Xu hướng nhập khẩu HLV tại Premier League: Lật thuyền trong mương

26/12/2015 08:26 GMT+7

Trong khi Crystal Palace là CLB mới nhất, và tới đây thêm Everton, rơi vào tay những ông chủ nước ngoài (Mỹ) thì Steve McClaren (Newcastle) cùng Sam Allardyce (Sunderland) có thể phải nhường vị trí HLV/quản lý cho một đồng nghiệp đến từ châu Âu.

Trong khi Crystal Palace là CLB mới nhất, và tới đây thêm Everton, rơi vào tay những ông chủ nước ngoài (Mỹ) thì Steve McClaren (Newcastle) cùng Sam Allardyce (Sunderland) có thể phải nhường vị trí HLV/quản lý cho một đồng nghiệp đến từ châu Âu.

HLV Allardyce đứng trước nguy cơ bị sa thải khi Sunderland đang đứng thứ 19 tại Premier League - Ảnh: AFP
Viễn cảnh mà Gary Lineker từng e ngại trong chương trình Match of the Day, rằng: “Sẽ có một ngày, tôi không thể dùng tiếng Anh để nói chuyện với họ (HLV/quản lý nước ngoài). Có lẽ, tôi cần một khóa học tiếng Esperanto”, có thể xảy ra trong tương lai ngắn.

Làng HLV/quản lý người Anh chưa bao giờ yếm thế đến vậy ngay trên sân nhà. Người về hưu, người cáo bệnh, người thất nghiệp và người sắp mất việc. Số lượng HLV/quản lý mang quốc tịch Anh chỉ còn là 4, nửa trong số đó là 2 cái tên được nhắc ở trên. 

Từng được mệnh danh là "con sói" tung hoành trên mọi đại dương, ngày nay, Greg Dyke, Chủ tịch FA, phải đối mặt với thách thức: Tìm cơ hội cho các “thuyền trưởng” mang quốc tịch UK ngay tại ao nhà!
HLV Wenger thừa nhận rằng Premier League cần những HLV nội để giữ bản sắc - Ảnh: AFP

Như lời Arsene Wenger nhấn mạnh, “các HLV/quản lý nước ngoài đem tới những ý tưởng mới, tư duy chiến thuật cách mạng và cùng với đó là những phong cách chơi bóng đột phá”; nhưng cũng chính HLV người Pháp, với gần 20 năm gắn bó cùng Arsenal, phải thừa nhận “Premier League cần giữ tỉ lệ 40- 50% người nước ngoài, nên có những người bản địa như Eddie Howe, không nên đánh mất bản sắc!”. 

Mùa trước, số lượng HLV/quản lý mang quốc tịch UK còn là 9 so với 22 vào 1992, và 14 khi Mourinho tới Chelsea (2004). Trong khi Premier League phát triển bền vững, trở thành giải đấu chất lượng/hấp dẫn nhất hành tinh, người Liên hiệp Anh càng ngày càng thấy mình ít có đóng góp vào sự thành công rực rỡ về thành tích chuyên môn, cũng như năng lực sản sinh của cải đó. 

Hòa chung vào xu thế nhập khẩu cầu thủ ngoại, tại Premier League tồn tại một xu thế “sính ngoại” khác: HLV/quản lý đội bóng. 
Không phải HLV ngoại nào cũng mang lại thành công, Pepe Mel là một ví dụ - Ảnh: AFP

Một đội bóng thường ở nửa dưới bảng xếp hạng, như West Brom, cũng từng phỏng vấn Luis Mendilibar (cựu HLV Osasuna), trước khi bổ nhiệm Pepe Mel làm “thuyền trưởng”, và thất bại thảm hại. 

Một HLV từng được xem là “kiến trúc sư” thiết kế hệ thống 4-5-1, có tính đột phá ở châu Âu và áp dụng thành công cho tuyển Na Uy như Egil Olsen cũng không bảo đảm thành công, khi dẫn dắt Wimbledon 38 trận thì thua tới 19 (7 hòa). 

Một tiền đạo như Ole Gunnar Solskjaer, thành công rực rỡ ở Man Utd, vô địch Champions League, Premier League, cúp FA, League Cup…, cũng thất bại trong việc giúp Cardiff trụ hạng vào cuối mùa. 

Vậy nhưng, cách nghĩ “cứ ngoại là thắng” vẫn chiếm ưu thế, một cách khó giải thích với chính người Anh! 

Bobby Robson, Glenn Hoddle từng kêu gọi các tài năng trẻ người Anh tự tạo cơ hội chơi bóng ở nước ngoài, Jose Mourinho phải khuyên các đồng nghiệp Anh quốc: “Hãy tìm cho mình vị trí ở một đội bóng lục địa!”. 

Nếu Watford từng bổ nhiệm Giuseppe Sannino, “gã du mục” Ý ở Serie A và B, trước khi thành công cùng Quique Flores, tại sao UK chỉ có 11 HLV đi ra châu Âu hành nghề, tính từ thập niên 80 tới nay? 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.