Xu hướng nguồn nhân lực ngành Công nghệ thực phẩm

18/07/2018 09:21 GMT+7

Sự hiểu biết ngày càng sâu rộng của khách hàng về dinh dưỡng thúc đẩy nền công nghiệp thực phẩm sáng tạo ra những sản phẩm mới có lợi hơn cho sức khỏe. Điều này cũng dẫn đến sự chuyển dịch về nhân lực của ngành.

“Nóng” về nhu cầu tuyển dụng
Cục xúc tiến thương mại Việt Nam ước tính người dân sử dụng 15% GDP cho tiêu thụ thực phẩm. Điều này, kết hợp với yếu tố dân số trẻ, đã làm cho thị trường thực phẩm Việt Nam trở nên rất tiềm năng. Việc các doanh nghiệp ngoại đầu tư ồ ạt vào Việt Nam trong thời gian qua là một ví dụ vô cùng rõ nét.
Khi “miếng bánh” thị phần trở nên khốc liệt, doanh nghiệp nội địa lẫn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều cần phải tự chuyển mình để chạy theo thị trường thực phẩm vốn thay đổi rất nhanh. Việc đầu tư vào yếu tố nhân lực cho phát triển sản phẩm nhiều khả năng sẽ trở thành giải pháp tiềm năng cho cuộc chạy đua thị phần này.
Trên những trang web tuyển dụng trong thời gian gần đây, có thể dễ thấy hàng ngàn thông tin tuyển dụng được đăng tải để tìm nhân viên nghiên cứu phát triển sản phẩm thực phẩm (R&D) ở nhiều vị trí khác nhau từ cấp cao đến chưa có kinh nghiệm. Những vị trí này rải đều khắp các kiểu doanh nghiệp từ công ty tư nhân vừa và nhỏ, tập đoàn quốc doanh đến các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cả các doanh nghiệp nước ngoài.
Vững chuyên môn, thành thạo kỹ năng mềm
Nhân lực R&D về thực phẩm có năng lực cần phải được đào tạo bài bản về cả kiến thức lẫn kỹ năng mới có thể thực hiện tốt công việc này. Chị Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển, Công ty cổ phần Thực phẩm Đông lạnh KIDO, có trên 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển cho biết “Sự sáng tạo là cốt lõi của R&D. Bên cạnh đó, nhân viên R&D phải được trang bị kiến thức vững vàng và khả năng tư duy ngay từ bậc đại học. Ngoài ra, ngoại ngữ tốt cũng là một điểm mạnh vì đó chính là chìa khóa để khai mở kho kiến thức toàn cầu”. Hiện tại nhiều chương trình đào tạo công nghệ thực phẩm bậc đại học ở Việt Nam rất chú trọng xây dựng nền tảng kiến thức vững chãi cho sinh viên và đã gặt hái được một số thành công nhất định.
Hơn nữa, bên cạnh kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm là một phần tất yếu của một nhân viên R&D thành công. Trên thực tế, anh Nguyễn Thái Thuận, quản lý phát triển nhân sự của tập đoàn AB Mauri tại Việt Nam nhấn mạnh rằng “Kiến thức là rất quan trọng. Kỹ năng nghiên cứu và khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu sẵn có vào thực tế công việc R&D tại doanh nghiệp cũng quan trọng không kém. Ngoài ra, các kỹ năng mềm như sắp xếp công việc, quản lý thời gian, thuyết trình, trình bày báo cáo, giao tiếp tốt, ngoại ngữ trôi chảy cũng là những điều mà nhà tuyển dụng mong đợi ở một sinh viên mới ra trường”. Hiện tại, việc đào tạo kỹ năng nói chung vẫn còn chưa được hiệu quả ở một số trường.
Những kỹ năng quan trọng nói trên có thể được đào tạo hiệu quả thông qua các môn học có tính khai phóng cho người học như tư duy phản biện, tâm lý học: khái niệm và ứng dụng, thành phố và đời sống đô thị… Bên cạnh đó, kỹ năng giao tiếp và những trải nghiệm giữa người và người còn được xây dựng thông qua phương pháp Service-learning - Học trong cộng đồng.
Những đại học nào có giảng dạy những môn kể trên hẳn sẽ đào tạo được những nhân viên R&D mẫn cán, phục vụ cho nền công nghiệp thực phẩm của Việt Nam và góp phần đưa nông sản của chúng ta ra thế giới.
Một nền công nghiệp thực phẩm giàu tiềm năng cần được xây dựng bởi những nhân viên R&D sáng tạo, hiệu quả và hiểu được cộng đồng. Các trường đại học tiến bộ đóng góp phần tối quan trọng cho xu thế này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.