Theo đó mới đây, nhiều tài khoản mạng xã hội ào ạt chia sẻ hình ảnh của trăng tròn cuối tháng 4 có màu đỏ rực như máu. Kèm theo đó, là những thắc mắc về màu sắc của mặt trăng khiến nhiều người tò mò.
Trong đó, bài đăng của một người nước ngoài có tên Nick với ảnh chụp mặt trăng tại Đà Nẵng tối 25.4 gây chú ý với thắc mắc: "Các bạn đang nhìn thấy mặt trăng này ngay bây giờ? Đây là mặt trăng đỏ nhất mà tôi từng thấy, nhưng tôi không thể tìm thấy bất cứ điều gì về việc có mặt trăng máu tối nay".
Bên dưới bài đăng, cư dân mạng bất ngờ trước màu sắc đỏ rực của mặt trăng. Nhiều người cũng chia sẻ thông tin này vào các hội nhóm yêu thiên văn với cùng thắc mắc: "Tối nay, mình ở khu vực Phú Nhuận, TP.HCM, mình thấy trăng tròn, sáng đẹp. Nhưng tại sao ở Đà Nẵng trăng lại to và có màu đỏ thẫm như vậy? Có ai giải thích hiện tượng này dùm được không?”.
Xôn xao mặt trăng đỏ như máu ở Việt Nam dù không phải nguyệt thực: Vì sao?
Ngay sau đó, nhiều người cho biết mình ở các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Quảng Nam, Nghệ An... cũng nhìn thấy mặt trăng có sắc đỏ tương tự và thắc mắc về màu sắc "kỳ lạ" của mặt trăng cuối tháng này.
Trao đổi với Thanh Niên, anh D.T, ngụ Thái Bình cho biết từ ngày 22.4, anh đã thấy màu sắc mặt trăng có phần sậm hơn so với bình thường. Anh dùng điện thoại để ghi lại hình ảnh.
“Tối qua là đỏ nhất, trước đó là vàng nhạt, cam, vàng. Màu đỏ lần này của mặt trăng đỏ ngang với lần trăng máu hải ly mà tôi ngắm. Ngoài những lần nguyệt thực ra, chưa bao giờ tôi thấy mặt trăng đỏ như vậy. Khi mặt trăng lên cao, vẫn còn đỏ, đến khoảng 10 giờ tối mới bắt đầu nhạt dần", anh T. mô tả.
Lý giải thế nào?
Quan sát những hình ảnh được mạng xã hội chia sẻ, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cựu chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) cho biết khi ánh sáng từ mặt trăng, mặt trời đến mắt chúng ta sẽ phải đi qua bầu khí quyển của trái đất, và có hiện tượng tán xạ của các hạt phân tử khí, hạt bụt, hạt hơi nước trong bầu khí quyển với ánh sáng này.
Các ánh sáng có bước sóng ngắn như màu xanh da trời dễ bị tán xạ hơn các ánh sáng bước sóng dài như màu đỏ. Khi mặt trăng, mặt trời ở thấp dưới chân trời lúc bình minh hay hoàng hôn, ánh sáng từ các thiên thể này sẽ đi qua lớp khí quyển dày hơn và hiện tượng tán xạ xảy ra càng mạnh vì thế sẽ có màu đậm hơn với khi nó ở trên cao.
Đặc biệt nếu trong khí quyển có nhiều hơi nước, hoặc ô nhiễm khói bụi thì hầu hết ánh sáng bước sóng ngắn đều bị tán xạ chỉ có bước sóng dài, màu đỏ là đến được mắt ta.
"Vì thế đôi lúc ta thấy mặt trăng đỏ như máu, hay mặt trời đỏ ở phía chân trời, đó là dấu hiệu của bầu trời bị ô nhiễm không khí nặng hoặc do hơi ẩm nhiều. Như vậy, ô nhiễm không khí càng nhiều hoặc hơi ẩm càng cao thì màu sắc mặt trăng càng đỏ", Cựu chủ nhiệm HAAC lý giải.
Trăng Hồng tháng 4
Trăng tròn tháng 4 còn gọi là Trăng Hồng. Các bộ lạc người Mỹ bản địa đầu tiên gọi là Trăng Hồng vì nó đánh dấu sự xuất hiện của hoa phlox màu hồng rêu, hay hoa phlox đất hoang, một trong những loài hoa đầu tiên của mùa xuân. Như vậy, tên gọi Trăng Hồng xuất phát từ nguồn gốc nói trên, không phải do mặt trăng có màu hồng như một số người lầm tưởng.
Bình luận (0)