Tài chính, ngân hàng sẽ cần chất hơn lượng
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Navigo Search - chuyên tuyển dụng nhân sự cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cho rằng công tác dự báo và đào tạo hiện nay không có sự gắn kết chặt chẽ. Công tác dự báo thường là các báo cáo đi sau nên dẫn tới tình trạng thừa vẫn thừa, mà thiếu vẫn thiếu.
|
Có thể thấy rõ nhất trong các nhóm ngành kinh tế: tài chính, ngân hàng, chứng khoán. “Người Việt Nam thường có xu hướng thích chạy theo đám đông. Những năm trước, ai cũng nghĩ phải cho con cái theo học ngành đó. Kết quả, sau một thời gian phát triển nóng, gần đây có hiện tượng cắt giảm, tái cơ cấu lại lao động. Trong khi đó, có những doanh nghiệp sản xuất tìm mỏi mắt không ra kỹ sư, công nhân lành nghề. Rõ ràng ở Việt Nam công tác dự báo yếu kém, dẫn tới sự định hướng lệch trong lựa chọn ngành nghề”, bà Vân Anh nói.
Về xu hướng các ngành kinh tế, bà Vân Anh nhận định, tài chính, ngân hàng đang trong giai đoạn bão hòa. Nhưng về dài hạn, đây vẫn là ngành rất quan trọng và là xương sống của nền kinh tế. Tuy nhiên, sau thời gian phát triển nóng về lượng, trong ngắn hạn 2015 sẽ phát triển về chất. Sẽ không có tuyển dụng ồ ạt như thời gian vừa qua, không phải thích học ngân hàng, có bằng ngân hàng sẽ làm việc trong ngành ngân hàng. Phải là người có khả năng, kỹ năng làm bài bản, sở trường thiên hướng làm ngân hàng mới có cơ hội trụ lại ở ngành này. Những ai không có chất sẽ bị đào thải.
Ngành sản xuất và tiêu dùng phát triển bền vững
Về xu hướng ngành nghề dài hạn, phát triển bền vững vẫn phải là ngành sản xuất và tiêu dùng. Bà Vân Anh khẳng định: “Đây là những ngành phát triển bền vững không nóng, không nhanh như tài chính ngân hàng, nhưng với chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chính sách ưu đãi cho các nhà sản xuất, cộng với dân số Việt Nam trẻ nên thị trường tiêu thụ rất lớn. Chưa nói Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu ngành hàng này ra nước ngoài”. Bà phân tích tiếp: “Khi nói đến sản xuất tiêu dùng, đương nhiên họ cần người có tay nghề, những thợ kỹ thuật lành nghề. Thay vì học đại học với những ngành phát triển “nóng” như: tài chính, kế toán; các bạn trẻ hãy suy nghĩ xem mình phù hợp với hướng phát triển nào. Học nghề cũng tốt, nếu mai sau ai đó trở thành thợ lành nghề sẽ được trọng dụng”.
|
Bên cạnh đó, bà Vân Anh dự báo du lịch Việt Nam nhiều tiềm năng phát triển thành ngành công nghiệp không khói. Nhân sự trong ngành dịch vụ vẫn chưa được đào tạo bài bản.
Ngoài ra, theo xu hướng chung của thế giới, công nghệ của tương lai phát triển năng lượng sạch, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo, năng lượng nguyên tử, vũ trụ... Đây là những ngành Việt Nam cũng có thế mạnh phát triển và phát triển dài hơi.
Công nghệ, kỹ thuật, kiến trúc, xây dựng nhu cầu cao
Theo dự báo của Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong giai đoạn từ năm 2011-2015, nhu cầu nhân lực tại TP.HCM mỗi năm cần khoảng 265.000 lao động. Nhưng tại địa bàn này, tổng số sinh viên các trường ĐH-CĐ tốt nghiệp ra trường hằng năm từ 55.000-60.000 người, trong đó các ngành nghề chuyên môn kỹ thuật chiếm 40%, quản lý - nghiệp vụ chiếm 60% tổng số ngành nghề được đào tạo.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc trung tâm, các ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao thuộc khối ngành công nghệ, kỹ thuật, kiến trúc, xây dựng. Điển hình như: dệt may - giày da chiếm 35%; xây dựng - kiến trúc chiếm 11%; công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông chiếm 11%... Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, số lượng đào tạo các khối ngành này hiện tại thấp hơn nhiều so với nhu cầu.
Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, cho biết: “Khối ngành kiến trúc tại TP.HCM chỉ có một số trường đào tạo, như ĐH: Kiến trúc, Bách khoa, Văn Lang, Quốc tế Hồng Bàng… với tổng chỉ tiêu đào tạo khoảng 300 sinh viên/năm. Còn ngành xây dựng gồm 12 trường ĐH - CĐ ngoài công lập và các trường ĐH: Giao thông vận tải TP.HCM, Giao thông vận tải (CS2), Bách khoa, Tôn Đức Thắng, Sư phạm kỹ thuật… thì mỗi năm đào tạo được khoảng 2.000 người”.
Riêng khối ngành dệt may, giày da tại TP.HCM có các trường đào tạo như ĐH: Công nghiệp thực phẩm, Công nghiệp, CĐ Công thương, CĐ Kinh tế - kỹ thuật Vinatex với tổng chỉ tiêu khoảng 800. Khối ngành công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông của các trường tại TP.HCM hằng năm được khoảng 8.000 người.
Nhu cầu nhiều ngành nghề thay đổi Từ năm 2011, việc làm trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản bắt đầu có chiều hướng giảm. Từ 23 triệu lao động xuống còn 22,5 triệu vào năm 2015 và sẽ ở mức 21,1 triệu vào năm 2020. Những ngành hiện đang có tỷ lệ việc làm rất cao nhưng tới năm 2015 sẽ có xu hướng giảm, gồm: khai khoáng, công nghiệp chế biến - chế tạo, sản xuất phân phối điện, khí đốt, cung cấp nước, xây dựng, vận tải và kho bãi, khách sạn, nhà hàng, thông tin, truyền thông, giáo dục, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, nghệ thuật và vui chơi giải trí. Trong đó, ngành có tỷ lệ giảm cao nhất là khai khoáng từ 10,6% năm 2011 xuống còn 9,6% năm 2015. Các ngành có nhu cầu việc làm tăng cao nhất là hoạt động Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ... Tiếp đến là tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động kinh doanh bất động sản; khoa học công nghệ; làm thuê trong các hộ gia đình; các tổ chức quốc tế và các hoạt động dịch vụ khác... Tuy nhiên, về dài hạn, những ngành này lại giảm mạnh, khoảng 50% việc làm vào năm 2020. Trong khi ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tăng gấp đôi số việc làm từ 1,2% lên 2,3%. Thu Hằng |
T.Hằng - M.Luân
>> Thị trường lao động cuối năm
>> Chấn chỉnh để giữ thị trường lao động Malaysia
>> Khó hòa nhập thị trường lao động sau khi đi xuất khẩu về
>> Thị trường lao động cần tay nghề cao
>> Thị trường lao động Mỹ cải thiện, Phố Wall phục hồi
>> Chuyển dịch lớn trên thị trường lao động, việc làm
>> Nguồn cung của thị trường lao động Việt Nam hụt cả lượng và chất
Bình luận (0)