Xót lòng rừng cao su bạc tỉ ngã theo bão, dân đành lòng cưa bán gỗ

24/09/2020 20:36 GMT+7

Cơn bão số 5 càn quét tỉnh Thừa Thiên - Huế để lại nhiều hậu quả, trong đó làm “sụp đổ” thủ phủ cao su phía bắc tỉnh. Điêu đứng, bà con đang cưa rừng cao su bán gỗ tận thu , được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Người dân xã Phong Mỹ (H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bắt đầu đồng loạt tận thu cây cao su gãy, đổ để nhập cho doanh nghiệp đầu mối bao tiêu mà UBND xã này đã đạt được sau khi đàm phán thuận lợi.
Theo đó, một doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Trị đã đồng ý thu mua gỗ cây cao su gãy, đổ giúp người dân xã Phong Mỹ. Lãnh đạo xã cho biết việc khai thác vận chuyển, có thể người dân tự khai thác sau đó nhập cho công ty tiếp nhận tại khu vực trung tâm xã hoặc bán qua tư thương để nhập cho công ty này với giá thống nhất chung là cây cao su đổ gãy loại lớn 1,1 triệu đồng/tấn, cây cỡ nhỏ dạng cành củi 620.000 đồng/tấn.

VIDEO: Cây cao su ngã, khiến người dân khóc ròng

Người dân câu thân cao su tận thu bán cho doanh nghiệp chiều 23.9

ẢNH: Đ.T

Người dân tận thu gỗ cao su gãy, đổ bán vớt vác

ẢNH: Đ.T

Phong Mỹ là xã vùng gò đồi bán sơn địa của huyện Phong Điền. Đây cũng là thủ phủ "vàng trắng" ở phía bắc tỉnh Thừa Thiên - Huế với diện tích khoảng 1.400 ha cao su trong tổng số 1.700 ha cao su toàn huyện, tập trung chủ yếu ở vùng Khe Mạ.
Theo ước tính toàn xã có 700 ha cao su đang khai thác mủ bị gãy, đổ gần như hoàn toàn. Chủ tịch UBND Phong Mỹ Nguyễn Hữu Chung xót xa: “Với giá bán mủ hiện tại, mỗi ha cây cao su cho người dân thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm, như vậy mỗi năm chỉ riêng cây cao su, xã chúng tôi mất khoảng 56 tỉ đồng”.

Những cánh rừng cao su ở Khe Mạ gãy, đổ la liệt sau 20 phút bão quét qua

ẢNH: ĐÌNH TOÀN

Trong khoảng 15 năm trở lại đây, người dân xã Phong Mỹ, trong đó có hai bản vùng sâu có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, đã nhờ cây cao su mà thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Thế nhưng cơn bão số 5 quét qua trong chừng 20 phút sáng 28.9.2020 đã khiến bà con điêu đứng, nhiều người còn nợ ngân hàng từ vài chục triệu đến hơn cả trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Quý (48 tuổi, ở xã Phong Mỹ) cho biết ông đã vay ngân hàng khoảng 100 triệu đồng để trồng cao su, mới thu hoạch được một nửa chu kỳ của cây (chừng 6 năm) nhưng cơn bão số 5 đã quật gãy, đổ 70% diện tích. Bao toan tính cho 3 người con (học đại học, học lớp 11 và con út vào lớp 1) bỗng chốc thành bài toán nan giải.

Cây cao su bị gãy ngang thân chỉ có thể bán gỗ giá rẻ hoặc làm củi

ẢNH: ĐÌNH TOÀN

"Tui không biết giờ phải làm sao. Lên thăm rừng sau bão thấy cảnh này thì sững người luôn rồi", bà Hồ Thị Lệ bùi ngùi. Người phụ nữ một mình nuôi 6 người con ăn học, lớn khôn nhờ 1,5 ha cao su ở vùng Khe Mạ chua chát thấy cây cao su đã bị gãy đổ gần hết

ẢNH: ĐÌNH TOÀN

Người dân Phong Mỹ hiện chưa có phương án trồng loại cây gì thay thế cho hàng trăm ha cao su gãy, đổ. Chủ tịch UBND H.Phong Điền, ông Nguyễn Văn Bình, cho biết hiện huyện cũng đang xin ý kiến tỉnh về việc chuyển đổi cây trồng theo hướng bền vững và phù hợp với điều kiện thời tiết hơn đối với cây cao su tại Phong Mỹ. Tuy nhiên trước mắt huyện giao lãnh đạo xã tìm đối tác doanh nghiệp, tổ chức thu gom cao su bán cho đầu mối thu mua để giúp bà con giảm bớt thiệt hại. 

14 năm trồng, rừng cao su ông Quý tan tác sau 20 phút trong bão số 5

ẢNH: ĐÌNH TOÀN

Chưa biết đến khi nào những cánh rừng xanh bạt ngàn cao su này mới được tái tạo, hay được thay thế bằng loại cây trồng khác

ẢNH: Đ.T

Gỗ cao su bị gãy đổ đưa từ rừng ra tập kết chờ tư thương mang nhập bán cho doanh nghiệp

ẢNH: Đ.T

Ô tô tải và tư thương vào rừng sâu vận chuyển gỗ cao su đưa đi tiêu thụ giúp bà con

ẢNH: ĐÌNH TOÀN

Xe máy cày, cơ giới được huy động vào rừng vận chuyển gỗ cao su mang đi bán tận thu

ẢNH: ĐÌNH TOÀN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.