Xử lý tham nhũng có biểu hiện chưa nghiêm minh, nương nhẹ

19/09/2013 10:50 GMT+7

Ngày 18.9, thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng năm 2013, nhiều thành viên Ủy ban TVQH đề nghị làm rõ những vấn đề nóng bỏng chưa được đề cập hoặc chưa được làm rõ trong báo cáo của Chính phủ.

Xử lý tham nhũng có biểu hiện chưa nghiêm minh, nương nhẹ
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18.9 - Ảnh: TTXVN

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) trong năm 2013 cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành thanh tra phát hiện 73 vụ, 80 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117 tỉ đồng, đã thu hồi 59 tỉ đồng, chuyển cơ quan điều tra 11 vụ với 34 người. Ngân hàng Nhà nước phát hiện 21 vụ có dấu hiệu tiêu cực tham nhũng với số tiền vi phạm trên 682 tỉ đồng, 5.600 chỉ vàng. Đã có 36 người đứng đầu bị xử lý vì để xảy ra tham nhũng, trong đó 4 người bị xử lý hình sự. Về minh bạch tài sản, thu nhập năm 2012 đã phát hiện 3 trường hợp kê khai không trung thực, xử lý 58 trường hợp kê khai chậm…

Dù đạt được một số kết quả tích cực nhưng báo cáo Chính phủ đánh giá tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, diễn ra ở nhiều ngành, cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn tinh vi kín đáo, khó phát hiện. Tình trạng sách nhiễu vòi vĩnh gây phiền hà của một số cán bộ công chức gây bức xúc trong dư luận xã hội và người dân. Tham nhũng lãng phí trong quản lý sử dụng đất đai, tín dụng ngân hàng và quản lý vốn tại một số doanh nghiệp nhà nước gây thiệt hại lớn về kinh tế. Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu, làm giảm niềm tin nhân dân. Chính phủ cũng chỉ ra một số hạn chế cụ thể: Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của cơ quan tổ chức còn yếu, chủ yếu qua báo chí hoặc thanh tra, kiểm toán. Việc xử lý có biểu hiện nương nhẹ. Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật hiệu quả chưa cao. Vai trò các cơ quan chuyên trách PCTN còn hạn chế.

 

Dư luận nhân dân cho rằng, với việc xử lý kỷ luật hành chính, đình chỉ điều tra, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ đối với tội phạm về tham nhũng như hiện nay có biểu hiện chưa nghiêm minh, bao che, nương nhẹ và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện

“Có vụ án qua chỉ đạo thì bị xẹp xuống”

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2013, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết việc phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng đã tăng so với năm trước nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Chính phủ chưa có sự đánh giá, phân tích sâu sắc nguyên nhân của những việc chưa làm được, hạn chế, yếu kém. Nhiều ý kiến tại phiên họp cho rằng năm 2013 là năm đầu tiên thực hiện luật PCTN sửa đổi nhưng báo cáo Chính phủ không thể hiện được những điểm nổi bật so với các năm trước.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận xét “báo cáo đánh giá nhẹ hơn cả Nghị quyết T.Ư và Đại hội Đảng” và “cũng không thấy nêu những đánh giá của quốc tế, dư luận báo chí như thế nào về PCTN”. “Trong này cũng chưa thấy nói rõ lực lượng đấu tranh PCTN có tiêu cực không, có bỏ sót, có bao che, có tham nhũng trong đấu tranh PCTN không?", Chủ tịch QH đặt câu hỏi. Cũng theo Chủ tịch QH, việc báo cáo không đánh giá những vấn đề trên sẽ là một khoảng trống và “đem nói với toàn dân là nguy hiểm". "Chuẩn bị cho cả 500 đại biểu thảo luận mà thiếu nhiều thế này thì làm sao thông qua rồi ra kết luận, nghị quyết được?", Chủ tịch QH nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết vấn đề có tiêu cực hay không trong lực lượng PCTN đã được rất nhiều thành viên Ủy ban Tư pháp đặt ra. “Thanh tra phát hiện hàng trăm héc ta đất, hàng nghìn tỉ đồng nhưng thu hồi rất ít thì đã khách quan chưa, thanh tra hàng ngàn vụ việc nhưng chỉ phát hiện được vài vụ tham nhũng nho nhỏ, vậy có tiêu cực không”, ông Hiện đặt câu hỏi.

Cùng đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng trong báo cáo PCTN của Chính phủ cần phải làm rõ hiện tượng chỉ đạo, can thiệp của lãnh đạo chủ chốt các cấp trong việc điều tra án tham nhũng. Theo ông Ksor Phước, trong những trường hợp này cần phải công bố danh tính người can thiệp. “Hiện người dân mất lòng tin vì có vụ án tham nhũng qua chỉ đạo thì bị xẹp xuống”, ông Ksor Phước nói.

Xử lý tham nhũng âm thầm

Theo Ủy ban Tư pháp, các khoản tiền, tài sản sai phạm có liên quan đến tham nhũng phát hiện được qua công tác thanh tra, kiểm toán là rất lớn, nhưng kiến nghị thu hồi chỉ khoảng trên 30%, số thu hồi được cũng chỉ đạt 50% số kiến nghị thu hồi. Đáng chú ý, Ủy ban Tư pháp thông qua các cuộc giám sát cho biết trong khoảng thời gian 2 năm 6 tháng (từ tháng 10.2010 đến tháng 4.2013), Viện KSND tối cao đã đình chỉ 4 vụ với 27 bị can và đình chỉ 11 bị can trong các vụ án tham nhũng khác (toàn ngành kiểm sát đình chỉ 16 vụ với 91 bị can phạm tội tham nhũng, chiếm 2,11%). Việc áp dụng nhiều lần tình tiết giảm nhẹ để xét xử dưới khung hình phạt, sau đó cho hưởng án treo hoặc phạt cải tạo không giam giữ chiếm 31,16% tổng số bị cáo phạm các tội về tham nhũng đã xét xử.

“Dư luận nhân dân cho rằng, với việc xử lý kỷ luật hành chính, đình chỉ điều tra, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ đối với tội phạm về tham nhũng như hiện nay có biểu hiện chưa nghiêm minh, bao che, nương nhẹ và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Có địa phương cho rằng, các vụ án tham nhũng phức tạp do các cơ quan ở trung ương điều tra, truy tố hoặc chỉ đạo xử lý không nghiêm minh nên rất khó làm gương cho các địa phương trong việc xử lý các vụ án tham nhũng”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh.

Ông Ksor Phước cho rằng có nhiều vụ tham nhũng nghiêm trọng kéo dài không biết sẽ đi đến đâu và người dân, đại biểu QH không có thông tin để giám sát. Bên cạnh đó cũng có những sự việc xử lý trong âm thầm lặng lẽ, dẫn ra ví dụ vụ Dương Chí Dũng, nghe nói có xử lý rất nhiều cán bộ nhưng tới đâu thì không rõ, ông Ksor Phước than: “Tôi ở trung ương cũng băn khoăn huống chi đảng viên bình thường, niềm tin đâu nữa vì ở cấp trung ương là nhiều thông tin nhất rồi còn thế”.

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tư pháp cho biết một số biện pháp về PCTN còn mang tính hình thức, chưa phát huy được hiệu quả. Trong đó việc tổ chức khen thưởng đối với người tố cáo tham nhũng chưa được dư luận đồng tình như trường hợp tố cáo tham nhũng tại Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội được Sở Y tế Hà Nội thưởng 320.000 đồng mỗi người. Bên cạnh đó, có trường hợp người tố cáo tham nhũng từ chối nhận khen thưởng, vì cho rằng vụ việc tham nhũng chưa giải quyết đến nơi, đến chốn, vẫn còn biểu hiện bao che như vụ tố cáo tham nhũng tại Trung tâm y tế H.Thăng Bình (Quảng Nam). “Thời gian qua, có nhiều trường hợp lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích được nhận lương hàng tỉ đồng/năm, có nơi đến 2,6 tỉ đồng/người/năm và kéo dài nhiều năm nhưng qua công tác kê khai, minh bạch tài sản không phát hiện được, cho thấy tính hình thức của biện pháp phòng ngừa tham nhũng”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nói.

Giải trình về một số vấn đề trên, Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh và đại diện Viện KSND tối cao cho biết sẽ tiếp thu, cập nhập bổ sung để có báo cáo đầy đủ hơn. Tuy nhiên, theo các cơ quan này sẽ có một số vấn đề bị hạn chế do quy định pháp luật hoặc cơ chế phối hợp. Trong đó, việc một số ý kiến cho rằng báo cáo Chính phủ chưa nêu kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN  là do cơ quan này trực thuộc Bộ Chính trị, không quy định trong luật.

Đề nghị thăm dò mức độ hài lòng của người dân về PCTN

Tại phiên họp, giải trình về việc Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng trong báo cáo của Chính phủ không đưa các kết quả đánh giá, thăm do dư luận về PCTN tại VN của các tổ chức quốc tế là một thiếu sót, Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Tư pháp cho biết do một số thăm dò có những tiêu chí không phù hợp ở VN nên không công nhận mà chỉ coi đó là một kênh tham khảo để thực hiện công tác PCTN tốt hơn. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị thời gian tới Chính phủ cần nghiên cứu để có những nghiên cứu, thăm dò nhằm đánh giá sự hài lòng của nhân dân về công tác này.

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.