Tuy nhiên, cũng chính vì vậy, một số đối tượng đã lợi dụng để làm ăn phi pháp, bất chấp tính mạng, sức khỏe người dân. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có 6 vụ tai biến liên quan thẩm mỹ "chui" trên địa bàn quận với 1 ca tử vong. Đó là chưa kể hàng loạt sai phạm về hoạt động không đúng phạm vi hành nghề, "tay ngang" ngang nhiên phẫu thuật thẩm mỹ…
Ngày 1.7, UBND Q.10 triển khai đồng loạt 15 tổ kiểm tra (1 tổ cấp quận và 14 tổ cấp phường) kiểm tra các cơ sở hoạt động không phép trong lĩnh vực khám chữa bệnh chuyên khoa thẩm mỹ, thời gian 45 ngày. Động thái này cho thấy chính quyền Q.10 cương quyết lấy lại hình ảnh của "kinh đô làm đẹp", một mặt cũng nhằm bảo vệ những cá nhân, cơ sở làm ăn chân chính. Điều này đáng được nhân rộng ở các quận, huyện khác.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận, lâu nay, nhiều vụ tai biến xảy ra trên địa bàn Q.10 nhưng việc xử lý vẫn còn ở mức hành chính, và với các vụ tai biến chết người, dư luận gần như không có thông tin về các biện pháp xử lý tiếp theo. Và để công tác chấn chỉnh khám chữa bệnh "chui" đi vào thực chất hơn nữa thì nên có những động thái cứng rắn hơn để xử lý mang tính làm gương, đủ sức răn đe, đủ sức giáo dục cộng đồng. Bởi không có lý do gì mà một người không có bằng cấp chuyên môn có thể ngang nhiên mổ xẻ, tác động vào cơ thể người khác. Và dù có bằng cấp chuyên môn nhưng làm sai, làm quá phạm vi chuyên môn cũng cần phải xử lý làm gương. Không hà cớ gì mà một người tái phạm nhiều lần trên một địa bàn quận, thậm chí "chạy" qua quận khác của TP.HCM và vẫn tiếp diễn vi phạm, nhưng cứ "nhởn nhơ" như trêu ngươi dư luận, thách thức pháp luật.
Trong chiến dịch 45 ngày cao điểm và sau đó nữa, tin rằng cam kết của Q.10 về "mọi hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ" được thực hiện quyết liệt, có điểm nhấn và minh bạch.
Bình luận (0)