Xóm ve chai giữa Sài Gòn: Những ông bà cụ từng là F0 'bật dậy' sáng tối kiếm sữa cho cháu

09/11/2021 13:12 GMT+7

Dịch Covid-19 quét qua, cả xóm ve chai Sài Gòn thành F0. Sau 2 tháng, bà con vẫn chưa hoàn hồn vì nhiều lần mê man tưởng ‘chết đi sống lại’, người không vượt qua được cửa tử, người đi viện… Cuộc sống bình thường mới trở lại, thích nghi với đại dịch ai cũng mừng nhưng cũng đầy nỗi lo toan.

- Ông Dừa vô bệnh viện rồi chắc tiêu rồi quá. Giờ không biết ổng sống hay chết, ai cũng thấp thỏm chờ tin ổng.

- Ổng yếu quá mà, thấp thấp người. Xóm mình giờ còn thiếu mỗi tin tức của ổng. Ổng tám mấy rồi á.

- Gì ghê vậy, tưởng bảy chục thôi chớ. Thấy ổng còn chạy xe ôm giỏi mà.

Căn phòng trọ bốn vách tôn ở cuối dãy giáp bờ sông của ông Nguyễn Văn Dừa ở xóm ve chai (hay còn gọi xóm Ruộng, P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đóng cửa im ỉm suốt 2 tháng qua. Từ ngày xe cấp cứu đến đưa ông đi nhập viện vì là F0, ai cũng thấp thỏm. Mấy năm qua, ông sống một mình không thấy ai thân thích đến hỏi thăm.

Xóm ve chai lụp xụp đợt dịch vừa qua có đến 28 phòng trọ đều có F0

vũ phượng

Không chỉ ông Dừa, 28 phòng trọ ở xóm ve chai bất kể già, trẻ, trai, gái đều là F0, chỉ có đúng 3 người lúc xét nghiệm có kết quả âm tính được đưa đi cách ly riêng, còn lại điều trị tại nhà. Chưa bao giờ xóm ve chai yên ắng đến như vậy…

“Covid hành tưởng chết rồi”

Gọi là xóm ve chai vì có tới 90% người dân ở trọ tại đây làm nghề nhặt ve chai, số còn lại là thanh niên trai tráng làm bốc vác ở Bến xe miền Đông. Ở đây người quê gốc miền Bắc, miền Trung, miền Tây đủ cả, mọi người sống chan hòa, rành rọt hoàn cảnh của nhau.

Bà Phan Thị Ngò một thân một mình, không biết nên về quê hay tiếp tục ở lại Sài Gòn

Vũ Phượng

Trong những ngày TP.HCM bình thường mới, nhiều người dù có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng vẫn còn bị những dấu hiệu sau bệnh, chưa thể đi nhặt ve chai trở lại. Đeo khẩu trang ngồi trước phòng trọ, bà Phạm Thị Sơn (64 tuổi, quê Thái Bình) cho biết, xóm ve chai nhiễm Covid-19 được y tế phường đến phát thuốc liên tục. Sau đợt dịch, chỉ có bà Tư “què”, 73 tuổi là đi mãi, ông Dừa mất liên lạc, còn lại mọi người đều tương đối ổn định.

“Tôi bị Covid hành tưởng chết rồi, 4 ngày nằm vật vờ không ăn được, không ngửi thấy mùi gì. Hàng xóm và mọi người đều nghĩ tôi sẽ đi, mấy anh ở Bến xe miền Đông trước hay cho ve chai cũng gọi hỏi thăm suốt. Vậy mà đến ngày thứ năm tôi ăn được nước canh nóng, uống nước nóng và thuốc phường phát rồi đỡ dần dần. Sau mười mấy ngày xét nghiệm lại âm tính”, bà Sơn kể.

Lệ Thị Kim Hoa (63 tuổi) trong căn phòng chất đầy ve chai, không thể mở hết được cánh cửa. Bà Hoa cũng bị những trận “thập tử nhất sinh” vì Covid-19

Vũ Phượng

Mấy tháng trời thất nghiệp, rồi F0, bà Sơn cũng như nhiều gia đình khác trong xóm rơi vào cảnh nợ tiền trọ. May sao, chủ trọ vẫn thương, nói mọi người có nhiêu trả nhiêu. Biết xóm trọ nghèo, nhiều nhà hảo tâm cũng thường tới lui cho gạo, ít rau củ và cá khô. Nhờ vậy, họ vẫn cầm cự được qua ngày.

Cách phòng trọ của bà Sơn vài căn, ông Trần Đình Lợi (83 tuổi, quê Ninh Thuận) vừa cưa một phần chân vì biến chứng của bệnh tiểu đường ngồi trên giường, nhạc mở to. Đây là căn phòng do ông Lợi thục (*) với giá 50 triệu đồng – số tiền ông tích cóp sau nhiều năm vác nước ở Bến xe Miền Đông.

Ông Trần Đình Lợi (83 tuổi) thường ngày cũng rảo trên xe lăn đi nhặt ve chai

Vũ Phượng

Gần đây phải cưa chân, tuổi lại cao, ông ngồi trên xe lăn rảo rảo nhặt ve chai, bà con thương tình cho ông thêm chút tiền dằn túi. Vốn tính tiết kiệm, ông cũng chẳng dám ăn, gửi hết cho cô tổ trưởng nhờ giữ giùm, sau này có gì lo cho ông lúc ốm đâu, bệnh tật.

Căn nhà trọ cuối dãy đóng cửa im ỉm của ông Dừa

Vũ Phượng

Ngày 3 ca nhặt ve chai

Ngày nhận tin bà Tư “què” mất, cả xóm hoang mang tột độ vì nhà nào cũng có F0, mà lại toàn F0 mất hết mùi vị, nuốt không trôi nhưng ai cũng ráng gồng nuốt chút cháo trắng hoặc canh nóng cho ấm bụng.

Áp lực đổ lên vai bà Phượng khi vừa lo tiền trọ, tiền ăn uống vừa phải lo tã, sữa cho cháu vừa sinh

Vũ Phượng

Bà Nguyễn Thị Phượng (61 tuổi) ở trọ cùng con gái và 2 cháu. Đứa lớn 13 tuổi đi làm lặt vặt kiếm tiền về phụ bà đóng nhà trọ, đứa nhỏ nhất chỉ vừa đầy tháng. Ngày chuyển dạ vào viện cũng là ngày con gái bà có kết quả xét nghiệm dương tính. Tới nay cả nhà đã được về quây quần bên nhau, nhưng để lo sữa, tã cho cháu, mỗi ngày bà Phượng phải đi nhặt ve chai 3 ca: sáng, chiều, tối. Trong căn nhà trọ tôn rách khắp nơi, mái lủng nhiều ô nắng xuyên, mưa dột được che tạm bằng tấm bạt, nhìn cháu nằm ngủ ngon lành trên võng.

“Sữa của nó thì có cô ở xóm đi xin giúp giùm rồi. Tiền nhặt ve chai của tôi để lo cho nó, rồi tiền nhà trọ. Đợt rồi cô chủ trọ miễn tháng 8, tháng 9, nhưng tháng 10 này phải đóng đủ, có mệt mấy thì cũng phải đi. Mấy tháng trời ở nhà rồi”.

Bà Phượng nói

Dãy trọ ở xóm ve chai trải qua những ngày dịch căng thẳng

Vũ Phượng

Bà Phạm Ngọc Thúy sợ ông Lợi ở một mình không cơm nước đầy đủ nên nấu canh mềm mang qua

Vũ Phượng

May mắn hơn, bà Phan Thị Ngò (69 tuổi, quê Đồng Tháp) không là F0 nhưng phải đi cách ly 20 ngày tại Hóc Môn. Chồng, con đều đã mất, bà Ngò lủi thủi trong phòng trọ chừng 10m2 cùng 2 còn mèo ú nu. Thấy chuột bò lừ đừ trong nhà tắm, hai con mèo không thèm đuổi, bà thì “xùy” một tiếng rồi cũng mặc kệ vì đã quá quen cảnh này.

Hằng ngày, bà Ngò đạp xe vào các hẻm gần chợ Bà Chiểu, chợ Tân Định nhặt ve chai kiếm chút tiền lo thuốc men.

Cuộc sống đơn độc của bà Ngò có 2 con mèo bầu bạn

Vũ Phượng

“Có 2 đứa này vậy đó mà tối ngủ chuột bò ngang mặt, nhắm ai thương xin nó thì tui cho luôn để người ta nuôi rồi tôi về quê kiếm gì làm thuê. Ở trọ đây mưa là dột như ở ngoài luôn nhưng còn có chỗ chui ra chui vào. Mà về giờ cũng sợ phiền các cháu lắm, ở đây thì gạo có nhưng tiền không có, chẳng biết làm sao”, bà Ngò thở dài.

Ông Trần Quang Hải (66 tuổi, nhặt ve chai) phát hiện dương tính sau 3 ngày đi tiêm ngừa về

Vũ Phượng

Là tổ trưởng tổ dân phố nhưng không dùng smartphone, bà Thúy thường xuyên chạy qua nhà để giúp bà con xóm ve chai nhận hỗ trợ Covid-19

Vũ Phượng

Bà Phạm Ngọc Thúy (tổ trưởng tổ dân phố 31A, KP.3, P.26) cho biết xóm ve chai chủ yếu là người ở nơi khác đến thuê trọ để đi nhặt ve chai hoặc làm thuê bằng sức lao động, thu nhập thấp. Thời gian qua, cả xóm bị F0, một số nhà hảo tâm đến hỗ trợ thực phẩm giúp bà con vượt qua thời điểm khó khăn. Một số người chưa đăng ký tạm trú cũng được phường tạo điều kiện làm giấy xác nhận để nhận hỗ trợ. Đến nay, cuộc sống ở xóm ve chai đang dần ổn định trở lại.

(*) Thục nhà là dạng hợp đồng mà chủ nhà không lấy tiền thuê, song bù lại bên thuê nhà phải đưa cho chủ nhà một số tiền theo thỏa thuận không tính lời. Khi hết thời hạn hợp đồng, bên thuê trả nhà, bên chủ nhà trả lại tiền.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.