Nhiều thông điệp ý nghĩa ẩn chứa đằng sau bộ ảnh thú vị này. 24 bức ảnh như nói hộ nỗi lòng của bất kỳ ai, đều đã từng “có một ngày buồn như thế”.
Nội dung bộ ảnh diễn đạt các dòng tâm sự: “Có những ngày, bạn không biết thế nào để thoát khỏi nỗi buồn. Khi phải suy nghĩ quá nhiều, phải sống trong áp lực vì những điều tồi tệ nhất đang bủa vây, sống trong sự kỳ vọng của quá nhiều người… Thế nhưng dẫu có thế nào, vẫn có một thứ không bao giờ bỏ rơi bạn, luôn rực rỡ và xinh đẹp, kỳ diệu vô cùng. Đó là chính bạn. Hãy lựa chọn: vượt qua nỗi buồn để đi tiếp hay mãi mãi chỉ là cái bóng của nỗi buồn?”…
Những dòng tâm sự trên chia sẻ sự đồng cảm “như có mình ở trong đó” của nhiều người, nên bộ ảnh này đã thu hút hàng nghìn lượt yêu thích và có hơn 1.100 lượt chia sẻ trên một fanpage (Facebook). “Rất tuyệt vời”, “Những nét vẽ nguệch ngoạc giản đơn mà ẩn chứa bao điều ý nghĩa”… là các bình luận ngợi khen.
“Chính tôi cũng đã trải qua những ngày buồn như vậy. Cũng phân vân phải sống thế nào để thoát khỏi chuỗi ngày tồi tệ”, Việt Thanh chia sẻ trên diễn đàn vietdesigner.net.
Còn Trần Vũ thì bình luận tại diễn đàn forum.ueh.edu.vn rằng: “Bộ ảnh tiếp cho tôi thêm động lực để vượt qua nỗi buồn. Buồn ơi, ta tạm biệt mi từ đây”.
Trò chuyện với Thanh Niên, Hà Trần, sinh viên Khoa Tạo dáng công nghiệp, Viện ĐH Mở Hà Nội (tác giả bộ ảnh), chia sẻ: “Là người trẻ, cho nên có nhiều lúc cảm thấy buồn và bế tắc trong cuộc sống. Tác phẩm này mình hoàn thành trong một đêm buồn và không ngủ. Đơn giản chỉ là lời tâm sự của bản thân, nhưng bất ngờ khi được đón nhận nhiều”.
Ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc Công ty giáo dục DeltaViet, nhận xét bộ ảnh với tông vàng rất hợp tâm trạng, nét vẽ đơn giản nhưng lại rất có cảm xúc, dễ khiến người xem đồng cảm vì rất gần gũi, rất đời thực. Và chắc hẳn ai xem cũng sẽ cảm thấy bóng dáng mình trong đó, cũng đã từng một lần có cảm xúc như thế.
Ông Minh cũng nói thêm về tâm lý của người trẻ, khi buồn thường hồi tưởng về nguyên nhân gây ra nỗi buồn, tự trách bản thân. Và cảm giác buồn thường đọng lại trong tâm trí lâu hơn cảm giác vui. Khi buồn, họ cũng thường bị xoáy vào dòng cảm xúc buồn không dứt ra được. Càng suy nghĩ về nỗi buồn thì càng thấy mọi thứ tệ hại. Thay vì đặt câu hỏi: "Làm sao để hết buồn?", thì người trẻ lại thường nghĩ: "Tại sao mình lại tệ như vậy? Tại sao lúc đó mình lại hành động dở như thế?" và tự trách mình khiến cho mọi việc ngày càng tồi tệ hơn.
Ông Minh chia sẻ: “Mỗi người hoàn toàn có thể thay đổi cách nhìn nhận, thay đổi cảm xúc của bản thân về sự việc vui hay buồn là do mình lựa chọn”. Cách đơn giản nhất, theo ông Minh là tự tìm cho mình một niềm vui mới. Dành thời gian để làm điều yêu thích, đam mê, nếu bản thân chưa có niềm đam mê thì hãy làm điều gì khiến bản thân thấy thích thú, vui vẻ như: đánh đàn, ca hát, vẽ vời, đọc sách, làm từ thiện...
Nhiều thành viên trên các diễn đàn thắc mắc: “Sao tác giả không nói hộ luôn những ý tưởng để vượt qua nỗi buồn?”. Tác giả Hà Trần cho rằng: “Tự mỗi người sẽ có cách vượt qua nỗi buồn”.
Bình luận * “Bộ ảnh rất ý nghĩa và đúng tâm trạng, dành tặng tác giả điểm 10”. (Thành Sang/haivl.com) * “Đang tự kỷ thì xem được cái này. Đời thấy vui lạ thường”. (Kim Oanh/Facebook) * “Chỉ có thể nhận xét ngắn gọn: Hay, sáng tạo và đầy ý nghĩa”.(vuducphuong/YouTube) * “Nỗi buồn âu cũng chỉ là một viên sỏi nhỏ trên quãng đường. Đừng vì một ngày buồn mà đánh mất cả tương lai”. (mebeloan/webtretho.com) |
Thanh Nam
>> Cư dân mạng thích thú với clip ‘Khúc ca vui bán’
>> Cư dân mạng lên án cậu bé đánh mẹ
>> Cư dân mạng phản đối gay gắt website ‘ngoại tình’
Bình luận (0)