Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), xuân phân sẽ xuất hiện vào tháng 3 đánh dấu ngày đầu tiên của mùa xuân ở bắc bán cầu. Tháng này cũng xuất hiện Trăng Giun, nguyệt thực nửa tối và cũng là thời điểm vàng để người yêu thiên văn quan sát sao Thủy.
Trăng mới (ngày 10.3)
Mặt trăng sẽ nằm ở cùng phía của trái đất với mặt trời và sẽ không nhìn thấy được trên bầu trời đêm. Giai đoạn này xảy ra lúc 16 giờ 2 phút (giờ Việt Nam). Đây là thời điểm tốt nhất trong tháng để quan sát các vật thể mờ như các thiên hà, cụm sao vì không có ánh trăng cản trở.
Xuân phân (ngày 20.3)
Xuân phân sẽ xảy ra vào lúc 10 giờ 1 phút (giờ Việt Nam). Mặt trời lúc này sẽ chiếu thẳng vào xích đạo khiến thời gian ngày và đêm gần như bằng nhau trên khắp thế giới. Đây cũng là ngày đầu tiên của mùa xuân (xuân phân) ở bắc bán cầu và ngày đầu tiên của mùa thu (thu phân) ở nam bán cầu.
Sao Thủy đạt vị trí ly giác cực đại phía đông (ngày 24.3)
Sao Thủy đạt vị trí ly giác cực đại phía đông, cách mặt trời lên tới 18,7 độ. Đây là thời điểm tốt nhất để thấy được sao Thủy vì nó sẽ ở điểm cao nhất phía trên đường chân trời trong bầu trời buổi tối. Hãy quan sát hành tinh này ở vị trí thấp trên bầu trời phía tây ngay sau khi mặt trời lặn.
Trăng tròn (ngày 25.3)
Mặt trăng sẽ xuất hiện tại vị trí đối diện với mặt trời khi quan sát từ trái đất và bề mặt của nó sẽ được chiếu sáng hoàn toàn. Giai đoạn này xảy ra lúc 14 giờ 2 phút (giờ Việt Nam). Lần trăng tròn này được các bộ lạc người Mỹ bản địa đầu tiên gọi là Trăng Giun vì đây là thời điểm trong năm khi mặt đất bắt đầu mềm đi và giun đất sẽ xuất hiện trở lại. Trăng này còn được gọi là Trăng Quạ, Trăng Vỏ, Trăng Nhựa và Trăng Mùa Chay.
Nguyệt thực nửa tối (ngày 25.3)
Điều này xảy ra khi mặt trăng đi qua vùng bóng một phần của trái đất, hay còn gọi là vùng nửa tối. Trong kiểu nguyệt thực này, mặt trăng sẽ tối đi một chút nhưng không tối hoàn toàn. Có thể quan sát trên khắp Bắc Mỹ, Mexico, Trung Mỹ và Nam Mỹ nhưng không quan sát được ở Việt Nam.
Bình luận (0)