Lăng kính bạn đọc:

Xử lý nhà xây dựng nhỏ hơn giấy phép: Đừng máy móc

Kim Lan
Kim Lan
(tổng hợp)
22/12/2023 07:07 GMT+7

Các địa phương giải quyết không giống nhau trong khâu xử lý nhà xây dựng nhỏ hơn giấy phép xây dựng khiến bạn đọc băn khoăn.

Như Thanh Niên đã thông tin, tại TP.HCM hiện có nhiều căn nhà xây nhỏ hơn giấy phép xây dựng (GPXD) nên không được hoàn công, bị "treo" sổ hồng, rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười.

Theo thống kê của Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM, trên toàn địa bàn TP.HCM có khoảng 5.000 trường hợp xây dựng nhà có diện tích nhỏ hơn quy định trong GPXD đang bị "treo" sổ hồng, trong đó có cả trường hợp xây dựng giảm diện tích chỉ 0,1 m².

Xử lý nhà xây dựng nhỏ hơn giấy phép: Đừng máy móc- Ảnh 1.

Một nhà dân ở Q.Tân Bình (TP.HCM) sau hơn 4 năm vẫn chưa được hoàn công, cấp sổ hồng vì xây giảm diện tích 0,3 mét vuông so với GPXD

ĐÌNH SƠN

Trên thực tế, các quận, huyện hiện xử lý "trường hợp xây nhỏ" theo 2 quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất xác định đây là hành vi vi phạm nên Thanh tra xây dựng ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính. Người dân bị phạt tiền nhưng không phải khắc phục hậu quả do không có phần diện tích vi phạm. Quan điểm thứ hai thì xác định đây không phải là hành vi vi phạm bởi công trình không vượt quá diện tích xây dựng. Do đó, có nơi hoàn công cấp sổ hồng cho dân, có nơi thì không.

Cần linh hoạt xử lý

Nhận xét về cách xử lý các trường hợp "nhà xây nhỏ hơn giấy phép" không giống nhau giữa các địa phương, bạn đọc (BĐ) Hien Le băn khoăn: "Chỉ mới trong TP thôi mà mỗi quận, huyện có cách giải quyết khác nhau, không thống nhất. Vậy trên phạm vi cả nước với các trường hợp xây nhỏ hơn giấy phép thì còn rối cỡ nào?". 

Cùng băn khoăn này, BĐ Linh chia sẻ câu chuyện của chính gia đình mình: "Nhà tôi xây nhỏ hơn GPXD và không được hoàn công. Tôi cũng đã tranh cãi với phòng đăng ký đất đai vì cho rằng mình không xây lấn chiếm gì, nhưng họ không dám giải quyết, nói phải đợi hướng dẫn. Nhưng chờ hoài đến nay vẫn chưa thấy hướng dẫn lại. Trong khi một số quận khác thì linh hoạt xử lý được".

BĐ Nguyen Cao Hanh nhận xét mấu chốt của vướng mắc này nằm ở chỗ một số địa phương đã thiếu linh hoạt khi xử lý: "Đừng xử lý một cách máy móc. Vì văn bản cũng chỉ quy định chung, khi vận dụng cần linh hoạt chứ sao cụ thể hết được". Tán thành, BĐ Nguyên Khôi cho rằng: "Tùy từng trường hợp, cần xem xét việc xây dựng đã cơ bản đúng theo giấy phép, không ảnh hưởng kết cấu, quy hoạch, rồi hỗ trợ người dân hoàn công chứ".

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, cho biết trước đây Bộ Xây dựng chấp thuận theo đề xuất của TP.HCM là những trường hợp nhà xây nhỏ hơn GPXD được giải quyết cấp sổ hồng. Tuy nhiên, từ thời điểm Nghị định 139/2017 có hiệu lực thì trường hợp xây nhà nhỏ hơn GPXD được xem là xây dựng sai phép, bị phạt tiền và phải tháo dỡ công trình.

Nêu ý kiến về vấn đề trên, BĐ Nguyen Ngoc Phuc đặt câu hỏi: "Xây sai GPXD lớn hơn diện tích thì phải buộc tháo dỡ phần sai phép, còn xây nhỏ hơn GPXD thì chẳng lẽ phải đập nguyên căn nhà?".

Sớm hướng dẫn thống nhất, rõ ràng

Trên thực tế, đã có quận, huyện ở TP.HCM giải quyết linh động bằng cách hướng dẫn người dân điều chỉnh GPXD đúng với hiện trạng để làm hồ sơ hợp thức hóa nhà. Người dân chỉ tốn thêm chi phí đo vẽ lại.

Tuy nhiên, ngay với cách giải quyết linh động này, thì vướng mắc về cách hiểu "nhà xây nhỏ hơn GPXP có phải là xây dựng trái phép" vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. BĐ tung buivan nêu: "Có phải vẫn là căn bệnh cán bộ không dám làm, sợ trách nhiệm ? Quy định nào cũng do con người đặt ra, tại sao không nhanh chóng sửa cho dân đỡ khổ?".

Đa số BĐ đều cho rằng các cơ quan quản lý cần sớm ban hành các hướng dẫn thống nhất, cụ thể, rõ ràng để không chỉ người dân được lợi mà ngay cả các cán bộ thực thi pháp luật cấp cơ sở cũng dễ dàng hoạt động.

BĐ Thuy Doan Thi Thanh đề nghị: "Xây nhỏ hơn chứ có phải lấn chiếm đâu mà không hỗ trợ hoàn công. Cơ quan nhà nước nên chủ động tìm hiểu, ban hành sớm hướng dẫn cho việc này, chứ chỉ chiếu theo quy định mà trả hồ sơ hoàn công, như vậy thì phiền phức người dân quá. Rõ ràng, nhiều chính sách được thẩm định thông qua đời sống xã hội và được điều chỉnh cho phù hợp, là hoàn toàn bình thường".

Theo tôi, chỉ cần người dân cam kết sử dụng đúng với diện tích của họ là được rồi. Có gì đâu phải rắc rối như vậy.

Tùng Phạm

Xây dựng nhà diện tích nhỏ hơn so với giấy phép được cấp, việc này đâu có xâm hại đến lợi ích của nhà nước và nhân dân. Diện tích xây dựng nhỏ hơn thì cơ quan chức năng công nhận theo thực tế, xin đừng đổ lỗi cho quy định.

Trần Văn Công

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.