Xử lý các hành vi tiêu cực trong thi hành pháp luật

Mai Hà
Mai Hà
31/07/2024 06:28 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Đây là hội nghị đầu tiên của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong triển khai thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội.

Sáng 30.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Đây là hội nghị đầu tiên của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong triển khai thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội.

Báo cáo cho biết, Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ về xây dựng, hoàn thiện thể chế. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 28 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua trên 60 luật, nghị quyết; ban hành hơn 380 nghị định; Thủ tướng đã ban hành gần 90 quyết định quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, Quốc hội đã có nhiều văn bản quan trọng, nhiều chính sách mới, đột phá, góp phần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, như luật Đất đai, luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản và luật Các tổ chức tín dụng, luật Đường bộ… Về tổ chức triển khai, Chính phủ, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các địa phương, chấn chỉnh tình trạng "tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, làm cho pháp luật, nghị quyết chậm được thực hiện và hiệu quả thấp".

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng xây dựng thể chế và khái quát "5 tạo lập" với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước: tạo lập cơ sở pháp lý để kiến tạo, phát triển năng lực các chủ thể, phát huy đúng vai trò của từng chủ thể; tạo lập cơ chế, chính sách huy động và phân bổ mọi nguồn lực. Điều tiết hài hòa lợi ích phát triển giữa các chủ thể; tạo lập "sân chơi" lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, phù hợp, hiệu quả đối với các chủ thể trong từng lĩnh vực; tạo lập khung khổ pháp lý phù hợp để hội nhập quốc tế có hiệu quả cao, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; tạo lập cơ chế vận hành, kiểm soát có hiệu quả, khắc phục, phòng ngừa các rủi ro, tiêu cực.

Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác này như quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn quá nhiều tầng nấc, làm chậm tiến độ ban hành và tổ chức thực hiện; tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành...

Về định hướng, nhiệm vụ thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu khẩn trương xây dựng, ban hành, trình ban hành 121 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 7 để kịp thời có hiệu lực cùng với luật, nghị quyết. Chuẩn bị kỹ để thực hiện các chính sách, quy định mới có hiệu lực sớm hơn so với hiệu lực chung của luật. Phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thi hành pháp luật; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.