Chỉ khi CSGT lập chốt công khai, ở những địa điểm người dân dễ thấy nhất mới góp phần ổn định giao thông, giảm thiểu tai nạn. Vì vậy, những trường hợp “núp” phải bị xử lý nghiêm.
|
Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi đọc bài CSGT không được “núp” để xử lý người vi phạm trên Thanh Niên ngày 14.12.
'Núp' vừa phản cảm, vừa nguy hiểm
TP.Hà Nội đã khẳng định nghiêm cấm CSGT núp ở chỗ kín đáo để “rình” người vi phạm. Nhưng việc CSGT “núp” khi xử lý người vi phạm không chỉ có ở Hà Nội, mà còn thấy ở nhiều địa phương. Đành rằng, người tham gia giao thông đã vi phạm luật thì phải chấp hành hình phạt. Nhưng vấn đề đặt ra là cách CSGT “núp” như thế có đúng luật hay không và nó tốt hay xấu đối với an toàn giao thông đường bộ?
Về mặt quy định pháp luật, Thông tư số 65/2012/TT-BCA hướng dẫn thi hành luật Giao thông đường bộ, chương 2, điều 4, khoản 4 quy định nhiệm vụ tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT ghi: “Hướng dẫn người tham gia giao thông chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về giao thông đường bộ”. Câu này có ý nghĩa rất rõ ràng là, CSGT trước hết phải hướng dẫn người dân đi đúng đường, chứ không phải chờ người dân đi sai đường rồi đón bắt. Cho nên việc “núp” của CSGT là không đúng với tinh thần của văn bản pháp luật.
Vấn đề thứ 2, việc “núp” tốt hay xấu đối với an toàn giao thông đường bộ? Xin thưa là nó có ảnh hưởng rất xấu. Tôi xin phân tích: Nếu CSGT đứng công khai, hướng dẫn cho người dân thì vi phạm không xảy ra. Mà vi phạm không xảy ra thì an toàn giao thông được nâng cao. Còn khi CSGT “núp” thì rõ ràng vi phạm xảy ra nhiều, đe dọa an toàn giao thông nhiều hơn.
Với những phân tích như trên, tôi đề nghị ngành công an trên cả nước nghiêm cấm lực lượng CSGT “núp” khi xử lý người vi phạm; những CSGT vi phạm phải bị xử lý nghiêm.
Trần Đình Thu
(TP.HCM)
Hãy đứng công khai
CSGT xuất hiện trên đường công khai sẽ giúp cho tình hình trật tự đảm bảo hơn. Nhiều người thiếu ý thức lúc tham gia lưu thông cũng sẽ cảm thấy bị… răn đe, không dám phóng nhanh vượt ẩu, qua đó hạn chế nhiều rủi ro có thể xảy ra. Hình ảnh lực lượng CSGT trong mắt người dân cũng sẽ đẹp và thân thiện hơn là ngồi “núp” ở đâu đó để bắt lỗi.
Hồ Thị Phương Tùng
(ngochungdx@gmail.com)
Làm được, dân sẽ tin
Khi đang đi trên đường, việc CSGT tự dưng xuất hiện quá đột ngột dễ làm người điều khiển xe tải, xe khách, kể cả xe máy cảm thấy bất ngờ, lúng túng, dễ xảy ra tai nạn. Vì vậy, việc Công an Hà Nội tiến hành xử lý nghiêm tình trạng CSGT “núp” ở góc khuất, không đứng công khai và giật chìa khóa của người vi phạm, để quyết tâm xây dựng hình ảnh người cán bộ, cảnh sát giỏi về nghiệp vụ và thân thiện, tôi tin sẽ được nhân dân rất đồng tình và ủng hộ. Khi mọi vi phạm được phát hiện công khai và xử lý nghiêm túc luôn hạn chế được những khuất tất, tiêu cực…
Phạm Thị Minh Nguyệt
(phamthiminhnguyet@gmail.com)
Tăng cường đứng chốt ban đêm
Hiện nay, ngoài số ít lực lượng tuần tra ban đêm túc trực trên đường phố thì ở các điểm chốt, ngã ba, ngã tư tại các TP lớn sự có mặt của CSGT rất thưa thớt. Nhiều đoạn quốc lộ, tỉnh lộ thấy hơi ít bóng dáng CSGT, trong khi đó vào buổi tối các tuyến đường chính lưu lượng xe qua lại không thua gì ban ngày. Đề nghị tăng cường lực lượng chốt vào ban đêm nhiều hơn để kịp thời giúp dân giải quyết nhanh những sự cố như cướp giật giữa đêm hôm khuya khoắt.
Phạm Công Qúy
(quyqa@gmail.com)
Giám sát lẫn nhau
Nếu hành vi vi phạm luật giao thông của người dân được CSGT phát hiện và công khai bắt tại trận thì người vi phạm “tâm phục khẩu phục” hơn là bị bắt lỗi không rõ ràng. Đã có nhiều trận cãi vã kịch liệt giữa người đi đường và cảnh sát mà chẳng biết ai đúng ai sai. Vì vậy, càng công khai bao nhiêu, qua đó người dân sẽ càng có điều kiện giám sát, phát hiện ngay những “con sâu làm rầu nồi canh” trong lực lượng. Khi cả hai bên cùng giám sát, tương hỗ nhau trên đường thì tình hình giao thông sẽ dễ dàng được cải thiện, từ đó ý thức chấp hành pháp luật cũng nâng cao.
Nguyễn Hồ Quảng Giang
(quanggiang@gmail.com)
(thực hiện) |
Bình luận (0)