“Xe quá tải có dấu hiệu nhờn thuốc, ngày càng tinh vi hơn ngay chính tại các cảng nội địa, kho hàng, khu công nghiệp”, ông Thanh nói và cũng chỉ ra về thủ tục cấp giấy phép vận chuyển hàng siêu trường siêu trọng, có nhiều sở GTVT thủ tục cấp còn kéo dài, gây phiền hà cho doanh nghiệp (DN). Trong khi đó, thời hạn giấy phép quá ngắn (3 tháng) khiến DN phải chạy đổi thủ tục, tốn kém đi lại.
Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải VN cũng kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ tiếp tục xây dựng kế hoạch liên ngành giữa công an và thanh tra GTVT để xử lý triệt để xe quá tải. Nếu lực lượng CSGT không tham gia thì cho phép thanh tra GTVT có thẩm quyền để xử lý xe quá tải. “Theo quy hoạch tới năm 2020 có 28 trạm cân, chúng ta phải làm khẩn trương để bảo vệ đường sá. Tất cả các trạm thu phí đều phải có trạm cân. Xe quá tải chạy làm đường hỏng thì các địa phương phải chấp nhận sửa chữa chứ đừng xin vốn bảo trì đường bộ”, ông Thanh nói.
Báo cáo của Tổng cục Đường bộ VN cho biết 5 tháng đầu năm 2017, số lượng xe quá tải đã chiếm tới 11,85% số xe bị kiểm tra khi lưu hành. Tỷ lệ xe vi phạm tải trọng so với cùng kỳ 2016 đã tăng 4,72%, từ 7,13% tăng lên 11,85%. Sau giai đoạn giảm nhờ bị xử lý nghiêm, xe quá tải đang có dấu hiệu tăng trở lại, do việc kiểm tra, xử lý vi phạm về bốc xếp hàng hóa tại đầu nguồn hàng, kho bến bãi không còn được duy trì thường xuyên. Một số dự án BOT đã lắp đặt hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động được.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, yêu cầu các sở GTVT cần xử lý cấp phép xe siêu trường siêu trọng để tạo điều kiện cho DN không phải đi lại nhiều. Để tránh xảy ra tiêu cực trong cấp phép, ông Huyện cũng đề nghị các sở GTVT lắp camera trong phòng cấp phép.
Bình luận (0)