Ngay từ sáng sớm, tại nhiều điểm trên dọc tuyến QL 31 từ thành phố Bắc Giang về thị trấn Chũ (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) đã tấp nập ô tô, xe máy đến thu mua, vận chuyển vải đi nhiều vùng trong nước và xuất đi nước ngoài.
Đã mất giá...
Theo phản ánh của những người dân ở hai huyện Lục Nam, Lục Ngạn thì vụ thu hoạch vải năm nay tuy có muộn hơn năm ngoái chừng vài tuần lễ do thời tiết rét đậm, rét hại đợt đầu năm nhưng sản lượng lại tăng hơn nhiều so với năm ngoái.
Theo thông tin cập nhật đến ngày 30.6.2011 của Sở Công thương Bắc Giang, năm nay dự kiến sản lượng của toàn tỉnh ước đạt trên 200.000 tấn vải tươi, riêng hai huyện Lục Ngạn ước đạt 80.000 - 90.000 tấn và Lục Nam ước đạt 50.000 - 60.000 tấn.
Tuy sản lượng tăng mạnh so với năm 2010 nhưng theo khảo sát của chúng tôi tại các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang, giá vải hiện đã xuống rất thấp, trung bình từ 3.000 - 6.000 đồng/kg.
“Năm ngoái, giá lúc nào cũng bình quân từ 11.000 - 14.000 đồng/kg, sang năm nay thì đầu vụ còn được hơn chục nghìn chứ đến hiện giờ giá bình quân chỉ còn từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Nhà mình có 150 gốc, thu được khoảng 8 tấn, với mức giá thế này, trừ chi phí đi thì cũng chả còn là bao”, chị Nguyễn Thị Yến, người dân thôn Già Khê Núi, xã Tiên Hưng (huyện Lục Nam) cho hay.
Anh Đào Văn Tuấn, người thôn Chể (xã Phượng Sơn, Lục Ngạn) than vãn: “Với giá như năm nay bán một tạ vải trên xe này của mình mới được có 400.000 đồng, trừ công thuê người, chăm sóc, phân bón rồi thì tính ra lãi còn không đủ tiền mua được một cân thịt”.
“Còn nếu sấy trong 3 ngày, mất 1 khối than, giá 2 triệu đồng, 10 công thợ hết 1 triệu, 4 tấn vải tươi thì thu về được 1 tấn vải khô. Nhưng lãi hay lỗ từ vải khô này thì vẫn chưa biết được vì do Trung Quốc không nhập nên hiện cả thôn chỉ có nhà mình làm và làm cũng chỉ là để đỡ tiếc vải bán giá rẻ”, anh Nguyễn Văn Kiên, chủ một lò sấy vải ở Phượng Sơn than thở.
… còn bị “hành”
Không những vậy, tư thương liên tục ép giá xuống thấp, trừ khấu hao nhiều khi thu mua cũng làm không ít người nông dân trồng vải “đứng ngồi không yên”.
“Giá đã thấp rồi thế mà cứ mỗi tạ vải là họ lại trừ không 6 kg, rồi lại trừ bì đi cũng không dưới 3 kg. Hỏi thì họ bảo muốn cân thì phải trừ. Biết là ta mất đứt gần một yến nhưng không cân thì chả biết mang vải về làm gì nên đành vậy”, chị Hà Thị Hương, người dân thôn Chế (xã Phượng Sơn, Lục Ngạn) ngậm ngùi tâm sự.
“Chán cây vải lắm rồi chú ạ, gần 1,7 ha trồng vải 7 - 8 năm nay, mà năm mất giá chiếm đến 2/3 nên sau vụ này nhà tôi quyết chuyển bớt sang trồng keo, bạch đàn, tuy có lâu hơn một chút nhưng còn chắc chắn về giá và đầu ra”, bác Nguyễn Minh Xuyến, người dân xã Tiên Hưng (Lục Nam) chia sẻ với ánh mắt buồn.
Trao đổi với chúng tôi, cả hai ông trưởng thôn Già Khê Núi (Tiên Hưng, Lục Nam), Nguyễn Văn Cường và trưởng thôn Chế (Phượng Sơn, Lục Ngạn), Lê Văn Huyến chung ý kiến, cái khó khăn nhất đối với người trồng vải ở đây vẫn là đầu ra cho sản phẩm.
“Trong xã tuy có nhà máy chế biến thực phẩm của tỉnh nhưng lượng thu mua vào còn rất hạn chế nên cái cảnh người dân trồng vải những năm được mùa phải tự sản tự tiêu, rồi bị tư thương ép giá, ép cân là chuyện bình thường. Nên chúng tôi mong các cấp chính quyền ở trên cần có chính sách hỗ trợ cụ thể để tìm đầu ra cho sản phẩm vải, tránh cái cảnh bỏ thì thương mà vương thì tội”, ông Lê Văn Huyến, trưởng thôn Chế (Phượng Sơn, Lục Ngạn) nói.
Theo thông tin mà chúng tôi có được từ website lucngan.gov.vn thì trong ngày 25.6 vừa qua, tại Hà Nội, hội nghị quảng bá sản phẩm - xúc tiến thương mại cho vải thiều Lục Ngạn trên sàn kết nối cung cầu toàn quốc cũng đã được tổ chức. Và trên website bacgiang.gov.vn, chuyên trang đặc sản vải thiều Bắc Giang, cũng được xây dựng với mục đích quảng bá, giới thiệu sản phẩm vải thiều trên mạng internet.
Dưới đây là một số hình ảnh về việc thu hoạch vải tại tỉnh Bắc Giang:
|
Thành Chung - Đình Hậu
(thực hiện)
Bình luận (0)