Nêu quan điểm về câu chuyện “cạnh tranh không lành mạnh”, luật sư Đặng Kim Ngân Hà - đại diện của Công ty Universal Network Connection (UNC) cho hay, Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh là một trong những quyền được pháp luật tôn trọng được quy định tại điều 3 Luật cạnh tranh 2018, cụ thể: Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.
Điều 45 nêu: Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm như sau: Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó. Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây: Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác.
Và Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh.
Với kinh nghiệm cố vấn pháp lý cho các doanh nghiệp nước ngoài và nhà nước qua nhiều năm, tôi nhận thấy rằng hành vi cạnh tranh không lành mạnh luôn là vấn đề hàng đầu được các nhà lãnh đạo quan tâm và trăn trở, bởi vì hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể tấn công doanh nghiệp khi các nhân viên chủ chốt rời đi và làm việc cho đối thủ cạnh tranh, sử dụng (hoặc có thể sử dụng) thông tin bí mật kinh doanh làm lợi cho đối thủ cạnh tranh trực tiếp của doanh nghiệp hoặc thành lập nên một công ty mới cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp là chuyện không mới tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Các trường hợp về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như: Sau khi nghỉ việc tại doanh nghiệp, các nhân viên cũ để bắt đầu liên hệ với khách hàng hiện tại và tiềm năng tương lai của doanh nghiệp, xúi giục, lôi kéo, khích động khách hàng phá vỡ hợp đồng của doanh nghiệp, dẫn tới các tổn hại đến uy tín và lợi ích kinh tế của doanh nghiệp. Các nhân viên cũ của doanh nghiệp bắt đầu thành lập một công ty mới với tên thương mại dễ gây nhầm lẫn và kinh doanh sản phẩm dịch vụ tương ứng để cạnh tranh trực tiếp và đồng thời sử dụng mạng xã hội để nói xấu, không đúng sự thật nhằm bôi nhọ, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của doanh nghiệp.
Thực tế, những hành vi trên đã gây hoang mang lớn cho khách hàng, gây thiệt hại nặng nề cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo quan điểm của tôi, đây là hoạt động có chủ đích, có tổ chức của một nhóm người với mục tiêu triệt hạ, xóa sổ công ty với mục đích cạnh tranh không lành mạnh. Cách làm này được coi là khá “hiệu quả” bởi sự lan tỏa của mạng xã hội, đặc biệt facebook là rất lớn. Chỉ cần một thông tin được đưa lên, sẽ có hàng nghìn người like, chia sẻ, bình luận… và hậu quả của những thông tin thất thiệt này là uy tín, thương hiệu của tổ chức, doanh nghiệp, danh dự của cá nhân bị xâm hại nghiêm trọng.
Nhìn từ góc độ pháp lý, việc đưa thông tin sai sự thật lên mạng xã hội nhằm xâm hại lợi ích của tổ chức, cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, Điều 21, Hiến pháp 2013 quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Đồng thời, Điều 156 Bộ luật hình sự quy định Tội vu khống: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm khi Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Nhà sáng lập Tập đoàn Universal Network Connection (UNC) là luật sư Úc và từng làm việc tại Đại sứ quán Hàn Quốc tại Úc, do đó ông rất tôn trọng tinh thần thượng tôn pháp luật và công lý. Do đó, Công ty Universal Network Connection (UNC) đã và sẽ tiếp tục đệ trình các hồ sơ pháp lý đối với những cáo buộc, các phương thức vi phạm pháp luật để phá hoại, gây rối hoạt động kinh doanh gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín và hình ảnh của Universal Network Connection (UNC) tới Tòa án và các cơ quan chức năng như Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Bình luận (0)