Xu hướng nghề nghiệp trong tương lai: Tiền bạc chưa chắc đã giữ chân được người trẻ

25/05/2019 09:00 GMT+7

Tại một hội thảo diễn ra ở Trường ĐH Anh quốc Việt Nam, bà Vũ Hồng Thương, một chuyên gia về nguồn nhân lực đưa ra những nhận định về xu hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Mới đây, Trường ĐH Anh quốc Việt Nam (BUV) cùng với Trường quốc tế Liên hiệp quốc (UNIS) phối hợp tổ chức một hội thảo đặc biệt dành cho các nhà lãnh đạo và quản lý giáo dục tại Hà Nội về những xu hướng giáo dục tiên tiến, sự thay đổi nhanh chóng trong môi trường giáo dục và những nhu cầu đổi mới giáo dục trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm giúp học sinh sau khi rời ghế nhà trường có thể tận dụng được các cơ hội trong tương lai.
Ông Lê Ngọc Quang - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội tới tham gia và có bài phát biểu tại hội thảo
Ông Lê Ngọc Quang - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội tới tham gia và có bài phát biểu tại hội thảo
Một phần nội dung thú vị của hội thảo là chia sẻ của bà Vũ Hồng Thương, chuyên gia về nguồn nhân lực của Deloitte Consulting Vietnam (Dịch vụ tư vấn nguồn nhân lực), một mảng lĩnh vực hoạt động của Deloitte (1 trong 4 tập đoàn tư vấn lớn nhất thế giới, 3 “tên tuổi” còn lại là KPMG, EY, PwC).

Khi bạn đồng nghiệp của con người là rô bốt và trí tuệ nhân tạo

Bà Vũ Hồng Thương - Chuyên gia về nguồn nhân lực của Deloitte
Bà Vũ Hồng Thương - Chuyên gia về nguồn nhân lực của Deloitte
Trong phần chia sẻ của mình, bà Vũ Hồng Thương đã đưa ra bức tranh tổng quan về các xu hướng hiện tại và tương lai với những thách thức mà các doanh nghiệp và thị trường lao động phải đối mặt dưới tác động trực tiếp của những đổi mới của công nghiệp 4.0. Theo bà Thương, trước nguy cơ 70 - 80 % công việc hiện tại được dự báo sẽ biến mất và bị thay thế trong hai thập kỷ tới, người học thời hiện tại phải được chuẩn bị với những năng lực cốt lõi nhất định để phát triển trong một tương lai vô cùng năng động. “Khi nói về nguy cơ này, tâm lý chung của các giới trong xã hội là có phần lo lắng. Nhưng Deloitte lại có góc nhìn khác: dù thay đổi như thế nào thì con người vẫn là trung tâm của cuộc sống, chỉ có điều là chúng ta cần thay đổi chính chúng ta để nắm bắt cơ hội”, bà Thương nói.
Bà Thương cho rằng, một trong những điều mà thế hệ tương lai cần hiểu rõ, tới đây nguồn nhân lực không chỉ con người mà còn là trí tuệ nhân tạo và rô bốt, cả 3 cùng làm việc với nhau trong một môi trường làm việc chung. Con người sẽ phải cạnh tranh với rô bốt, với trí tuệ nhân tạo, chứ không phải có từng khu vực làm việc riêng khu biệt cho từng đối tượng.
“Vậy chúng ta còn lại cái gì để không bị đào thải, vẫn đồng hành cùng 2 “đồng nghiệp” kia?”, bà Thương đặt vấn đề rồi trả lời: “Ưu thế của con người là năng lực sáng tạo. Ở thời đại mà số hóa ngày càng nhiều hơn thì chúng ta càng phải “con người” nhiều hơn, nghĩa là càng phải nhiều cảm xúc hơn”.

Phải có cái giá trị khiến người trẻ có cảm hứng

Theo bà Thương, công việc ổn định là một thuộc tính trong thị trường lao động truyền thống, vì thế đây cũng là mục tiêu mà người lao động hướng tới khi đi tìm việc. Nhưng nếu giờ đây, ai đó vẫn tìm kiếm công việc ổn định nghĩa là họ đi ngược lại với xu thế thời đại. Trong tương lai sẽ ngày càng ít đi công việc mà mình có thể gắn bó trọn đời, đồng thời phát triển nhiều việc làm được thực hiện theo hợp đồng hoặc dự án ngắn hạn. Công việc thay đổi liên tục sẽ tạo cơ hội cho giới trẻ được lựa chọn việc làm theo sở thích, hoặc làm những gì mà tại thời điểm nhất định các bạn ấy thấy có hứng thú nhất. Đây là một thực tế mà cũng đòi hỏi sự thay đổi từ phía doanh nghiệp, họ phải sẵn sàng cho việc quản trị những người luôn có sự thay đổi.
Các diễn giả và người tham gia đã thảo luận nhiều chủ đề tại hội thảo
Các diễn giả và người tham gia đã thảo luận nhiều chủ đề tại hội thảo
Rồi bà Thương nhận xét : “Vậy các trường đại học chuẩn bị cho sinh viên của mình thế nào? Rõ ràng chỉ học một vài kỹ năng để phục vụ cho một nghề cố định nào đó là điều không nên làm. Trước đây người ta học một nghề sau đó chọn một nơi làm việc suốt đời. Giờ thì cả đời mình, con người sẽ cứ phải học để làm một việc gì đó”.
Bà Thương cũng gửi thông điệp có tính khuyến cáo tới các doanh nghiệp trước xu hướng chuyển đổi trong bản chất công việc sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới. Theo bà Thương, quản trị doanh nghiệp trước kia vì lợi nhuận là chính, còn bây giờ thì vì giá trị và mục đích phát triển với nhau là chính. “Khi mà vai trò của con người trong công việc được cá nhân hóa, nếu người lãnh đạo không chia sẻ được với người lao động thì họ không gắn bó. Một khi người lao động làm việc theo sở thích, theo hứng thú và họ không định gắn bó 20 năm cho một nơi nào đó, nếu chỉ trả lương bằng tiền thì đơn vị sử dụng lao động chưa chắc đã giữ được chân giới trẻ. Đơn vị tuyển dụng phải giá trị nào đó gợi lên niềm yêu thích của thế hệ mới thì họ mới thấy hấp dẫn để làm việc cho các bạn. Đó sẽ là một thay đổi rất cơ bản trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0”, bà Thương nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.