Xử nặng các 'cuộc gọi rác': Phải chế tài mạnh

29/12/2016 08:02 GMT+7

Đó là ý kiến nhiều bạn đọc sau khi đọc các bài viết Xử nặng các “cuộc gọi rác” và “Thượng đế” bị tra tấn đăng trên Thanh Niên ngày 28.12.

Có thể phạt nặng !
Cách các nước dùng biện pháp chế tài mạnh đối với các doanh nghiệp (DN) vi phạm, gây ảnh hưởng đến người khác, như bài báo nêu ra, là rất hay. Tôi nghĩ, nếu kiên quyết với chuyện này thì cũng có thể phạt nặng các DN bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản... vi phạm. Không thể cho phép việc mua bán thông tin cá nhân của người khác rồi mặc sức quấy rối, bất kể ngày đêm để phục vụ cho mục đích làm ăn của mình. Đối với các tổ chức, cá nhân mua bán thông tin cá nhân cũng phải xử phạt nặng.
Nguyễn Bình (H.Long Khánh, Đồng Nai)
Muộn còn hơn không !
Đến bây giờ mới quy định việc xử phạt các hành vi này là hơi muộn, nhưng muộn còn hơn không. “Cuộc gọi rác” nói trắng ra là xâm phạm đời tư, xâm phạm tinh thần người khác. Không thể để tồn tại việc xâm phạm đến người khác một cách trắng trợn như vậy. Tôi đề nghị phải phạt tiền tỉ đối với DN nếu vi phạm nặng, vi phạm nhiều lần, đối với nhiều người. Cao hơn nữa là đóng cửa công ty. Có như vậy mới dẹp được “cuộc gọi rác”.
Phan Vinh (H.Bình Chánh, TP.HCM)
Buộc hiện “tên người gọi”
Việc buộc hiện số cuộc gọi từ các DN quảng cáo là điều nên làm. Các DN muốn quảng cáo qua điện thoại phải đăng ký đầu số với nhà mạng. Khi nhân viên của DN này gọi đến khách hàng, dù điện thoại khách hàng không lưu số nhưng mặc định sẽ hiện “tên người gọi” là DN đó. Nhìn vào điện thoại, khách sẽ nhận ra cuộc gọi đó đến từ DN nào để quyết định nghe hay từ chối.
Vũ Hoàng Thắng (Q.Tân Bình, TP.HCM)

tin liên quan

‘Thượng đế’ bị tra tấn
Phải dùng từ "tra tấn" mới đúng với tình trạng khách hàng (vốn được gọi là “thượng đế”) bị quấy rầy bởi các cuộc gọi điện mời mua bảo hiểm, vay vốn, mời tham gia các dịch vụ về học hành, thể dục...
Hiệp hội người tiêu dùng vào cuộc
Để bảo vệ được người tiêu dùng (NTD) thì Hiệp hội Bảo vệ NTD phải mạnh, phải thực sự có tiếng nói và đứng hoàn toàn về phía NTD. Hiệp hội phải thực hiện mọi biện pháp có thể để NTD được bảo đảm quyền lợi khi mua hàng hóa, dịch vụ cũng như bảo vệ NTD trước những đòn “tra tấn” từ các DN. Hiện nay Hội Bảo vệ quyền lợi NTD ở các tỉnh thành cần sớm có những giải pháp để NTD không còn bị các DN quấy rầy bởi “cuộc gọi rác”. Đó có thể là phương pháp học hỏi từ nước ngoài hoặc các phương pháp hiệu quả hơn phù hợp với pháp luật, văn hóa, xã hội trong nước.
Nguyễn Hữu Thanh (P.6, Q.4, TP.HCM)
       
Hiện tại cũng như trong tương lai, chiếc điện thoại thông minh gắn bó chặt chẽ với đời sống của mỗi cá nhân và việc tiếp thị, bán hàng thông qua điện thoại, tin nhắn cũng như trên mạng internet sẽ ngày càng phát triển. Vì thế, đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng xây dựng các quy định về quảng cáo, tiếp thị qua điện thoại, tin nhắn... Bên cạnh đó, cần quy định các chế tài cụ thể, xử nặng hành vi “quấy rối” qua điện thoại như báo chí phản ánh.
Trần Thị Thu Hiền (TP.Pleiku, Gia Lai)
       
Bảo vệ người tiêu dùng trước làn sóng “tấn công” của các DN nhằm quảng cáo sản phẩm, dịch vụ cũng là bảo vệ quyền nhân thân của mỗi công dân. Sau khi báo chí lên tiếng thì các “cuộc gọi rác” dường như giảm hẳn. Thế mới biết sức mạnh của dư luận. Nhân đà này, các cơ quan chức năng nên sớm ban hành quy định về khung giờ cho phép gọi điện tiếp thị, quảng cáo cũng như các quy định liên quan đến hoạt động này.
Võ Thị Mận (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
An Phong - Duy Khang (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.