Xử lý cảm sốt, táo bón... tại nhà

20/09/2010 11:31 GMT+7

Gọi là rối loạn thông thường vì chỉ cần chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng thích hợp tại nhà, kết hợp một số biện pháp chữa trị không dùng thuốc hoặc dùng thuốc (đúng liều lượng, chỉ định) là có thể cải thiện được.

Nếu khoảng 3-5 ngày các rối loạn này không cải thiện, bạn nên đến bác sĩ khám bệnh.

Cần xử lý thế nào khi gặp rối loạn thông thường?

Ở đây xin đề cập các rối loạn thường gặp: cảm sốt, khó tiêu đầy bụng, nôn ói, tiêu chảy, táo bón.

1. Cảm sốt: cảm sốt thường do cảm cúm là rối loạn thường gặp. Có hai triệu chứng thường gặp kèm với cảm cúm là sốt và đau nhức, đặc biệt là nhức đầu.

Đối với trẻ, có thể hạ sốt bằng giải nhiệt ngoài da như sau:

- Để bệnh nhi nằm chỗ thoáng mát (nhiệt độ nơi nằm phải thấp hơn nhiệt độ cơ thể 5-6OC và nhớ tránh gió lùa).

- Cho bệnh nhi mặc quần áo mỏng, thoáng (tránh thói quen ủ, trùm nhiều chăn mền).

- Lau bằng nước ấm (30-32OC, nước có nhiệt độ vừa phải chứ không phải nước quá lạnh, nước đá). Nhúng khăn và lau toàn thân bệnh nhi.

Lưu ý: để giảm đau, hạ sốt, đặc biệt trị nhức đầu, nhiều người thường tự uống aspirin hoặc paracetamol. Paracetamol được xem là tương đối an toàn, tuy nhiên dùng quá liều có thể hại gan, còn aspirin gây nhiều tác dụng phụ. Lưu ý không được dùng aspirin khi nghi ngờ sốt xuất huyết. Phụ nữ có thai và trẻ em cũng không nên dùng aspirin.

2. Khó tiêu đầy bụng: là triệu chứng cảm thấy no hơi, nặng bụng, khó chịu do có sự tích khí trong đường tiêu hóa hoặc do tiêu hóa không tốt, thức ăn bị ứ đọng ở dạ dày.

Trước khi tính chuyện dùng thuốc, bạn nên lưu ý mấy điều sau:

- Quan tâm đến cách ăn uống như ăn chậm, nhai kỹ; tạo không khí thoải mái trong bữa ăn; tránh dùng các thực phẩm gây chứng khó tiêu (như thức ăn chiên quá nhiều dầu mỡ); không lạm dụng rượu, cà phê, thuốc lá, gia vị gây kích thích.

- Có thể dùng gừng giã nhỏ lấy nước hòa với nước ấm uống.

- Nếu trong ít ngày tình hình không cải thiện, bạn nên đi bác sĩ khám bệnh. Đặc biệt, người trên 45 tuổi càng nên đi khám để tầm soát các bệnh hay mắc ở người cao tuổi.

3. Nôn ói: buồn nôn và nôn là triệu chứng của nhiều rối loạn và do nhiều nguyên nhân gây ra.

Những nguyên nhân gây ra buồn nôn, nôn có thể kể: ngộ độc thực phẩm (nôn được xem là phản ứng cần thiết loại chất độc khỏi cơ thể), thai nghén (nôn xảy ra trong mấy tháng đầu thai kỳ), dùng thuốc (thuốc trị ung thư gây nôn mửa rất nặng), do say tàu xe, máy bay. Có thể giảm bớt sự kích thích đưa đến say tàu xe, máy bay bằng cách: ngồi ở chỗ thoáng mát, đầu tựa nơi cố định, không đọc sách báo hoặc nhìn các vật di chuyển bên ngoài (nhắm mắt là tốt nhất), đắp khăn mát lên trán, không ăn uống quá no... Ngậm gừng để phòng chống nôn, say tàu xe.

4. Tiêu chảy: là tình trạng đi tiêu nhiều lần trong ngày và lỏng (phân có khi chỉ là nước) do ruột tăng cường sự co thắt và nước không hấp thu qua niêm mạc ruột vào máu mà bị thải ra ngoài. Được kể là tiêu chảy cấp khi tình trạng tiêu chảy tồn tại trong hai tuần, còn tiêu chảy mãn kéo dài trong thời gian lâu hơn và có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng.

Tiêu chảy cấp gây mất nước và chất điện giải nên trong điều trị, đặc biệt đối với trẻ em, vấn đề hàng đầu được đặt ra là bù nước và chất điện giải. Trước khi tính chuyện cầm tiêu chảy hãy dùng gói Oresol (cần đọc kỹ và làm theo hướng dẫn sử dụng).

Trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, chất độc, dùng thuốc cầm ngay tiêu chảy không có lợi, cần tống chất độc ra khỏi cơ thể.

5. Táo bón: có thể không gây hậu quả nghiêm trọng trước mắt nhưng lâu dài người bệnh thường bị nhiễm độc (biểu hiện thường xuyên nhức đầu, mệt mỏi, biếng ăn), nhiễm khuẩn và có thể mắc bệnh trĩ.

Táo bón thường do sai lầm trong ăn uống (ăn thiếu chất xơ sợi, uống ít nước), ít vận động (làm nghề ngồi nhiều); thói quen đại tiện xấu (thường xuyên nín nhịn khi mót đi tiêu); do thuốc: thuốc chứa opium, thuốc kháng acid trị viêm loét dạ dày - tá tràng, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống tiết cholin, thuốc trị Parkinson...

Bạn có thể ăn nhiều chất xơ sợi hơn (rau cải, hoa quả); uống nhiều nước (1,5-2 lít nước, thêm nước cam, nước chanh); tái huấn luyện phản xạ đại tiện (đi đại tiện đúng giờ cố định).

Thuốc trị táo bón có loại ít tác dụng mạnh, ít tác dụng phụ (tạo khối như parapsyllium, thẩm thấu như duphalac, forlax, sorbitol, bơm hậu môn như rectiofar); hoặc loại kích thích như bisacodyl tác dụng mạnh nhưng có tác dụng phụ.

Khi nào cần đi bác sĩ?

Chỉ dùng thuốc trị rối loạn thông thường 3-4 ngày, nếu triệu chứng không đỡ hoặc đỡ nhưng tái phát phải đi khám bác sĩ. Riêng trẻ em nên lưu ý:

Cảm sốt: cần đưa trẻ đi bệnh viên hoặc đến bác sĩ khám khi:

- Sốt nhẹ nhưng kéo dài ở trẻ, có thể bị lao nhiễm, bị bệnh về máu...

- Sốt cao (39OC trở lên) kèm theo một triệu chứng, như trẻ bị sốt xuất huyết kèm theo sốt cao còn có các vết bầm tím, chấm xuất huyết ngoài da hoặc đau bụng; hoặc trẻ có thể bị viêm phổi nếu sốt cao kèm theo thở khó, ho.

Tiêu chảy: nếu trẻ bị tiêu chảy có kèm theo sốt, nôn ói kéo dài (quá bốn lần trong một giờ), quá mệt, có dấu hiệu mất nước nặng, phân có lẫn đàm máu, tiêu chảy quá nhiều, cha mẹ không nên tự ý trị tại nhà mà cần đưa trẻ đến bệnh viện.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.