Xử phạt vi phạm hành chính của Chính phủ, có nên chuyển sang tòa án?

Mai Hà
Mai Hà
09/11/2023 19:03 GMT+7

Góp ý dự án luật Tổ chức tòa án nhân dân chiều 9.11, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đề nghị bỏ điều 26 quy định về chức năng, quyền hạn và thẩm quyền của tòa án trong giải quyết và xét xử các vi phạm hành chính.

Chiều 9.11, Quốc hội thảo luận tại tổ về luật Tổ chức tòa án nhân dân. Theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, tòa án hiện có thẩm quyền trong xử lý vi phạm hành chính đối với 4 trường hợp.

Chức năng xử phạt vi phạm hành chính của Chính phủ, có nên chuyển sang tòa án? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long

QUỐC HỘI

Cụ thể, gồm xử phạt hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng; áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và áp dụng các biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Mặt khác, chức năng và nhiệm vụ chính liên quan đến việc này của Chính phủ là kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm quy tắc quản lý hành chính nhà nước từ T.Ư tới địa phương, để bảo đảm quản lý nhà nước gắn liền với việc phát hiện và xử lý các vi phạm hành chính.

“Nếu chuyển toàn bộ chức năng này hay một phần chức năng này sang bên tòa án, cần phải có đánh giá rất kỹ, có nên chuyển từ Chính phủ sang tòa án hay không”, Bộ trưởng Tư pháp nêu và đề nghị cân nhắc để tránh trùng lẫn với chức năng, nhiệm vụ của tòa án với Chính phủ.

Theo thống kê của Chính phủ, số vụ vi phạm hành chính trong năm 2019 khoảng độ 5,8 triệu vụ, số quyết định xử phạt hành chính đã ban hành khoảng 6,1 triệu quyết định. Năm 2020 con số tương ứng là 4,8 triệu vụ và gần 5,9 triệu quyết định xử phạt; năm 2021 là 4 triệu vụ và 4,6 triệu quyết định xử phạt; năm 2022 là gần 4 triệu vụ và 4,1 triệu quyết định xử phạt. Ông Long cho rằng đây là một con số rất là lớn.

Hiện nay, theo luật Xử lý vi phạm hành chính, có gần 200 các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Nếu tính ra số lượng người tuyệt đối tại tất cả các cấp, các ngành có chức năng xử phạt con số rất lớn. Do đó, tư lệnh ngành tư pháp đề nghị cân nhắc kỹ tính khả thi, trước mắt cần bỏ điều 26.

Lập tòa chuyên biệt tại Hà Nội, TP.HCM

Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu băn khoăn và không đồng tình với đề xuất đổi tên tòa án nhân dân cấp tỉnh thành tòa án phúc thẩm và tòa án nhân dân cấp huyện thành tòa án sơ thẩm. Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), trên thực tế các tòa án nhân dân tỉnh vẫn xét xử sơ thẩm. 

"Tên gọi là phúc thẩm nhưng vẫn xét xử sơ thẩm. Công việc rất nặng nề với các tòa án vì tinh giản biên chế, chưa đảm bảo được việc xét xử", đại biểu Yến nêu.

Cùng quan điểm này, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Cao Bằng) cho rằng tòa phúc thẩm vẫn xét xử sơ thẩm, trong khi cấp huyện chưa đảm bảo hết được các vụ sơ thẩm. Chưa kể, đổi tên nhưng không có nhiều thay đổi trong thực tế, nên ông nhất trí với cơ quan thẩm tra (Ủy ban Tư pháp) là giữ nguyên tên tòa án nhân dân cấp huyện, tỉnh.

Ông Khánh cũng nhất trí với việc thành lập các tòa chuyên biệt tại Hà Nội và TP.HCM, xét xử các vụ án chuyên sâu như phá sản…

Bên cạnh đó, một số tỉnh miền núi vẫn đang tiến hành xét xử lưu động và được hội đồng nhân dân tại địa phương hỗ trợ kinh phí. Theo đánh giá của tòa án nhân dân, thì việc xét xử lưu động tốt, có tính răn đe với một số vụ việc, nhưng không được quy định trong luật. Vì thế, đại biểu đoàn Cao Bằng đề nghị, nếu đã cho thực hiện xét xử lưu động thì nên quy định trong luật.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.