLB 11A của Phi đã “rinh” về 7 HC, trong đó có 2 HCV, 2 HCB và 3 HCĐ. Đến Đại hội TDTT tỉnh Kiên Giang 2006, các em lại giành tiếp 4 HCV, 3 HCB và 3 HCĐ.  Cùng năm này, em Phạm Thị Trang một mình giành được 3 HCV, 1 HCĐ ở 4 cự ly việt dã Hội khỏe Phù Đổng... Từ đó, hễ   tham gia tranh tài ở giải nào trong tỉnh, CLB 11A cũng giành được HC.

Tại tuần lễ Văn hóa - thể thao thiếu niên nhi đồng hệ thống Nhà thiếu nhi tỉnh 2006, CLB 11A cử 10 em tham gia bơi lội, đoạt được tổng cộng 18 HC (7 vàng, 7 bạc, 4 đồng). Cũng tại giải này năm 2007, CLB cử 12 em tham dự, đoạt 18 HC các loại. Mới đây, tại giải chạy vì sức khỏe cộng đồng (ngày 3.7.2011), các thành viên CLB lại đem về 19 HC,  trong đó 5 HCV. Như vậy, tính từ ngày thành lập đến nay, CLB 11A của Nguyễn Quốc Phi đã đoạt được tổng cộng 214 HC, gồm: 88 vàng, 67 bạc và 59 đồng. Hầu như em nào đi thi cũng đều có HC; trong đó có em đoạt hơn chục chiếc.

Đằng sau những tấm HC

Chúng tôi đến thăm gia đình 2 anh em VĐV Nguyễn Văn Định và Nguyễn Văn Định Em. Khi đó, 2 anh em đang đi cấy lúa mướn, phải chờ một lúc lâu các em mới về tới. Để nguyên bộ quần áo ướt sũng, các em hào hứng kể về “chiến tích” của mình rồi đi gom một đống HC ra đếm. HC thì nhiều nhưng do “nhà dột, cột xiêu” nên các em cứ máng lung tung khắp đầu giường, vách nhà. Nguyễn Văn Định mới học đến lớp 8 đã phải nghỉ học theo mẹ cấy lúa mướn kiếm tiền đong gạo. Còn Định Em, 2 năm đoạt 6 HCV bơi lội cũng phải gác lại chuyện học vào năm rồi, khi vừa lên lớp 7. “Trước đây, mỗi lần dự giải em đều cố gắng hết mình để có HC, lấy tiền thưởng đem về cho mẹ. Nay thấy mẹ cực nhọc quá, em đành nghỉ học tiếp mẹ đi làm mướn. Nghỉ học rồi hổng biết anh Phi còn cho đi thi đấu không nữa?”, Định Em thật thà.

 

Nguyễn Văn Định Em ngồi đếm lại những chiếc huy chương - Ảnh: H.C

Trong khi đó, Chủ nhiệm Nguyễn Quốc Phi đang đôn đáo tìm nguồn tài trợ để duy trì hoạt động cho CLB. Anh nói: “CLB đi vào hoạt động hơn 5 năm, nhưng chưa có nơi để các em sinh hoạt, hội họp; cơ sở vật chất tập luyện cũng không. Hiện đã có người cho mượn đất, nhưng chúng tôi không đào đâu ra 15 triệu đồng để cất tạm trụ sở CLB cho các em sinh hoạt. Trong khi CLB đã có logo, mẫu áo và đã mở rộng ra các ấp ở 2 xã Đông Hưng B, Đông Hưng, thị trấn Thứ 11 và 11 trường THCS, tiểu học trên địa bàn huyện, với hơn 200 thành viên. Nếu được sự quan tâm của lãnh đạo và sự giúp đỡ vật chất của các mạnh thường quân, chúng tôi tin chắc phong trào rèn luyện sức khỏe của thanh thiếu niên vùng U Minh Thượng này sẽ ngày càng lớn mạnh”.

Hồng Cúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.