Thai nhi có được xem là trẻ em?
Ủy ban Tư pháp Quốc hội vừa phối hợp Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc – UNDP tổ chức hội thảo "Tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người tại một số địa phương và định hướng sửa đổi luật phòng, chống mua bán người".
Tại hội thảo, thượng tá Bùi Thị Nương, Phó trưởng phòng, Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), thông tin, từ khi luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực từ năm 2012 đến giữa tháng 2.2023, đã khởi tố 1.744 vụ án về mua bán người, với hơn 3.000 bị can. Trong số hơn 3.000 bị cáo bị đưa ra xét xử, số bị kết án về tội mua bán người chiếm tỷ lệ 70%, các tội danh khác chiếm hơn 30%.
Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan chức năng đang gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, thời gian qua đã xuất hiện việc mua bán thai nhi, không chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước mà còn phát hiện cả những đường dây mua bán thai nhi để đưa ra nước ngoài bán kiếm lời.
Khi phát hiện và xử lý thì các cơ quan có thẩm quyền đã gặp phải những khó khăn. Bởi lẽ, khái niệm "thai nhi" có được coi là trẻ em hay không, thì chưa được làm rõ. Cũng theo quy định hiện hành, thì có thể hiểu thai nhi chưa phải là một con người hoàn chỉnh, chưa có đầy đủ những quyền của trẻ em.
"Có cần thiết phải xử lý đối với những người mẹ đã bán thai nhi trong bụng mình cho người khác hay không. Vấn đề này đang có những quan điểm khác nhau", ông Tùng nói.
Tại điều 151 bộ luật Hình sự quy định, đối tượng bị mua bán ở đây là trẻ em. Thai nhi không phải là trẻ em, nên việc thỏa thuận mua bán thai nhi có thể là hành vi nguy hiểm cho xã hội và vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục. Thế nhưng tại thời điểm được thỏa thuận, thai nhi không phải là đối tượng bị mua bán theo như quy định ở điều 151.
Có trường hợp việc thỏa thuận mua bán thai nhi, được thực hiện trước khi người phụ nữ mang thai. Nếu sau đó người phụ nữ mang thai, sinh con và đứa trẻ được giao cho người mua thì xem xét trách nhiệm hình sự của người bán và người mua về tội mua bán người dưới 16 tuổi. Bởi vì thời điểm này đối tượng bị mua bán là đứa trẻ chứ không phải là thai nhi.
Nếu sau khi thỏa thuận, người phụ nữ không mang thai và thỏa thuận không được thực hiện, thì không đặt ra vấn đề xem xét trách nhiệm hình sự đối với những người đã tham gia thỏa thuận.
Vướng mắc khác là xác định tội danh trong trường hợp môi giới con nuôi trái pháp luật. Ông Tùng cho rằng, trên thực tế, việc xác định tội danh của những người lợi dụng việc môi giới nuôi con nuôi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, vụ lợi có thể phân biệt thành hai trường hợp.
Trường hợp thứ nhất, thông qua hình thức môi giới nuôi con nuôi, người môi giới đã chuyển giao người dưới 16 tuổi cho người khác để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, vụ lợi, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân.
Nếu có cơ sở xác định người môi giới biết được mục đích này của người nhận con nuôi, thì người môi giới và người nhận nuôi con nuôi phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi theo điều 151 của bộ luật Hình sự.
Trường hợp thứ hai, người nào biết người khác thực sự có nhu cầu nuôi con nuôi, đã môi giới cho họ xin con nuôi của người vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện nuôi con, muốn cho con đẻ của mình đi làm con nuôi, và có nhận một khoản tiền từ việc cho con và việc môi giới. "Đây là trường hợp vì mục đích nhân đạo nên người môi giới, người cho con mình đi làm con nuôi và người nhận con nuôi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi", ông Tùng nêu.
Khi nào nạn nhân được trợ giúp pháp lý miễn phí?
Nạn nhân bị mua bán được trợ giúp pháp lý miễn phí gồm: tư vấn pháp luật để phòng ngừa bị mua bán trở lại; trợ giúp làm thủ tục đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, nhận chế độ hỗ trợ, đòi bồi thường thiệt hại, tham gia tố tụng và các thủ tục pháp lý khác có liên quan đến vụ việc mua bán người.
Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), tại điều 2 Nghị định số 144 năm 2017 của Chính phủ, thì chỉ nạn nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc người đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật mới được trợ giúp pháp lý. Điều này gây khó khăn cho nạn nhân trong quá trình hòa nhập cộng đồng.
Bởi theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, hầu hết nạn nhân bị mua bán trở về đều cần làm các thủ tục đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, khai sinh cho con và nhận chế độ hỗ trợ. Một số nạn nhân còn tham gia đòi bồi thường thiệt hại, tham gia tố tụng và các thủ tục pháp khác có liên quan đến vụ việc mua bán người. Nếu quy định chỉ nạn nhân thuộc hộ cận nghèo, hộ nghèo mới được trợ giúp pháp lý sẽ hạn chế các nạn nhân tham gia đòi bồi thường thiệt hại, tham gia tố tụng...
Từ đó, cục này đề xuất sửa luật Trợ giúp pháp lý để tất cả các nạn nhân được nhận các dịch vụ trợ giúp pháp lý. Đồng thời, xem xét hỗ trợ những nạn nhân không được hưởng bồi thường thiệt hại, do người phạm tội không có khả năng bồi thường và những nạn nhân được bồi thường nhưng có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt.
Bình luận (0)