Theo Hội Thiên văn Hà Nội cho biết thời điểm xuân phân, mặt trời lúc này sẽ chiếu thẳng vào xích đạo khiến thời gian ngày và đêm gần như bằng nhau trên khắp thế giới. Đây cũng là ngày đầu tiên của mùa xuân ở Bắc bán cầu và ngày đầu tiên của mùa thu ở Nam bán cầu.
Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) thì thông tin trong dương lịch, nếu nói chính xác thì xuân phân là một điểm, không phải một ngày. Điểm xuân phân là một trong hai điểm giao nhau của hoàng đạo (đường đi biểu kiến của mặt trời trên bầu trời) và xích đạo trời (hình chiếu của xích đạo trái đất lên bầu trời).
Nói dễ hiểu hơn, xích đạo trái đất và quỹ đạo của nó là 2 mặt phẳng lệch nhau ~23,5 độ, nên có 2 điểm giao như vậy trên bầu trời. Khi mặt trời đi qua giao điểm theo hướng tiến về phía bắc thì đó là điểm xuân phân, còn về phía nam thì là thu phân (đối với Bắc bán cầu, còn ở Nam bán cầu thì ngược lại).
Khi mặt trời đi qua xích đạo trời, tức là nó nằm trên đúng mặt phẳng xích đạo trái đất, thì 2 bán cầu có thời lượng được chiếu sáng như nhau, vì thế nên vào những ngày lân cận điểm này chúng ta thấy ngày và đêm dài gần đúng bằng nhau.
Điểm phân này trong tiếng Anh gọi là equinox, xuất phát từ thuật ngữ có cách phát âm gần giống như vậy trong tiếng Latin là aequinoctium, được ghép từ 2 từ là aequus (bằng nhau, tương tự như equal) và noctis (đêm) - chính là để chỉ đặc điểm ngày đêm dài bằng nhau này.
Xuân phân, thu phân, hạ chí và đông chí là 4 mốc thời gian rất cơ bản. Mặc dù thường được coi là một ngày, nhưng thực tế thì không phải. Trong lịch 24 tiết khí thì mỗi cái tên trên là tên của một tiết khí dài tới 15 ngày, và cái mà chúng ta gọi là ngày xuân phân ngày nay chỉ là ngày khởi đầu của tiết xuân phân (tương tự với những ngày còn lại).
Bình luận (0)