Xu hướng ra đề mở

19/05/2015 07:04 GMT+7

Nhiều đề kiểm tra học kỳ 2 vừa qua ở một số trường tại TP.HCM tạo điều kiện tối đa cho học sinh thể hiện được quan điểm và tư duy phân tích thực tế.

Nhiều đề kiểm tra học kỳ 2 vừa qua ở một số trường tại TP.HCM tạo điều kiện tối đa cho học sinh thể hiện được quan điểm và tư duy phân tích thực tế. Hướng ra đề này giúp giáo viên mạnh dạn hơn trong quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy.

Học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du trước giờ thi môn văn học kỳ 2 - Ảnh: Minh Luân
Học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du trước giờ thi môn văn học kỳ 2 - Ảnh: Minh Luân
Mang hơi thở cuộc sống
Đề kiểm tra môn địa khối 9 của Q.1 có một câu hỏi để học sinh (HS) nêu được những quan ngại, bức xúc về môi trường như: “Hãy nêu một vấn đề môi trường bức xúc nhất ở địa phương em đang sống và đề xuất hai giải pháp để giải quyết hoặc hạn chế tình trạng đó”.
Theo HS Nguyễn Hoàng Như Phương (lớp 9/2, Trường THCS Nguyễn Du, Q.1) khi vừa đọc câu hỏi này, em đã liên tưởng đến ngay vấn đề vứt rác bừa bãi ở khu phố mình. Khánh Ngân, HS lớp 9/8 của trường này, cũng cho rằng đề địa ra 4 câu nhưng HS phải hiểu bài mới làm được. “Em học bài nhiều lắm, nhưng để làm đề này không phải thuộc là đủ mà yêu cầu chúng em phải biết phân tích và vận dụng kiến thức đã học”, Ngân nói.
Đề thi văn khối 8 của quận này cũng đặt ra vấn đề về việc học vẹt, học tủ và chép văn mẫu. Đề có đưa ra một đoạn trích trong Luận văn thị phạm của Nghiêm Toản (SGK Ngữ văn 8, tập 2, trang 98): “... Sự học mà đã hạ xuống là học “tủ” thì chúng tôi không còn cần làm việc cùng các bạn nữa. Sao không có một “hãng” nào đó in ra độ 300 bài làm sẵn để HS cứ việc mang về học thuộc như con vẹt rồi đem nguyên văn chép lại cho hội đồng chấm thi duyệt xem chép sai hay đúng...” và yêu cầu HS viết đoạn văn nghị luận liên quan đến một trong các vấn đề: học vẹt, học tủ; chép văn mẫu, một thói quen của HS khi làm văn.
Theo cô Phùng Thị Ngọc Mai, giáo viên Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, Q.1, đề văn đã đề cập đến một thực trạng đang tồn tại trong HS: học vẹt, văn mẫu, học mà không cần hiểu. “Nhìn qua một số bài làm của HS, tôi thấy các em viết dễ thương. Có em đặt ra vấn đề nếu văn mẫu mang tính tiêu cực, gây hậu quả đối với HS thì sao người ta lại cho phát hành? Cũng có em nêu vấn đề HS nên có lối học chủ động, làm chủ kiến, còn các bài văn mẫu chỉ dùng để tham khảo”.
Theo cô Mai, từ việc đổi mới đánh giá trong học kỳ 1, giáo viên đổi mới được phương pháp dạy trong học kỳ 2, thay đổi cách đánh giá HS. Hình thức ra đề mới, đề mở giúp giáo viên mạnh dạn và chủ động trong thay đổi phương pháp giảng dạy, tránh lối mòn học vẹt, học tủ của HS.
Ứng dụng đổi mới ở môn tự nhiên
Việc đổi mới ra đề kiểm tra học kỳ cũng có trong đề thi các môn khoa học tự nhiên.
Đề kiểm tra môn hóa kỳ 2 lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1 đã vận dụng, tích hợp kiến thức ngoài xã hội. Câu 5 nêu: “Động Phong Nha - Kẻ Bàng ở tỉnh Quảng Bình là một trong những di sản thiên nhiên thế giới của VN. Những thạch nhũ tuyệt đẹp ở động Phong Nha - Kẻ Bàng đã góp phần thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế đến với Quảng Bình mỗi năm. Cùng với Phong Nha - Kẻ Bàng, đất nước ta còn có những hang động đá vôi tuyệt đẹp như động Hương Tích ở Mỹ Đức - Hà Nội, hang Bồ Nông ở vịnh Hạ Long - Quảng Ninh. Phản ứng nào sau đây giải thích quá trình tạo thạch nhũ? Câu 7 nêu: Dự án luyện nhôm Đắk Nông là dự án luyện nhôm đầu tiên của VN và do một doanh nghiệp tư nhân trong nước trực tiếp đầu tư nên có vai trò rất quan trọng không chỉ với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Đắk Nông, mà còn với cả nước nói chung. Hãy cho biết nguyên liệu chính dùng để sản xuất nhôm là nguyên liệu nào sau đây? Câu 28 ghi: Trong những tháng vừa qua, báo chí đưa tin nguồn phóng xạ của Nhà máy thép Pomina 3 - Bà Rịa-Vũng tàu đã bị thất lạc, các nguồn phóng xạ có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống con người. Nếu phát hiện một thiết bị có khả năng chứa nguồn phóng xạ thì chúng ta sẽ quan sát trên thiết bị có ký hiệu nào sau đây?
Theo thầy Nguyễn Hùng Khương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, việc thay đổi cách đánh giá, cách ra đề sẽ giúp giáo viên thay đổi được phương pháp giảng dạy. Đồng thời, việc sáng tạo ra đề ở môn hóa, mục đích là nhà trường muốn đưa hơi thở cuộc sống, kiến thức xã hội để HS cảm thấy thích thú và thấy thực tế. Thầy Lê Thành Thái, Hiệu trưởng Trường trung học thực hành (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), cho biết trường cũng đã từng bước đổi mới trong việc ra đề ở môn toán. Ví dụ như đưa cách tính tiền taxi để yêu cầu HS vận dụng vào các dạng bài giải tích tổ hợp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.