Xử lý 9 ngân hàng yếu kém

09/06/2012 03:30 GMT+7

Tại phiên thảo luận về đề án tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế hôm qua, vấn đề nổi cộm, được các đại biểu (ĐB) tập trung là hiệu quả làm ăn của các tập đoàn - tổng công ty và hệ thống ngân hàng thương mại.

>> Mặt trận lòng dân chống tham nhũng
>> Cần thiết phải tái cơ cấu nền kinh tế

Giải trình về Đề án tái cơ cấu các ngân hàng thương mại (NHTM), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, cho biết đề án tái cấu trúc hệ thống NH được trình Bộ Chính trị vào tháng 3.2012 và đã được Thủ tướng thông qua.

 Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng trọng tâm là nâng cao tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng với DN khác trong hoạt động của tập đoàn - tổng công ty - Ảnh: Ngọc Thắng

Mỗi tuần xử lý 2 ngân hàng

Cụ thể ngay trong năm nay, NHNN đã và đang triển khai cơ cấu lại với trọng tâm hướng vào xử lý các NH đặc biệt yếu kém. Bước đi đầu tiên đã hoàn thiện bằng việc thanh tra toàn diện, kiểm toán độc lập 9 NH cổ phần yếu kém. Tuần vừa qua, Thường trực Chính phủ đã thông qua phương án giải quyết 2 NH. Trung bình, mỗi tuần tiếp theo sẽ xử lý 2 NH, đảm bảo tháng 6 này sẽ giải quyết toàn bộ.

“Đối với 9 NH này, trên cơ sở thanh tra, kiểm toán phương châm đầu tiên cho tự xử lý, nếu không đưa ra được phương án, NHNN mới tiến hành tham gia. Đến nay các tổ chức tín dụng đều tự khắc phục, kêu gọi nhà đầu tư mới, tìm đối tác kịp thời hợp nhất, sáp nhập”, ông Bình nói. Đối với nhóm thứ 2, tức các NH vẫn đang hoạt động bình thường, nhưng cần nâng cao năng lực và quy mô sẽ được hoan nghênh, khuyến khích.

Về nguồn lực, theo ông Bình, sẽ kêu gọi mọi thành phần kinh tế và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào tái cấu trúc. Hiện đã có rất nhiều đơn vị đăng ký, nhưng NHNN sẽ ưu tiên nhà đầu tư trong nước trước. Nếu không có nhu cầu, mới kêu gọi bên ngoài. Ngoài ra, nhà nước sẽ can thiệp theo 2 cách, một là NHNN góp vốn mua cổ phần tại các tổ chức tín dụng, tham gia quản trị, điều hành khôi phục lại, sau đó kêu gọi các tổ chức mua lại, thoái vốn. Thứ hai là thành lập công ty mua bán nợ, mua bán và xử lý nợ xấu, sau đó bán lại, thu hồi vốn và thậm chí có lãi.

"Đại phẫu" doanh nghiệp nhà nước

ĐB Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) nêu ra con số thống kê đầu tư ngoài ngành tại riêng 21 tập đoàn - tổng công ty lên tới khoảng 20.000 tỉ đồng nhưng lại vô cùng thiếu hiệu quả. Nhưng vấn đề ông lo ngại hơn là việc thoái vốn, rút vốn khi tái cơ cấu nếu không giám sát sẽ gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Được QH mời giải trình thêm, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ nói hiện nay Bộ đang triển khai 2 đề án hợp phần gồm Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm tập đoàn - tổng công ty và tái cơ cấu thị trường tài chính (chứng khoán, bảo hiểm). Các đề án trên bước đầu được trình Chính phủ và Bộ Chính trị xem xét. Lần này cơ cấu lại theo đuổi 2 mục tiêu chính, thứ nhất nhằm nâng cao năng lực hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; thứ hai nâng cao năng lực tài chính. 

Giải pháp thực hiện gồm có 4 nhóm, DNNN chỉ hoạt động trong lĩnh vực quan trọng, then chốt đảm bảo cân đối lớn, cân đối vĩ mô và an ninh. Cụ thể, DNNN được chia làm 4 loại: loại 1 giữ 100% vốn nhà nước, loại 2 giữ 75%, loại 3 từ 51% đến 65% và loại 4 không cần thiết giữ vốn. “Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất vẫn là phải đa dạng hóa, đẩy mạnh cổ phần. Nâng cao tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng với DN khác trong hoạt động của tập đoàn -tổng công ty. Đây là trọng tâm, căn bản”, ông Huệ nói.

Về nguồn lực để tái cơ cấu, ông Huệ cho biết sẽ trông cậy vào Quỹ sắp xếp và phát triển DNNN, trong đó có nhiều quy định đổi mới về thu chi. Nếu trước kia quỹ này chỉ có 3 nguồn thu, nay tăng lên 7 nguồn dùng để chi bổ sung, chi cấp vốn điều lệ cho DNNN, đầu tư bổ sung thêm vốn, tăng tỷ lệ phần vốn nhà nước khi tham gia cơ cấu. Ngoài ra, Bộ cũng đang xây dựng cơ chế cho thành lập công ty mua bán nợ tư nhân, theo mô hình của công ty mua bán nợ nhà nước (DATC) tham gia mua, bán và xử lý nợ tại các DNNN. Bên cạnh đó, huy động thêm các nguồn từ cổ đông chiến lược nước ngoài, vay ODA.

Phân bổ lại nguồn lực một cách hiệu quả

Trong bối cảnh hiện tại với yêu cầu phải tập trung nguồn lực vốn không dồi dào, ngoài việc đảm bảo vận hành của nền kinh tế, chúng ta phải giải quyết các vấn đề thuộc về thể chế để đảm bảo hiệu quả phân bổ nguồn lực, vì tái cơ cấu nền kinh tế về mặt nguyên tắc chính là phân bổ lại nguồn lực một cách hiệu quả. Một số vấn đề cần phải được đặt ra một cách rõ ràng và cấp bách như sau.

 Anh Nguyễn Đắc Vinh
Ảnh: Ngọc Thắng

Thứ nhất, với 3 tuyến tái cơ cấu ưu tiên mà Chính phủ đã đặt ra trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, vai trò của đầu tư công phải xác định là dẫn dắt nguồn lực chảy vào đâu mà hạt nhân của đầu tư công là hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN. Việc phân bổ nguồn lực cho khu vực này sẽ đóng vai trò quan trọng vì nếu sai sẽ gây méo mó thị trường. Cần phải có sự công bằng thực sự để nguồn lực của đất nước sẽ tập trung đúng vào nơi quản lý hiệu quả hơn, tạo ra nhiều giá trị và việc làm hơn trên cơ sở góp vốn đầu tư. Thứ hai, giải quyết được mối tương quan giữa các nhóm lợi ích, bởi tái cơ cấu chính là thay đổi lại các nhóm lợi ích, thay đổi cấu trúc quyền lực và cơ chế phân bổ nguồn lực. Để thực hiện tốt các nội dung này cần đặc biệt quan tâm tới các tuyến quan hệ, gồm:

Quan hệ cấp trung ương, đó là quan hệ giữa Chính phủ, các bộ, ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa các bộ dưới sự lãnh đạo của Chính phủ. Quan hệ giữa Chính phủ và các tập đoàn kinh tế nhà nước. Quan hệ giữa cấp trung ương và địa phương, cấp vùng. Nếu không có sự thống nhất giữa các cấp chính quyền này thì việc thực hiện tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế sẽ khó khăn tương tự như việc thực hiện các chiến lược phát triển quốc gia, phát triển vùng như đã thấy trong thời gian vừa qua.

(Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh - ĐBQH tỉnh Đắk Nông)

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.